Khoáng sản

Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp

Phạm Hoạch 14/05/2024 - 08:22

(TN&MT) - Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp nên nhu cầu về đất, đá phục vụ san lấp mặt bằng rất lớn, ước tính giai đoạn 2020 - 2025 cần tới 650 triệu m3 đất đá, trung bình mỗi năm cần 130 triệu m3.

Nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ninh, một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2023 của địa phương là thiếu nguồn vật liệu san lấp, nhất là đối với vật liệu gia cố nền móng.

14a.jpg
Những "núi đất, đá" thải mỏ hiện có trữ lượng lên tới trên 1 tỷ m3 nếu được đưa vào làm vật liệu san lấp sẽ giải quyết cho tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh triển khai các dự án trên địa bàn.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, quá trình khai thác than tại Quảng Ninh thải ra khoảng 150 triệu m3 đất, đá. Hiện tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ tại các mỏ than trên toàn tỉnh lên tới hơn 1 tỷ m3. Để chứa số đất, đá thải khổng lồ này, ngành than cần tới tổng mặt bằng rộng hàng nghìn ha. Nhiều bãi thải hiện đã cao hàng trăm mét và tiếp tục cao thêm, gây áp lực về môi trường, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Chưa kể, chi phí để duy trì, đảm bảo an toàn và hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các bãi thải mỏ này hàng năm là rất lớn.

Trong khi đó, nhu cầu san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình tại Quảng Ninh mỗi năm khoảng 130 triệu m3. Dùng đất đá thải mỏ sẽ giảm và giữ được các mỏ tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cấp phép khai thác đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng cho 4 dự án, với tổng khối lượng trên 12 triệu m3.

Để giải quyết bài toán về thiếu vật liệu san lấp, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, địa phương liên quan. Cụ thể, vào tháng 8/2023 đã hoàn thành việc cấp phép mỏ đất Bắc Sơn, tại TP. Uông Bí, qua đó đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm tại khu vực miền tây của tỉnh.

Điển hình, tại TX. Quảng Yên, giai đoạn 5 năm tới cần tới trên 200 triệu m3 với hàng loạt dự án trọng điểm đang được triển khai, san lấp mặt bằng tại các khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, tuyến đường ven sông nối TX. Quảng Yên - TX. Đông Triều.

Theo lãnh đạo TX. Quảng Yên, giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn thị xã cần khoảng trên 200 triệu m3, nhưng hiện thị xã chỉ có duy nhất mỏ đất với trữ lượng 2,7 triệu m3. Còn lại, phần lớn nguồn đất phục vụ san lấp mặt bằng vận chuyển từ các mỏ đất của các địa phương khác để thi công các dự án trên địa bàn thị xã.

Ông Bùi Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh cho biết: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trong đó thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên tổ công tác, lấy kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công là một căn cứ quan trọng trong xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.

Nhờ vậy, đến giữa tháng 4/2024, các sở, ngành, địa phương đã tham mưu giải quyết cấp phép khai thác khoáng sản cho 13 mỏ, với tổng trữ lượng khoảng 55 triệu m3, trong đó hiện có 5 mỏ còn trữ lượng khoảng 40 triệu m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đẩy mạnh dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp

Để giải bài toán về vật liệu san lấp trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ trong việc phê duyệt quy hoạch các mỏ đất, đá phục vụ san lấp các dự án, công trình đảm bảo vị trí các mỏ đất gần nhất phục vụ các dự án, công trình đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng mỏ đất, đá tuần hoàn nhằm tăng thêm nguồn cung cho nhu cầu san lấp. Theo đó, đối với các dự án làm đường, làm hạ tầng giao thông có lượng đất, đá khai thác dư thừa thì chính quyền địa phương có quyền sử dụng phần dư thừa đó cho các dự án khác. Cùng với đó, tận dụng các vật liệu rời như gạch, đá khi phá dỡ các công trình xây dựng để làm vật liệu san lấp.

Hiện nay, Sở TN&MT cùng các sở, ngành, UBND các địa phương liên quan đang tích cực giải quyết các thủ tục để trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét cấp phép cho 20 mỏ đất với trữ lượng khoảng 95 triệu m3, trong đó dự kiến sẽ có khoảng 10 mỏ sẽ hoàn thành các thủ tục để được cấp phép trong năm 2024. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang giải quyết 6 phương án thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, với tổng trữ lượng đất đá khoảng 35 triệu m3.

Theo ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, việc dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, khu đô thị tại Hạ Long, Cẩm Phả đã được thực hiện từ nhiều năm nay, trước khi Quảng Ninh và Tập đoàn TKV có chủ trương dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng. Hiện nay, Quảng Ninh đang đưa thêm 32 vị trí bãi thải nữa vào quy hoạch để xin cấp phép khai thác, sử dụng cho san lấp mặt bằng... Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

Thời gian tới, Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan đến nguồn vật liệu san lấp trên địa bản tỉnh gồm mỏ đất, cát, đá thải mỏ với mục tiêu giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn.

Phạm Hoạch