Biến đổi khí hậu

Đà Nẵng: Lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về giải pháp thoát nước đô thị

Lan Anh 11/05/2024 - 16:27

Sáng ngày 11/5, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Đà Nẵng” với sự tham gia các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thoát nước, đại diện các Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến đồng chủ trì hội thảo.

img_0625.jpg
Ông Lê Quang Nam- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lắng nghe, tiếp thu ý kiến hiến kế của các nhà khoa học, các nhà quản lý về định hướng giải pháp quy hoạch cao độ nền nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng; tổng hợp, đề xuất các giải pháp để hoàn thành xây dựng đồ án Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tiến độ, làm cơ sở triển khai kịp thời các dự án trọng điểm, ưu tiên khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh, là thành phố ven biển của miền Trung, địa phương đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, những trận mưa cực đoan xuất hiện ngày càng tăng. Đà Nẵng đã bị ngập nước trên diện rộng qua 2 đợt mưa lớn xảy ra vào tháng 10/2022 và tháng 10/2023, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tài sản của nhân dân. Qua những đợt ngập nước, thành phố cũng đã thấy rõ được bất cập về cao trình nền và hệ thống thoát nước của thành phố.

img_0544.jpg
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày Đồ án Quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính ổn định lâu dài là hoàn thành xây dựng, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước thành phố...).

img_0561.jpg
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến đóng góp ý kiến cho đồ án.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà nẵng Lê Quang Nam đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với nội dung dự thảo quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện nội dung, giải trình cụ thể, làm cơ sở để hội đồng thẩm định của thành phố nghiệm thu đồ án quy hoạch này.

img_0597.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến về định hướng giải pháp quy hoạch cao độ nền nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt.

Cùng với đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn thành phố ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mức nước lũ của các sông ứng với tần suất lũ 1%, 2%, 5%, 10% với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực.

img_0624.jpg
Hội thảo khoa học "Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao đồ nền và thoát nước mặt thành phố Đà Nẵng"

Ngoài ra, đồ án cũng xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên; xác định tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn quy hoạch; xác định quy mô, nguồn vốn đầu tư và các giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng...

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, Đồ án được nghiên cứu khá công phu, nghiêm túc, nhiều số liệu cơ bản được cập nhật. Trình tự thực hiện đảm bảo tuân thủ theo quy định. Việc xác định cao độ nền hay quy hoạch hệ thống thoát nước mưa bước đầu đã có tính toán dựa vào luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, Đồ án vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần làm rõ như cao độ san nền tại khu vực nội đô; quan điểm tính toán dòng chảy trong Hệ thống thoát nước mưa….

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, theo nội dung đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021, các khu vực cũ, khu vực cải tạo cần đề xuất giải pháp xử lý, không nhất thiết phải bảo đảm (đắp thêm) để có cao độ nền tương ứng với tần suất thiết kế 1%.

ngap5.jpg
Vài năm gần đây người dân đô thị Đà Nẵng thường xuyên phải hứng chịu những đợt ngập nước nghiêm trọng

Vì thế, trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi. Đối với khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1% thì cần bổ sung giải pháp “sống chung” với ngập nước khi mưa quá lớn.

“Trong các lưu vực thoát nước, hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng nhưng đồ án Điều chỉnh chưa làm rõ được vai trò góp phần chứa, điều tiết nước mưa khi có mưa lớn của các hồ này. Và sau hồ điều tiết thì diện tích đường ống có được giảm không cần được làm rõ. Những khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh, mặt nước... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị. Đề ra quan điểm nhưng không thấy được nêu ra trong đồ án…”- PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu rõ.

Lan Anh