Thế giới

Biến đổi khí hậu gây nắng nóng vượt 40 độ C khắp châu Á

Khánh Ly 15/05/2024 - 14:59

(TN&MT) - Theo phân tích nhanh của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thuộc nhóm World Weather Attribution, nắng nóng với nhiệt độ trên 40 độ C trong tháng 4 năm nay đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên khắp châu Á, và nhiều khả năng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.

Nếu không có biến đổi khí hậu, những sự kiện nắng nóng cực đoan như vừa qua hầu như không thể xảy ra vào tháng 4, ngay cả trong điều kiện El Nino. Nghiên cứu nhấn mạnh, sự gia tăng các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn cuộc sống khó khăn của những người nghèo đói trên khắp châu Á và 1,7 triệu người Palestine phải di dời ở Gaza.

Tháng 4 vừa qua, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có các quốc gia Myanmar, Lào, Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày có nhiệt độ cao nhất trong tháng Tư. Đây là tháng Tư nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và là tháng thứ 11 liên tiếp kỷ lục tháng nóng nhất bị phá vỡ.

Do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hạu nên tình trạng nắng nóng gay gắt trong tháng 3 và tháng 4 năm 2024 không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều giá trị nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận: ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia đã ghi nhận giá trị 46 độ C; Myanma ghi nhận giái trị 48,2 độ C; Trung Quốc 43,4 độ C. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Châu Phi, với quan trắc nhiệt độ kỷ lục lên đến 48,5 độ C.

Nhiều quốc gia đã có báo cáo về những trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, bao gồm 28 người ở Bangladesh, 5 người ở Ấn Độ và 3 người ở Gaza, một số khác ở Thái Lan và Philippin. Đây chỉ là những số liệu sơ bộ không đầy đủ, và nhiều khả năng đã có hàng trăm hoặc có thể hàng nghìn ca tử vong khác liên quan đến nắng nóng ở châu Á trong tháng 4.

Nắng nóng cũng dẫn đến mất mùa, mất gia súc, thiếu nước, cá chết hàng loạt, trường học đóng cửa trên diện rộng.

picture1.png
Chênh lệch nhiệt độ tháng 4 năm 2024 so với trung bình nhiều năm ở khu vực Châu Á (Nguồn: Cơ quan Khí quyển Đại dương Mỹ)

Các nhà khoa học nhận định, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và nóng hơn trên khắp thế giới.

Các kết quả phân tích dữ liệu thời tiết và mô hình khí hậu cho thấy, các đợt nắng nóng tháng Tư với nhiệt độ trên 40°C đã xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện khí hậu ngày nay, với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,2°C do các hoạt động làm gia tăng phát thải khí nhà kính của con người.

Ở khu vực Tây Á, biến đổi khí hậu khiến khả năng xảy ra nắng nóng cao gấp 5 lần và mức nhiệt tăng cao hơn 1,7°C. Dự kiến các đợt nắng nóng tương tự sẽ xảy ra với tần suất khoảng 10 năm/lần. Trong tương lai, nếu lượng phát thải khí nhà kính không dừng lại và khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng đạt tới 2 độ C như dự kiến vào những năm 2040 hoặc 2050, khả năng xảy ra các đượt nắng nóng tương tự cao hơn gấp 5 lần và mức nhiệt tăng cao hơn nữa 1°C. Hiện tượng El Nino không ảnh hưởng đến nhiệt độ cao ở Tây Á.

Ở khu vực Nam Á, các đợt nắng nóng kéo dài cả tháng tương tự tháng Tư năm nay có thể xảy ra khoảng 30 năm một lần. Tuy nhiên, theo dữ liệu thời tiết lịch sử, biến đổi khí hậu khiến khả năng xảy ra sẽ cao hơn khoảng 45 lần, nhiệt độ cao hơn 0,85 độ C và tiếp tục tăng gấp đôi nếu trong điều kiện xuất hiện El Nino.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã khiến đợt nắng nóng năm 2024 nóng hơn 1°C, cộng hưởng với hiện tượng El Nino làm tăng thêm 0,2°C. Nếu sự nóng lên toàn cầu đạt tới 2°C, các đợt nắng nóng tương tự sẽ xảy ra với tần suất 2-3 ba năm/lần và nhiệt độ nóng thêm 0,7°C.

Nghiên cứu nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống của người dân châu Á sống trong cảnh nghèo đói và phải đối mặt với những ảnh hưởng của chiến tranh trở nên khó khăn hơn. Tại Gaza, rất nhiều trong số 1,7 triệu người đang sống trong những căn lều tạm bợ, oi nóng, bị hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước uống sạch. Trên khắp Nam Á và Đông Nam Á, hàng trăm triệu người sống trong các khu nhà ở tồi tàn, làm việc ngoài trời bị ảnh hưởng nặng nề từ nắng nóng cực kỳ gay gắt. Trong khi nhiệt độ cao là điều bình thường trên khắp châu Á, nhiều quốc gia vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong việc lập kế hoạch ứng phó với các đợt nắng nóng nguy hiểm.

an-do1.jpg
Nắng nóng cực kỳ gay gắt làm gia tăng tình trạng thiếu nước sạch trên khắp châu Á

Theo Tiến sĩ Carolina Pereira Marghidan, Chuyên gia tư vấn rủi ro khí hậu tại Trung tâm khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ Chữ thập đỏ, các tác động liên quan đến nhiệt đối với sức khỏe không được giám sát hoặc ghi chép đầy đủ. Đây là rào cản trong việc gia tăng hiểu biết về tác động thực sự cũng như toàn bộ rủi ro liên quan đến nhiệt độ cực cao. Các kế hoạch hành động chống nắng nóng cần đề ra thêm những biện pháp ứng phó, như thay đổi giờ làm việc và giờ học. Mặc dù nhiều quốc gia khác nhau đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các kế hoạch như vậy, nhưng nhu cầu cấp thiết là phải mở rộng quy mô và tăng cường hơn nữa trên khắp châu Á để đối phó với tình trạng nắng nóng gia tăng.

World Weather Attribution là một nhóm hợp tác quốc tế nhằm phân tích và truyền đạt những ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lượng mưa cực lớn, sóng nhiệt và hạn hán.

Nhóm đã hoàn thành hơn 70 nghiên cứu về một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới bằng các phương pháp được bình duyệt.

Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã đưa nghiên cứu của World Weather Attribution vào trong Báo cáo đánh giá thứ 6 của Uỷ ban (công bố vào tháng 3/2023), nhằm cung cấp bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở mọi khu vực trên thế giới.

Khánh Ly