Môi trường

TP Tam Kỳ (Quảng Nam): Vun đắp hệ sinh thái sông Đầm

Lan Anh 14/05/2024 08:22

(TN&MT) - Với hơn 500 loài động, thực vật sinh sống, đóng vai trò rất lớn về môi trường, cảnh quan, sông Đầm được ví là "lá phổi xanh" của Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam đang định hướng và kỳ vọng sẽ hiện thực hóa thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học (ĐDSH) sông Đầm...

Hệ sinh thái đa dạng

Sông Đầm có hệ sinh thái độc đáo và đặc sắc với tổng diện tích khoảng 650ha, trong đó có gần 200ha mặt nước. Qua khảo sát của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm có 295 loài; trong đó có 33 loài cá; 16 loài bò sát ếch, nhái; 31 loài chim, đáng lưu ý là có loài "Cò Nhạn" nằm trong sách đỏ Việt Nam; có 211 loài côn trùng; thực vật bậc cao có 170 loài.

Giai đoạn 2020 - 2026, tỉnh Quảng Nam dành kinh phí 8,9 tỷ đồng để trồng và phục hồi hệ sinh thái sông Đầm. Để thực hiện dự án, thành phố đã vận động nhân dân hiến đất với tổng giá trị hơn 12,3ha, trích ngân sách hơn 5,3 tỷ đồng để trồng 3,8ha các loại cây bán ngập nước như: Tràm ta, dừa nước và trồng 605 cây lộc vừng, mù u, cừa, sưa dọc hai bên bờ sông Đầm.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hệ sinh thái thực vật sông Đầm là nơi các loài cây ngập nước sinh trưởng. Chưa kể, dọc hai bên bờ sông Đầm, lau, sậy mọc um tùm cùng với những diện tích trồng sen khiến nơi đây trở thành thảm thực vật đa dạng, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim quý hiếm, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái.

Thời gian qua, TP. Tam Kỳ đã dành nhiều nguồn lực phục hồi ĐDSH; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch gắn với sinh kế của người dân. Ông Nguyễn Minh Nam - Quyền Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết, xác định được tầm quan trọng của bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên sông Đầm, thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim hoang dã, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm gắn với sinh kế của người dân.

Địa phương cũng dành nguồn lực đáng kể để trồng cây xanh phục hồi hệ sinh thái và ĐDSH sông Đầm với nhiều chủng loại cây bản địa như: vừng, tre đồng, cừa, sậy, dừa nước...; bổ sung các loại tôm, cá để làm đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loại chim hoang dã và di cư tại sông Đầm.

Đặc biệt, hồi tháng 4 năm nay, TP. Tam Kỳ đã tổ chức Lễ phát động bảo vệ phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm. Tại buổi lễ, đại diện cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực sông Đầm đã ký cam kết bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản tại đây.

Kỳ vọng Khu bảo tồn đất ngập nước

Nỗ lực bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã cho những kết quả tích cực. Rõ nét nhất là diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản cũng dần phục hồi. Điều đáng mừng là việc khai thác bằng xung điện, dùng hóa chất và công cụ đánh bắt thủy sản có tính tận diệt hay tình trạng săn bắt, bẫy chim tại khu vực sông Đầm đã giảm đáng kể.

5a.jpg
Cứ đến mùa thu hằng năm, hàng ngàn cá thể chim, cò, nhạn quý hiếm di cư về sinh sống tại sông Đầm.

Ông Lê Thanh Quang - trú xã Tam Thăng cho biết, những năm gần đây, tôm cá đã về với sông Đầm nhiều hơn, cảnh quan cũng được phục hồi xanh mát hơn. "Người dân ở đây chỉ dùng lưới để đánh bắt cá lớn. Bây giờ có thêm nghề làm du lịch nên người dân càng ý thức hơn về giữ gìn hệ sinh thái của quê mình để cảnh quan được phục hồi tươi đẹp hơn qua, du khách sẽ về với sông Đầm nhiều hơn trong thời gian tới", ông Quang bày tỏ.

Trong quy hoạch chung của TP. Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Địa phương định hướng sông Đầm sẽ trở thành Trung tâm Lưu giữ các sinh vật cảnh thiên nhiên trong khu vực sông và tỉnh Quảng Nam. Nơi đây sẽ là Trung tâm Bảo tồn và Cứu hộ cứu nạn sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Minh Nam, Tam Kỳ đang nỗ lực xây dựng đô thị đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại I, hướng đến là một đô thị sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường, là đô thị "thủ phủ xanh". Một trong những mục tiêu là hình thành và duy trì đô thị có sức hấp dẫn thông qua việc tạo dựng cảnh quan đặc sắc gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương, tạo sức hút không chỉ với cư dân mà còn đối với khách du lịch; qua đó tạo động lực phát triển bền vững đô thị.

Mới đây, trong chuyến làm việc tại Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo TP. Tam Kỳ đã trồng cây và thả cá tại khu vực Sông Đầm. Tại đây, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã ghi nhận và đánh giá cao tiềm năng, lợi thế khu vực sông Đầm cùng những giải pháp mà Tam Kỳ đang tập trung để bảo tồn, phát triển hệ sinh thái. Chia sẻ với người dân về trách nhiệm chung, Bộ trưởng cho biết, bảo vệ tài nguyên ĐDSH là bảo vệ nguồn sống cho cộng đồng hôm nay và cho các thế hệ tương lai, mỗi hành động nhỏ đều góp phần vun đắp sự sống bền vững thịnh vượng trên trái đất.

Với mục tiêu đó, UBND TP. Tam Kỳ đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, sớm chỉ đạo thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước và ĐDSH sông Đầm theo Nghị định số 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ phục hồi ĐDSH và bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm. Trước mắt, chỉ đạo quyết liệt việc chuyển dòng nước thải của Khu Công nghiệp ra khỏi khu vực sông Đầm.

Lan Anh