Doanh nghiệp - doanh nhân

Hoài Đức - Hà Nội: Hàng loạt cụm công nghiệp làng nghề vẫn “nằm trên giấy”

Phạm Thiệu 15/05/2024 - 15:17

(TNMT) – Được thành lập với mục đích góp phần giải quyết bài toán “điểm đen” ô nhiễm làng nghề nhưng hàng loạt cụm công nghiệp làng nghề ở huyện Hoài Đức đang rơi vào tình trạng "nằm trên giấy".

Những năm qua, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều làng nghề truyền thống, huyện Hoài Đức có chủ trương xây dựng một số cụm công nghiệp làng nghề để đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, thực tế số hộ dân chịu di dời khá khiếm tốn trong khi nhiều cụm công nghiệp vẫn ở trong tình trạng “quy hoạch trên giấy”.

Tại một số xã là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của huyện Hoài Đức như: Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (các xã này có nghề truyền thống làm miến dong, mì gạo, tinh bột sắn… và nước thải của quá trình sản xuất này được xả trực tiếp ra môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua – PV), chính quyền thành phố và huyện Hoài Đức đã có chủ trương thành lập các cụm công nghiệp Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (giai đoạn 2).

ccn-duong-lieu-1.jpg
Cụm công nghiệp Dương Liễu giai đoạn 1 hiện đã hoàn thành và đi vào hoạt động

Cụ thể, ngày 5/6/2018, UBND huyện Hoài Đức đã có Tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội về việc mở rộng cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (Cụm công nghiệp Dương Liễu giai đoạn 2 - PV). Cũng trong thời gian này, UBND huyện Hoài Đức có Tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội về việc thành lập Cụm công nghiệp Cát Quế và Cụm công nghiệp Minh Khai.

Mục đích của việc thành lập các cụm công nghiệp này được huyện Hoài Đức lý giải là: “Tạo mặt bằng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ít hiệu quả sang lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện tăng thu nhập của người dân”.

Ấy thế, nhiều năm qua các cụm công nghiệp này vẫn chưa thể triển khai do những vướng mắc từ quy hoạch cho đến thẩm quyền phê duyệt dự án. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các xã Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu tiếp tục trở thành vấn đề “nóng” trên diễn đàn báo chí và gây bức xúc dư luận. Mới đây nhất, cử tri huyện Hoài Đức tiếp tục có ý kiến đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc các ngành tháo gỡ khó khăn trong triển khai xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề nói trên.

Được biết, ngày 16/6/2020, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2456/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với diện tích khoảng 17 ha. Tuy nhiên, tại Phụ lục gửi kèm Văn bản số 432/BC-UBND, UBND TP. Hà Nội cho biết, Cụm công nghiệp Dương Liễu giai đoạn 2 có trên 10 ha là đất trồng lúa nên theo quy định, dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Ngày 28/4/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã có Tờ trình số 92/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Dương Liễu - Giai đoạn 2. Ngày 5/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 366/TTg-NN về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP. Hà Nội. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng và thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Hoài Đức khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai.

ccn.jpg
Các cụm công nghiệp làng nghề sớm triển khai sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay của huyện Hoài Đức (ảnh minh họa)

Riêng Cụm công nghiệp Cát Quế và Cụm công nghiệp Minh Khai, thành phố Hà Nội cho biết sau khi nhận được tờ trình của huyện Hoài Đức thì Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thẩm định, báo cáo thành phố tại Báo cáo số 326/BC-SCT về thẩm định thành lập Cụm công nghiệp Cát Quế, huyện Hoài Đức và Báo cáo số 328/BC-SCT về thẩm định thành lập Cụm công nghiệp Minh Khai, huyện Hoài Đức.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, 02 cụm công nghiệp này có khó khăn vướng mắc liên quan đến quy hoạch xây dựng, cụ thể: theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu đất đề xuất thành lập cụm công nghiệp Cát Quế và cụm công nghiệp Minh Khai nằm trong hành lang xanh nên chưa đủ điều kiện xem xét.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến quy hoạch xây dựng, thành phố đã có văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc đề xuất giải quyết tháo gỡ trong công tác quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn gửi Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 5508/BXD-QHKT ngày 5/12/2022 hướng dẫn về Quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Sở Quy hoạch và Kiến trúc có Văn bản số 157/QHKT-ĐTVT ngày 11/1/2023 hướng dẫn quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội đã đề nghị huyện Hoài Đức nghiên cứu văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Sở Quy hoạch và Kiến trúc để rà soát, thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch khu đất đề xuất thành lập Cụm công nghiệp Cát Quế, cụm công nghiệp Minh Khai thành chức năng đất công nghiệp để thực hiện các bước tiếp theo.

Phạm Thiệu