Xã hội

Tạo nét văn hóa bảo vệ môi trường biển

Đinh Thành Trung 16/05/2024 - 10:46

(TN&MT) - Chỉ khi tất cả chúng ta cùng có ý thức bảo vệ môi trường biển, cùng biến ý thức thành hành động và tạo dựng thành nét văn hóa thì lúc đó chúng ta mới thực hiện được mong muốn giữ mãi màu xanh của biển.

anh-dd.jpg
image-2-copy.jpg

Bài 3:

Hình thành văn hóa bảo vệ biển từ gia đình

Gia đình là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người. Ở góc độ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường biển, dù là lĩnh vực không trực tiếp hằng ngày tác động lên sinh hoạt gia đình, tuy nhiên, không vì thế mà gia đình “đứng ngoài” trách nhiệm này. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, môi trường biển phải được hình thành trong chính mỗi gia đình và duy trì, nuôi dưỡng ý thức đó thành văn hóa.

Gia đình phải đồng hành với nhà trường và xã hội

Chứng kiến niềm vui của các bé mầm non trong buổi giáo dục ý thức về tình yêu và lợi ích của môi trường biển, nhiều bậc phụ huynh và người có trách nhiệm đều phấn khởi vui mừng vì chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên xây lâu đài có tên văn hóa bảo vệ môi trường biển cho lớp trẻ. Mô hình các lớp học như vậy ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên cả nước, nhất là các địa phương có biển. Tại đây, các em được nghe những câu chuyện truyền cảm về biển, qua đó hiểu được tầm quan trọng của biển với cuộc sống.

image-2-.png
Các thành viên trong gia đình cùng tham gia dọn rác ở mũi Ca Dao (thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Để tạo dựng được văn hóa bảo vệ môi trường biển cho thế hệ trẻ, chúng ta không thể chỉ nhờ vào những bài giảng lý thuyết trên lớp. Việc chúng ta cần làm là tăng hứng thú cho lớp trẻ về bảo vệ môi trường biển bằng hành động. Để các em có được nhận thức sâu sắc cũng như ý thức rằng mình phải tham gia bảo vệ môi trường biển, cần tổ chức các hoạt động thực tế như các chương trình tham gia làm sạch bãi biển, tìm hiểu về sự đa dạng của biển...

Một cách giáo dục hiệu quả cho trẻ là trình chiếu các phim tài liệu về hiểm họa cũng như tác động của ô nhiễm môi trường biển với cuộc sống; các video về sự vất vả của người công nhân dọn rác trên biển. Việc này sẽ tác động lớn đến ý thức của trẻ, qua đó dần hình thành văn hóa bảo vệ môi trường biển.

Có câu nói: Trẻ em như tờ giấy trắng. Nếu không sớm đặt vào đó những điều tốt đẹp về biển cả, tầm quan trọng của biển đối với con người, không sớm gieo tình yêu trước biển và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển thì tờ giấy ấy có thể bị những điều vô cảm chen chân vào. Trong một hoạt động dọn rác trên bãi biển do nhà trường phối hợp với gia đình tổ chức, một bậc phụ huynh từng trăn trở rằng: “Làm sao để những hoạt động phối hợp này lan tỏa rộng hơn? Làm sao để mỗi học sinh đều có những trải nghiệm ý nghĩa trước biển? Làm sao để cả những học sinh không được trải nghiệm vẫn hình thành trách nhiệm giữ gìn môi trường cho biển xanh, sạch?”. Trăn trở của chị làm tôi suy nghĩ nhiều. Phải chăng từ trước đến nay, việc tuyên truyền giáo dục trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cho các em nhỏ chưa được duy trì triển khai rộng khắp và đang được phó mặc cho nhà trường, chúng ta đang quên mất vai trò cực kỳ quan trọng của phụ huynh. Vì vậy, phụ huynh cũng cần được tuyên truyền và phụ huynh phải là một tuyên truyền viên trong gia đình về ý thức, hành vi bảo vệ môi trường biển. Phải xây dựng nét văn hóa bảo vệ biển từ trong mỗi gia đình.

Xây dựng ứng dụng chính thống về bảo vệ môi trường biển

Để nhận được sự phối hợp lan tỏa từ cộng đồng trong việc đưa gia đình vào vai trò giáo dục ý thức bảo vệ biển, cần xây dựng một ứng dụng trên các thiết bị thông minh để phục vụ nhu cầu của tất cả người dân. Đây phải là một ứng dụng thân thiện và cho phép kết nối từ mọi nơi trên thế giới, cho phép những thông tin chính thức được tiếp cận đến với người qua tâm.

rac-bua-vay-bai-tam.-anh-cu-hien.png

Mặc dù việc xây dựng ứng dụng tổng hợp và thân thiện như vậy đòi hỏi một lượng thông tin khổng lồ. Muốn thực hiện được, cần ứng dụng kết hợp nhiều công nghệ như các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp (big data), AI cộng với hệ thống máy chủ đủ mạnh để xử lý, phân loại thông tin, tuy nhiên, khi thông tin đến với người dân và mọi thao tác để tiếp nhận thông tin phải phổ thông nhất, không quá rườm rà, rắc rối, phức tạp. Bên cạnh đó, cần có một đội ngũ kiểm duyệt thông tin một cách sát sao và có chọn lọc kỹ càng...

Để xây dựng được một ứng dụng thông tin lớn này, chúng ta cần một cơ sở hạ tầng tương xứng. Cũng cần có nguồn lực để triển khai xây dựng ứng dụng chất lượng nhất có thể. Cùng với đó, xây dựng một kho dữ liệu thông tin về bảo vệ môi trường biển được lấy từ nhiều nguồn, trong đó thông tin được cung cấp từ người dân chiếm vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách, các quy chế quản lý có liên quan và đặt ra lộ trình cụ thể để triển khai. Cần sự chung tay của các sở, ngành, các quận, huyện và đóng góp của doanh nghiệp và người đân để ứng dụng này có thể đi vào hoạt động.

Cùng “giữ lửa” phong trào

Gia đình chính là tế bào của xã hội. Nếu nhiều gia đình có ý thức bảo vệ môi trường biển thì xã hội sẽ giàu ý thức bảo vệ môi trường biển. Nếu coi việc giáo dục các em học sinh khó một thì tuyên truyền cho các bậc phụ huynh ý thức, hành vi bảo vệ môi trường biển sẽ khó mười. Trong các gia đình, dòng họ thường có người có uy tín để các thành viên khác nghe theo, đó chính là cao niên, trưởng họ…

Bản thân các bậc trưởng bối này đề cao lễ nghĩa, gia giáo và khuyến khích con cháu làm người tốt. Nếu chúng ta khéo léo truyên truyền cho các vị này thì tác dụng lan tỏa sẽ rất lớn, kéo theo nhiều người trong dòng họ làm theo. Lực lượng hùng hậu khác là phụ nữ. Chúng ta đã chứng kiến nhiều mô hình được triển khai thành công thông qua các câu lạc bộ của tổ chức Hội phụ nữ các cấp. Với văn hóa bảo vệ môi trường biển, rất cần sự chung tay của lực lượng này.

Chúng ta nên thành lập những tổ bảo vệ môi trường biển ngay trong cộng đồng dân cư, trước hết là tại các khu dân cư giáp với biển, các cộng đồng kinh doanh, buôn bán, du lịch biển.

Một lợi thế khác của các tổ bảo vệ môi trường cộng đồng chính là nhắc nhở người dân phân loại rác trước khi được dọn đi. Việc phân loại rác tại nguồn là một hành động văn minh nhưng không phải ai cũng biết lợi ích của nó, vẫn còn nhiều người chưa ý thức được, do đó cần có người nhắc nhở theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Cần tuyên truyền mạnh mẽ về phát huy tình đoàn kết, gắn bó lẫn nhau, mỗi người cùng bỏ chút thời gian riêng tư ra để thu được lợi ích to lớn cho cả cộng đồng. Một lực lượng có thể tham gia tích cực vào những tổ bảo vệ môi trường này là thanh niên địa phương, hội viên cựu chiến binh địa phương.

Tiếp đó, cần xây dựng làm điểm các mô hình bảo vệ môi trường biển của cộng đồng dân cư, từ đó tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông để giáo dục thế hệ tương lai.

Chúng ta cũng cần hình thành mạng lưới cung cấp thông tin về ô nhiễm môi trường biển ngay trong các khu dân cư. Trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin là thứ quan trọng nhất. Đặc biệt là những nơi đang bị ô nhiễm và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm.

Ý thức thay đổi là kết quả quan trọng nhất, cần hình thành một nền tảng ý thức ăn sâu vào mỗi cộng đồng dân cư. Một mô hình bảo vệ môi trường không thể hiệu quả nếu chỉ làm mạnh trong một thời gian, vì vậy cần phải tích cực “giữ lửa” phong trào thường xuyên. Đừng để phong trào bảo vệ môi trường trong dân cư phát triển rất mạnh nhưng chỉ được một thời gian rồi lại trầm lắng.

Đinh Thành Trung

Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Đinh Thành Trung