Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin với cử tri về tiến độ chuỗi dự án Lô B - Ô Môn
Thông tin tới cử tri TP. Cần Thơ về tình hình triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, Trung tâm điện lực Ô Môn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hai năm quyết tâm, nỗ lực, đến nay các vướng mắc hiện nay cơ bản đã được giải quyết, năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III và IV sẽ vận hành đóng điện vào giai đoạn năm 2026 - 2028.
Giải quyết cơ bản các vướng mắc
Tại Hội nghị tiếp xúc với cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri quận Ô Môn nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về những vấn đề cụ thể, tác động tới đời sống, sản xuất của người dân quận Ô Môn nói riêng và TP. Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong số đó, cử tri quận Ô Môn quan tâm đặc biệt về tình hình triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, Trung tâm điện lực Ô Môn.
Cụ thể, theo cử tri phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn được triển khai thực hiện từ năm 2010 và đã kiểm kê bồi thường, nhưng sau đó tạm ngưng. Đến năm 2012, dự án được triển khai tiếp và cũng kiểm kê bồi hoàn rồi lại ngưng cho đến nay. Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm triển khai dự án, tránh để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án.
Trả lời ý kiến của cử tri, Thủ tướng cho biết, dự án Đường ống dẫn khí Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện khí tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn có từ năm 2010, năm 2012 mới khởi động, rồi tạm ngưng đến nay với nhiều lý do. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, TP. Cần Thơ hiện cơ bản giải quyết xong các thủ tục để bắt đầu đẩy mạnh tiến độ Chuỗi dự án. Tổng mức đầu tư dự án Đường ống dẫn khí Lô B và Trung tâm nhiệt điện Ô Môn khoảng 12 tỷ USD.
Theo Thủ tướng, các vướng mắc hiện nay cơ bản đã được giải quyết, tất cả đều đã được ký hợp đồng, mọi thứ đang đẩy đúng tiến độ. “Năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III và IV sẽ vận hành đóng điện vào giai đoạn năm 2026 - 2028” - Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng chỉ đạo TP. Cần Thơ phải phát huy tính “tự lực, tự cường”, cụ thể là bằng nguồn lực con người, bằng thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa, bằng trí tuệ, bằng đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ; tập trung vào các ngành mới nổi là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng phát triển năng lượng... là những nhiệm vụ trọng tâm.
Đảm bảo tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV
Thông tin cụ thể đến cử tri về tình hình dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, chủ đầu tư dự án đã đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Theo đó, ngày 25/3, UBND TP. Cần Thơ đã có ý kiến đối với dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Ngày 11/4, chủ đầu tư đã đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường về khung chính sách bồi thường nêu trên để thẩm tra, làm cơ sở trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV, trách nhiệm của TP. Cần Thơ là kịp thời giải quyết các khó khăn thuộc thẩm quyền của thành phố. Hiện, các dự án này đã giải phóng mặt bằng sạch 100%, tuy nhiên còn vướng bàn giao đất thực địa, việc chia sẻ các hạng mục dùng chung giữa các nhà máy.
Theo quy hoạch, tiến độ dự án II, chủ đầu tư đã phê duyệt dự án, hiện đang đàm phán hợp đồng mua khí, mua bán điện, chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến quý III/2025 sẽ khởi công và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2027.
Dự án III, chủ đầu tư đang triển khai lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đề xuất vay vốn ODA cho dự án. Chủ đầu tư đang thỏa thuận chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến khởi công vào quý III/2027, vận hành vào quý IV/2030.
Dự án IV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phê duyệt dự án. Hiện, chủ đầu tư đang thỏa thuận chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến khởi công vào quý IV/2025, vận hành thương mại quý vào III/2028.
Tăng tốc dự án năng lượng trọng điểm quốc gia
Lô B là chuỗi dự án rất lớn và quan trọng của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến động lực phát triển kinh tế của đất nước, an ninh năng lượng khu vực Tây Nam Bộ; cũng là dự án lớn và quan trọng bậc nhất của Tập đoàn. Trong năm 2023, sau rất nhiều năm, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết tâm thúc đẩy triển khai dự án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Petrovietnam cùng các đối tác, dự án đã vượt qua những khó khăn mang tính chất quyết định và đạt được những bước tiến quan trọng.
Trong đó, dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn do Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) triển khai là một dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư 1,277 tỷ USD nhằm mục tiêu phát triển hệ thống tuyến ống có tổng chiều dài 431 km, trong đó tuyến ống biển dài 329 km và tuyến ống bờ dài 102 km cùng các trạm tiếp bờ, trạm phân phối khí, trạm van. Tuyến ống sẽ đi qua địa phận các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Đây là dự án thuộc khâu trung nguồn, cùng với các khâu hạ nguồn và thượng nguồn cấu thành Chuỗi dự án khí - điện Lô B.
Cuối năm 2023, SWPOC - nhà điều hành dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đã trao thầu hợp đồng EPC Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn cho Liên danh PTSC - Lilama 18, đã đánh dấu cột mốc tiến độ quan trọng của dự án. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo SWPOC tích cực phối hợp với Liên danh nhà thầu PTSC - Lilama 18, tổ chức triển khai thành công gói thầu EPC Bờ nói riêng, dự án Đường ống dẫn khí Lô B nói chung, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra, nỗ lực đảm bảo mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối 2026 - đầu năm 2027.
Ngoài ra, công việc quan trọng nhất hiện nay của Chuỗi dự án là giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến thị trường điện, các thông tư hướng dẫn liên quan trong tháng 1/2024, để đảm bảo đầy đủ khung pháp lý cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B thực hiện được các cam kết trong hợp đồng mua bán khí, mua bán điện trong trong toàn bộ giai đoạn vận hành khai thác khí Lô B.
Để Chuỗi dự án Lô B đi đến thành công còn là một chặng đường dài khó khăn phía trước. Trong đó, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền liên quan để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc tồn tại là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Petrovietnam, cùng các nhà đầu tư trong Chuỗi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa Chuỗi dự án đạt được những thành công như kỳ vọng, thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.