Xót xa cảnh học nhờ ở nơi 20 năm chưa từng có trường mầm non
Đường đến điểm trường Hoàng Lan, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang hiểm trở, gập ghềnh, càng vào sâu càng khó di chuyển. Nhưng ở nơi sâu thẳm giữa núi rừng ấy 50 em bé mầm non vẫn hằng ngày đến lớp dù cho hơn 20 năm qua nơi đây chưa từng có trường mầm non.
Cô giáo U40, “mẹ” của 50 người con
Đối với những cư dân bản địa là người dân tộc thiểu số sống giữa khu rừng già tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang, hình ảnh của một cô giáo người Nam Định ngày ngày độc bước trên con đường rừng hiểm trở đem con chữ lên bản làng vùng cao đã vô cùng quen thuộc. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi gặp cô Vũ Thị Phượng, gần 40 tuổi với đôi mắt sáng và nụ cười luôn thường trực trên môi, cũng đang trên đường đến trường dạy học.
“Trời nắng đi quãng đường này gặp rất nhiều rắn, phải chờ tới lúc rắn đi rồi mới dám đi tiếp. Trời mưa thì sương mù không nhìn thấy đường, đã vậy còn trơn trượt, vô cùng khó đi” – Cô Phượng chia sẻ.
Ở độ tuổi U40, có lẽ ai cũng đã có riêng cho mình một tổ ấm, chọn cho mình một cuộc sống êm đềm, thế nhưng cô Phượng vẫn độc thân và dồn toàn bộ tình cảm cho các em nhỏ tại điểm trường Hoàng Lan.
“Cũng cô đơn chứ, cũng tủi thân chứ. Đôi lúc khó khăn quá cũng muốn dừng lại, nhưng nghĩ đến các con, thương các con không có ai dạy học, nên mình lại có thêm động lực để bước tiếp” – Cô Phượng rơm rớm nước mắt.
Vì tình yêu vô bờ bến này, ở đây người ta gọi cô là “cô tiên”, là “mẹ” của gần 40 đứa con nhỏ.
Từ năm 2007, cô Phượng đã gắn bó với những em bé vùng cao nghèo khó tại Hà Giang, nhưng điểm trường nhỏ tại thôn Hoàng Lan này là điểm trường khó khăn nhất. Thực ra đây là một điểm trường tiểu học. Suốt 20 năm qua nơi này chưa từng có trường mầm non. Và cũng trong thời gian 20 năm ấy, những em nhỏ dưới 5 tuổi tại thôn nếu có được đến trường thì cũng phải đi học nhờ, học ghép với các lớp của các anh chị tiểu học. Ngôi trường nhiều năm chưa hề được tu bổ, sửa chữa nên ngày càng xuống cấp, xập xệ. Các em bé vùng cao đủ tuổi lên tiểu học lại tiếp tục san sẻ những lớp học chật chội, thiếu thốn mọi mặt cho các bé nhỏ hơn.
“Những ngày mưa lớn, cô giáo phải sơ tán học sinh qua nhà dân trú ngụ, vì các lớp học có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Chỉ khi mưa gió hết, các cô mới có thể yên tâm đưa các em về lại lớp. Chưa kể công năng và thiết kế của các lớp tiểu học hoàn toàn không phù hợp với việc dạy học và sinh hoạt cho các em mẫu giáo nên các con cũng thiệt thòi nhiều” – Cô Dương Thị Huyền, Hiệu trưởng điểm trường chỉ lên bức tường nứt toác và những cột xà đã mối mọt nặng nề.
Khi những ngày mưa sẽ không còn là nỗi thấp thỏm
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của điểm trường Hoàng Lan, một buổi sáng cuối tháng 4, gần 20 CBNV đại diện cho Ngân hàng VPBank và Mastercard đã vượt hàng trăm cây số qua những con dốc đường núi hiểm trở, mang theo rất nhiều yêu thương đến các em nhỏ. Hai đơn vị đã quyết định dành tặng số tiền 600 triệu đồng cho cô trò tại thôn Hoàng Lan để xây dựng một ngôi trường mầm non mới, chấm dứt 20 năm đằng đẵng không có trường mầm non tại vùng đất này.
Một lễ khởi công đơn sơ mà ấm áp tình yêu thương đã khởi đầu cho một ngôi trường nhỏ xinh đẹp giữa lưng chừng mây núi sẽ thành hình trong thời gian ngắn sắp tới. Sớm thôi, các em nhỏ sẽ không còn phải học ghép, những em bé lên ba, lên năm sẽ có một ngôi nhà mới đẹp xinh cùng “cô tiên” của mình.
Chị Hoàng Mai Linh, một VPBanker trong đoàn thiện nguyện chia sẻ: “Hình ảnh ấm áp nhất trong chuyến đi này của tôi chính là giấc ngủ say của một em bé thôn Hoàng Lan trên lưng mẹ. Tuổi thơ của những em bé nơi này nếu không là những ngày nắng rát hay rét căm, thì cũng là ngày mưa dầm, mù sương... phải theo bố theo mẹ đi nương làm rẫy. Nhưng giờ đây, khi bé tỉnh giấc thì một ngôi trường mới dành cho bé đã được ươm mầm, một nơi an toàn ấm áp đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương để các bé có thể nuôi ước mơ học hành, để tương lai thoát nghèo, thoát đói.”
Điểm trường Hoàng Lan cũng là điểm trường thứ 51 trong chuỗi hành trình thiện nguyện xây mới, sang sửa và hỗ trợ các điểm trường khó khăn trên cả nước do VPBank và VTV triển khai từ năm 2022 đến nay mang tên “Cặp lá yêu thương – Em vui tới trường”. Chương trình đã nối dài những đóng góp của VPBank hướng tới cộng đồng và xã hội trong những năm qua nhằm hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, với con số lên tới hơn 1700 tỷ đồng.
Từ nay cho tới hết 20/7/2024, VPBank triển khai chương trình thiện nguyện “Giao dịch VPBank – Ươm mầm thịnh vượng” nhằm chung tay cùng chương trình Cặp lá yêu thương – Em vui đến trường, giúp các em nhỏ vùng cao có thêm cơ hội tới trường. Theo đó, với mỗi sổ tiết kiệm gửi mới từ 300 triệu đồng hoặc giao dịch thực hiện trên VPBank NEO (thỏa mãn điều kiện chương trình) của khách hàng, VPBank sẽ trích ra số tiền tương ứng từ 100 đồng đến 50.000 đồng để đóng góp vào Quỹ Tấm Lòng Việt. Tổng số tiền VPBank đóng góp dự kiến cho Quỹ lên tới 1,8 tỷ đồng.