Tin tức

Hạn, mặn giảm trong nửa cuối tháng 5

Vy Huyền 10/05/2024 - 16:42

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, từ ngày 11 - 20/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng độ mặn cao nhất tại các trạm vẫn cao hơn mức cùng kỳ tháng 5 năm ngoái. Nửa cuối tháng 5 khi có mưa chuyển mùa, tình hình xâm nhập mặn có thể bớt căng thẳng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, hiện nay, tổng diện tích đã xuống giống vụ Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long khoảng gần 817 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Tiền Giang. Lác đác ở các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Bạc Liêu.

Cơ quan này lưu ý, những ngày tới mặn và hạn còn cao, vì vậy, các địa phương, đặc biệt khu vực ven biển, nên cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ Hè Thu trong năm này để góp phần giảm nhu cầu nước và hạn chế xâm nhập mặn vào sâu vùng cửa sông ven biển.

anh-1(2).jpg
Người dân một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Hè Thu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới (11 – 20/5), dự báo khu vực miền Tây Nam Bộ phổ biến ít mưa; xen kẽ có ngày xuất hiện mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và đêm, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ban ngày nắng nóng, từ sau ngày 15/5 nền nhiệt có xu hướng giảm dần, nắng nóng sẽ giảm dần về cường độ. Nhiệt độ cao nhất tại miền Tây Nam Bộ phổ biến từ 33-36 độ C.

Cùng với nắng nóng, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,40m, tại Châu Đốc 1,65m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ khoảng 0,25-0,30m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu: Từ ngày 11/5-20/5 mực nước trạm Vũng Tàu dao động ở mức trung bình và có xu hướng giảm dần, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,50 – 3,80m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 3 đến 6 giờ và 12 đến 15 giờ hằng ngày.

Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Rạch Giá): Từ ngày 11/5-20/5, mực nước triều tại trạm Rạch Giá dao động ở mức trung bình và có xu hướng giảm dần, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 0,25 – 0,35m, thời gian xuất hiện trong khoảng 18 đến 23 giờ hằng ngày.

21-12-21-cong-cai-lon.jpg
Dự báo nửa cuối tháng 5, hạn mặn sẽ bớt căng thẳng trên đồng bằng

Dự báo xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/5:

- Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 90-125km;

- Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 35-40km;

- Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 42-48km;

- Sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 35-40km;

- Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 32-37km;

- Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 45-50km.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm nên khó khăn hơn cho bơm tưới.

Vùng giữa và khu vực ven Biển Đông ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Từ 11/5, mặn có xu thế giảm. Các địa phương vùng ven biển ở Bến Tre, Tiền Giang cần giám sát mặn chặt chẽ để đảm bảo an toàn sản xuất đợt mặn cao tuần này. Các khu vực cách biển hơn 40 km ven sông Hậu và Cổ Chiên thuộc Trà Vinh và Sóc Trăng, vẫn có nhiều cơ hội về nguồn nước trong tuần từ 11 – 16/5.

Khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Mặn 4 g/l đã vào sâu nhất 50-57 km. Diện tích sản xuất vụ hè thu tăng làm tăng nhu cầu nước trong vùng có thể làm mặn vào sâu, cần vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé để kiểm soát mặn trong vùng. Mặn có thể giảm dần từ sau ngày 13/5, các địa phương ở Hậu Giang cần vận hành hợp lý các công trình đảm bảo nước cho sản xuất.

Dự báo El Nino sẽ giảm, trạng thái ENSO nghiêng về pha trung tính từ giai đoạn tháng 4 - tháng 6 (65%). La Nina sẽ tác động chủ yếu từ giai đoạn tháng 8 - tháng 10 trở đi. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó với thời kỳ hạn mặn cao vào 7/5- 10/5 ở các khu vực cửa Sông Tiền, sông Hàm Luông, hai sông Vàm Cỏ và vùng ven sông Cái Lớn, nửa cuối tháng 5 hạn mặn sẽ bớt căng thẳng trên đồng bằng.

Vy Huyền