Tiếng dân

Thanh Hóa: Hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng đất đai cho người dân là cấp thiết

Mai Trúc 12/05/2024 - 17:06

Việc chấp thuận phương án hạ thấp độ cao đất cho các hộ dân tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sự mong mỏi của người dân trong vấn đề ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Ngoài ra, dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các đơn vị thi công đều thực hiện đúng theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng của địa phương.

Xuân Phú là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Thọ Xuân, có diện tích tự nhiên là 3.175,74 ha, với dân số 8.500 người. Dân cư trên địa bàn xã được bố trí sinh sống dọc theo các triền đồi, chân núi và dọc theo các bờ khe suối, ngành nghề sản suất chính của nhân dân trong xã là nông, lâm nghiệp. Với địa hình đặc trưng của vùng miền núi, hầu hết nhà ở đều nằm trên các lưng chừng đồi núi cao, độ dốc lớn, nhiều vị trí cao chênh lệch so với đường giao thông lên tới hàng chục mét, khiến không ít người dân gặp khó khăn trong đời sống sinh hoạt, phát triền các ngành nghề nông nghiệp, trở thành rào cản để địa phương hướng tới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Cũng từ đây, nhu cầu của nhiều hộ dân trong xã mong muốn có khu vực đất bằng phẳng để xây dựng nhà ở, trồng cây tăng gia sản xuất trở thành vấn đề cấp thiết, hợp tình, hợp lý, song lại vướng vào các quy định chặt chẽ trong Luật Khoáng sản. Đây cũng vấn đề chung đang hiện hữu tại các địa phương vùng miền núi khác.

xp1.jpg
Khu vực hạ thấp độ cao đang được đơn vị thi công bạt taluy đảm bảo an toàn

Ông Lê Văn Hùng, xã Xuân Phú cho biết: Gia đình tôi có đông con, đến nay các cháu cũng đã tuổi trưởng thành, cưới vợ gả chồng, nhưng ngôi nhà cũ nằm ở lưng đồi có diện tích nhỏ không thể nào ở hết được từng ấy người. Từ nhà xuống đường giao thông cũng hơn chục mét, đi lại khó khăn, độ dốc lớn không thể làm nhà được. Gia đình tôi mong mỏi được hạ thấp khu vực đất để tôi được làm căn nhà rộng hơn cho các cháu ở, ổn định đời sống.

Bà Nguyễn Thị Hà, xã Xuân Phú cũng bày tỏ: Khu vực đất của gia đình tương đối rộng nhưng cao quá, rất khó để canh tác, nếu để không thì lãng phí quá, rất mong được nhà nước hỗ trợ trong việc hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng cho gia đình trồng cây, tăng thêm thu nhập.

Mặt khác, hiện nay trên địa bàn huyện Thọ Xuân chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác, trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng, nguồn đất san lấp khan hiếm khiến không ít các dự án trọng điểm của địa phương đứng trước nguy cơ bị đội vốn, không hoàn thành đúng tiến độ. Do đó, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công các dự án cần được các ngành chức năng ưu tiên giả quyết.

Trước nhu cầu cấp thiết trong vấn đề hạ thấp độ cao đất đồi tạo mặt bằng, cùng với việc nguồn đất san lấp đang khan hiếm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nắm bắt, lắng nghe tâm tư của người dân. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở có liên quan, cùng UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Xuân Phú tổ chức kiểm tra thực địa, nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, lên phương án thi công hạ thấp độ cao tạo mặt bằng nhà ở và trồng cây cho các hộ dân xã Xuân Phú đảm bảo an toàn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Theo đó, sau khi được các sở, ban, ngành rà soát kỹ lưỡng hiện trạng, đánh giá điều kiện thực tế tại các khu vực cấp thiết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận giải quyết đề nghị tận thu đất thừa trong quá trình thực hiện phương án hạ thấp độ cao tạo mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm ở khu đất của các hộ gia đình trên địa bàn xã Xuân Phú tại 3 khu vực.

xp2.jpg
Hạ thấp độ cao để làm nhà ở và trồng cây là phù hợp với điều kiện thực tế tại xã Xuân Phú

Cả 3 vị trí này đều do người dân nộp đơn lên chính quyền địa phương đề nghị được san gạt, hạ thấp độ cao nhằm mở rộng xây dựng nhà ở, chống sạt lở và tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình canh tác hoa màu, trồng cây ăn quả, cây lâu năm… Sau đó, được các Công ty Hùng Quân TH, Công ty Hải Linh, Công ty An Phát chịu trách nhiệm thi công theo đúng quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Lượng đất thừa được các đơn vị tận thu cung cấp cho các dự án quan trọng của địa phương.

Ông Ngô Khắc Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: Trước nhu cầu cấp thiết của người dân trong việc hạ thấp đất nền để xây nhà và trồng cây, việc UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành chấp thuận phương án hạ thấp độ cao cho các hộ dân là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sự mong mỏi của người dân trong vấn đề ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Song song với đó, các Công ty khi thực hiện phương án thi công luôn được UBND xã Xuân Phú giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc về vấn đề môi trường, thi công đúng mốc giới. Nhìn chung đến nay, cơ bản các Công ty đã thực hiện, chấp hành tương đối tốt các quy định.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Mai Văn Linh, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân cho biết: Để giám sát quá trình thi công, huyện Thọ Xuân thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện phương án cải tạo đất ở, đất vườn, đất trồng cây hàng năm, lâu năm gắn liền với đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện. Đồng thời, định kỳ 01 tháng/một lần, Tổ công tác tiến hành kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất khi có thông tin phản ánh, khi có yêu cầu của Lãnh đạo huyện. Trường hợp các đơn vị thực hiện không đảm bảo theo phương án đã phê duyệt hoặc có dấu hiệu về vi phạm; tham mưu Chủ tịch UBND huyện yêu cầu tạm dừng ngay; đồng thời tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm tăng cường công tác quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung cũng như hoạt động tận thu đất thừa trong quá khì hạ thấp độ cao tạo mặt bằng nói riêng. Khảo sát, đánh giá, xác định phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao khu dân cư các khu vực cần thiết, cấp bách và mang lại hiệu quả sau khi thực hiện phương án. Đồng thời đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng mốc giới, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mai Trúc