Kinh tế

Tuyên Quang: Nhiều hộ dân vùng cao đổi đời nhờ chanh tứ mùa

Lê Tí 13/05/2024 - 15:54

Chanh phát triển tốt, hợp thổ nhưỡng, cho quả quanh năm, giá thành lại cao… đang đem lại kinh tế lớn và giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ dân ở Tuyên Quang. Đi đầu trong phong trào trồng chanh tứ mùa và đưa chanh xuất khẩu ra nước ngoài phải kể đến HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc ở phường Đội Cấn, Tp. Tuyên Quang.

“Cõng chanh” lên non

Hiện nay, mô hình trồng chanh tứ mùa đang phát triển mạnh ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Tp. Tuyên Quang… diện tích hơn 1000 ha, riêng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc có diện tích khoảng 100ha và hàng chục hội viên tham gia. Các hộ trồng chanh tứ mùa đều có thu nhập bình quân vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm. Các sản phẩm còn được sản xuất đa dạng từ quả chanh như: Nước rửa bát chanh, xịt tinh dầu chanh, nước cốt chanh tươi... tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Chanh tứ mùa đang là cây giúp người dân làm giàu và thoát nghèo nhanh, bền vững ở Tuyên Quang những năm gần đây.

anh-nam-anh-1.jpg
Anh Khổng Văn Nam bên vườn chanh tứ mùa của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc

Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Xí nghiệp nhớ lại: Năm 2013 tình cờ biết đến chánh tứ mùa ở miền Trung, miền Nam dùng được quanh năm lại rất mọng nước, cho quả nhiều. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế, phù hợp trồng ở vùng đất thổ nhưỡng, khí hậu ôn hoà nên anh đã thực hiện chuyển đổi cây trồng từ ngô sang chanh tứ mùa.

Được biết, thời gian đầu, anh Nam cũng phải đối mặt với rủi ro vì chưa có kinh nghiệm, chanh bị sâu bệnh nhiều, năng suất đem lại chưa cao nhưng chất lượng lại đặc biệt thơm ngon. Để người dân xung quanh vùng biết đến nhiều hơn, anh lặn lội đến từng quán ăn, chợ huyện và chợ đầu mối để bán nông sản địa phương do mình trồng ra. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ của anh được ổn định, chanh được bán quanh năm dù chính vụ hay trái vụ đều cho năng suất, thu nhập cao.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngát, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết: Ban đầu tôi và nhiều bà con do dự có nên thay thế cây chanh tứ mùa vào vườn cây ăn quả, đồi ngô không? Vì sợ cây không hợp thổ nhưỡng, khí hậu… thất bại là nguy cơ quay lại hộ nghèo. Nhưng được cán bộ lâm nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ thuật, động viên nên bà con đã chuyển đổi, giờ kết quả rất khả quan, huyện Hàm Yên vinh dự có diện tích chanh tứ mùa lớn nhất cả tỉnh.

anh-chanh-2.png
Chanh tứ mùa đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo ở Tuyên Quang

Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, để đảm bảo cây chanh có chất lượng tốt đầu tiên là chọn giống chanh có phẩm chất tốt, cây giống phải sạch bệnh, cây con đúng tuổi trồng, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó còn cần phải xem xét điều kiện canh tác vùng trồng, nhằm để cây có thể thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Cây chanh khá dễ trồng và trồng được quanh năm, nhưng để trồng với quy mô lớn, với mục đích kinh doanh thì bà con nên trồng tập trung vào mùa mưa để tận dụng nước mưa, tiết kiệm được chi phí và công tưới nước.

Nhờ có mô hình trồng chanh tứ mùa mà hàng chục hộ dân đã trở thành tỷ phú, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên thửa vườn, đồi của gia đình. Anh Nguyễn Thanh Thắng, xã Phù Lưu chia sẻ: Nhờ thành công từ mô hình chồng chanh tứ mùa nhiều gia đình đã có của ăn, của để, mua sắm tivi, tủ lạnh, xe gắn máy, thậm chí xây dựng nhà khang trang, mua được cả ô tô. Nhiều năm nay, nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận tìm về để thăm quan, chụp ảnh lưu niệm rất nhiều.

Đổi đời nhờ chanh tứ mùa

Vườn chanh trên 500 gốc của gia đình anh Nông Văn Đoàn, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu đang chuẩn bị cho thu hoạch. Với hơn chục năm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, cùng với đó là được dự các lớp tập huấn về phát triển kinh tế nông nghiệp, vườn chanh của gia đình anh luôn cho sai quả quanh năm. Những ngày gần đây thương lái đã vào tận vườn mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thu nhập từ trồng chanh tứ mùa đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của gia đình anh.

anh-3.jpg
Xã viên đang phân loại chanh để đưa đi tiêu thụ tại HTX Nông nghiệp Việt Bắc

Cùng với cây cam sành, cây chanh tứ mùa cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế giúp người dân ở Phù Lưu có cuộc sống khá giả hơn. So với cây cam, cây chanh tứ mùa có những ưu điểm như có thể trồng tại các khu đất soi bãi, đồi thấp, khu vực không thể trồng được cam. Việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản hơn và 2 năm trồng đã cho thu hoạch quả. Toàn xã hiện có trên 100 ha chanh, vụ chanh năm 2023 – 2024 dự báo năng suất đạt 70 - 80 tạ/ha.

Trong khi đó, tại Tp. Tuyên Quang vùng nguyên liệu chanh tứ mùa đứng thứ hai tỉnh Tuyên Quang, phong trào trồng chanh ở đây đang phát triển mạnh, các hộ dân được liên kết và bao tiêu sản phẩm của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc. Đại diện một hộ dân ở phường Đội Cấn cho biết: Chúng tôi là xã viên của HTX Nông nghiệp Việt Bắc, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ đều được hướng dẫn kỹ càng, mấy năm nay nhận được tin chanh tứ mùa của hợp tác xã được xuất khẩu đi châu Âu bà con ai cũng vui, thấy tự hào vô cùng.

anh-4.jpg
Chanh tứ mà đang góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cao cho người dân địa phương

Anh Khổng Văn Nam – Giám đốc HTX Nông nghiệp Việt Bắc cho biết: Tôi hi vọng thời gian tới sẽ mở rộng thêm nhiều xã viên và nâng diện tích trồng chanh tứ mùa lên 200ha để đảm bảo nguồn cung cho thị trường xuất khẩu. Có như thế mới giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thu nhập cho nhiều xã viên, từ đó sẽ giúp xã viên làm giàu trên chính mảnh đất của mình và tạo động lực, cổ vũ cho nhiều hộ dân làm theo.

Tiếng lành đồn xa, hiện tại sản phẩm chanh tứ mùa của HTX Nông nghiệp Việt Bắc đã xuất khẩu sang các nước châu Âu và có mặt ở hầu hết các siêu thị ở miền Bắc như: Winmart, Coop Mart và chợ truyền thống.

Ông Venkiat Addala (Công ty Thương mại Fuchsiana General Trading, Dubai) cho biết: Quả chanh của Việt Nam hiện đã không có đối thủ cạnh tranh, tất cả các thị trường nước ngoài đều nhập nông sản này của Việt Nam thay vì Brazil. Chanh của Việt Nam được ưa chuộng bởi hương vị đặc biệt, chúng tôi cũng đang nhập về để có thể xuất khẩu sang các nước vùng Vịnh khác nữa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, diện tích cây chanh toàn tỉnh có khoảng gần 1.000 ha chanh, tập trung nhiều nhất tại huyện Hàm Yên, Tp. Tuyên Quang với khoảng 1000 ha, sản lượng chanh ước đạt khoảng 12.630 tấn/năm.

Việc phát triển chanh tứ mùa đã giúp nâng cao đời sống của người nông dân ở xã vùng cao Phù Lưu, huyện Hàm Yên và Tp. Tuyên Quang, qua đó đã góp phần khẳng định sự đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi tỉnh Tuyên Quang.

Lê Tí