Môi trường

Quảng Nam: Tích cực phân loại rác tại nguồn theo yêu cầu Luật BVMT 2020

Võ Hà 10/05/2024 - 19:08

Việc Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 bắt buộc phân loại rác tại nguồn thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 sẽ là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như vận hành triển khai trên thực tế. Hiện tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai, đảm bảo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng theo yêu cầu và lộ trình của Luật BVMT 2020.

Đưa chính sách vào cuộc sống

Ông Nguyễn Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Nam cho biết, để triển khai các quy định mới trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo Luật BVMT, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 30/9/2022.

phanloai.jpg
Người dân Hội An (Quảng Nam) thực hành phân loại rác thải tại nguồn

Đồng thời đã soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình/đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn.

Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thực hiện phân loại CTRSH đáp ứng theo yêu cầu và lộ trình của Luật BVMT 2020, Sở TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển bền vững (BUS) tổ chức các khóa đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt của cấp huyện và cấp xã về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phát hành tài liệu tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn; cấp sổ tay hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Năm 2024, tiếp tục tổ chức khóa đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt cấp xã (đợt 2). Đây sẽ là đội ngũ tuyên tuyền viên, lực lượng nòng cốt tuyên tuyền, vận động thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương.

taphuan.jpg
Quảng Nam tổ chức tập huấn phân loại rác thải tại nguồn

Đối với quy định mới về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là quy định chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại là quy định hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam.

Để từng bước đưa quy định vào thực tế, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chọn TP. Hội An thực hiện thí điểm quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Từ tháng 4/2023, với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, TP Hội An đã chọn phường Cẩm Nam thực hiện thí điểm về mức phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, dù vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện nhưng kết quả bước đầu khá tích cực.

Theo đó, đã có hơn 50% hộ dân trên địa bàn ủng hộ và tham gia mô hình này. Cách thức tính phí thu gom rác theo thể tích dù có nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng đây sẽ là xu hướng của tương lai để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Đến năm 2025 sẽ phân loại rác toàn tỉnh

Theo kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.

img_0514.jpg
Người dân ở Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An) đã thực hiện phân loại rác từ rất lâu

Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTR nói riêng, triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các Dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, Đề án quản lý chất thải rắn, đóng cửa khu xử lý rác Đại Hiệp, Tam Xuân 2, thực hiện phương án thí điểm quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Bởi khi hệ thống pháp luật đã đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng cần phải được đẩy mạnh.

“Việc tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản có chiến lược, thường xuyên, liên tục đến tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở cấp địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tuyên truyền. Xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.”- ông Nguyễn Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Nam

Võ Hà