Hải Dương: Bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế
Đi dưới tán rừng trồng xanh mướt của thành phố Chí Linh (Hải Dương) vào ngày hè oi nồng, chúng tôi cảm nhận được giá trị màu xanh và ích lợi của rừng mang lại. Những năm qua, thành phố Chí Linh luôn là điểm sáng công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng sản xuất. Bởi rừng đang mang lại nguồn thu lớn cho người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ việc phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của rừng
Bảo vệ phát triển rừng
Trò chuyện với chúng tôi, anh Mạc Đình Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Chí Linh, hồ hởi: Nhiều năm qua, rừng ở đây được người dân chăm sóc, bảo vệ hiệu quả không xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật và cháy rừng… Bởi rừng là nguồn sống và sinh lời cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu xóa đói giảm nghèo, nhờ vào các mô hình phát triển kinh tế dưới tán cây rừng và “lộc” rừng mang lại. Chính vì vậy, các xã có diện tích rừng, người dân được giao đất rừng đã phát triển nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, rừng mang lại cuộc sống ấm no nên người dân ngày càng gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng để tri ân những gì tự nhiên mang lại cho mình.
Hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền, vận động và cùng các hộ dân được giao đất, giao rừng xây dựng các mô hình kinh tế, như: Nuôi gà đồi dưới tán cây rừng, chăm sóc rừng dẻ để lấy hạt, trồng xen canh các loại cây ăn quả… từ mô hình kinh tế cho thu nhập, người dân ngày găn bó yêu rừng, yêu mảnh đất quê hương.
Bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm thành phố còn phối hợp và phát huy sức mạnh của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể - anh Thắng, cho biết: Hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Đội quản lý trật tự đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vụ việc xâm hại đến rừng, đất lâm nghiệp. Trên địa bàn thành phố Chí Linh hiện có 209, 86ha rừng sản xuất khai thác, đây là nguồn sinh lời và phát triển mô hình kinh tế cho nhiều hộ dân. Năm 2023, diện tích rừng trồng mới sau khai thác năm 2023 là 148,85ha và 30, 32ha diện tích đã trồng lại rừng sau khai thác của năm 2022. Để công tác bảo vệ rừng có sự lan tỏa, huy động sức mạnh của các đơn vị trên địa bàn, Hạt kiểm lâm đã ký kết quy chế phối hợp với Ban chỉ huy quân sự, Công an thành phố trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ rừng.
Ở các xã, phường Hạt kiểm lâm giao cho các kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa kiểm lâm lực việc quân sự, công an xã đã mang lại hiệu quả thiết thực nhiều năm qua không để xảy ra vụ phá rừng, cháy rừng trên địa bàn.
Hiệu quả từ rừng mang lại
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Lục Văn Nhàn, thôn Bãi Thảo, xã Bắc An là một trong hàng trăm hộ gia đình của xã được đánh giá tiêu biểu công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển kinh tế từ rừng.
Trong căn nhà khang trang được xây dựng lên từ nguồn thu lợi của rừng, ông Nhàn, chia sẻ: Năm 1992, gia đình ông được giao 15ha rừng (trong đó 5ha rừng phòng hộ, 10ha rừng sản xuất). Ông Nhàn thuộc lòng đường đi, lối lại trong rừng phòng hộ, đặc tính của từng loại cây. Nơi đây, nhiều loại cây gỗ quý nên ông chưa khi nào chủ quan, lơ là việc chăm sóc, bảo vệ. Mặc dù đã thuần thục với các kỹ năng phòng hộ bảo vệ an toàn cho rừng, nhưng ông Nhàn vẫn cẩn trọng ngay cả những việc nhỏ nhất. Vào mùa hanh khô, ông luôn có mặt ở những điểm dễ xảy ra cháy để nhắc nhở người dân, người địa phương khác đến nhặt hạt dẻ có ý thức trong việc sử dụng lửa.
Không chỉ tích cực trông nom, bảo vệ rừng phòng hộ, ông Nhàn đã đầu tư nhiều công sức vào 10ha rừng sản xuất ở xã Bắc An. Khoảng cách giữa hai vùng rừng, khiến ông luôn tất bật như con thoi. Nếu như diện tích rừng phòng hộ chỉ cần chú tâm gìn giữ, bảo đảm an toàn thì bên rừng sản xuất ông Nhàn phải dành thời gian, công sức và tâm huyết nhiều hơn. Nhờ sự chăm bẵm, tận tụy của ông mà từ vạt núi đồi trơ sỏi đá cánh rừng keo sắp cho thu hoạch vụ thứ 2, nay đang vươn cao ôm lấy đất đai, mang lại nguồn sống và kế sinh nhai.
Dẫn chúng tôi vào thăm rừng keo và trang trại gà đồi, vừa đi ông Nhàn vừa chia sẻ: Trông rừng đã vất vả, chăm rừng càng khó khăn hơn nhiều. Cây rừng lớn lên bằng chính mồ hôi, công sức của người trồng. Quan trọng hơn cả là tình yêu tha thiết với những cánh rừng xanh bạt ngàn nuôi dưỡng tuổi thơ, tâm hồn mỗi con người sinh ra, lớn lên ở vùng đồi rừng. Người trồng rừng phải kiên nhẫn, nếu không sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng vì gây rừng phải dài lâu. Với rừng sản xuất cũng không thể nóng vội. Từ khi ươm giống tới khi cây rừng bén rễ, sinh trưởng cần cả quá trình, chưa kể tới những bất lợi gặp phải khi cây chết, còi cọc, chậm phát triển. “Hơn chục năm chăm bẵm, nhà tôi mới khai thác được 1 lứa keo, thu lãi từ 100 triệu đồng/ha nhưng nếu không kiên trì, bền bỉ thì có lẽ sẽ khó lòng gắn bó với rừng, thu nguồn lợi từ rừng” - ông Nhàn nói: Dưới tàn rừng keo, trang trại gà đồi 1 vạn con gia đình tôi nuôi nhiều năm lớn nhanh, không bị bệnh tật. Hàng ngày, gà thả ra để ăn sâu bọ, lớn nhanh đỡ tốn thức ăn chăn nuôi và thịt thơm ngon.
Trang trại gà đồi cho gia đình thu lãi mỗi năm từ 500 – 700 triệu đồng. Hiện xã Bắc An có đến 80% hộ dân xây dựng mô hình kinh tế nuôi gà đồi dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, mọi người đều có ý thức bảo vệ rừng, chăm sóc rừng hiệu quả.
Bảo vệ rừng gắn với phát triển mô hình kinh tế đã giúp cho thành phố Chí Linh (Hải Dương) ngày càng nhân thêm lên màu xanh của những cánh rừng.