Tài nguyên nước

Lâm Đồng tăng cường quản lý tài nguyên nước: Đầu tư công trình thu giữ, tích trữ nước

Đình Du 09/05/2024 - 09:48

(TN&MT) - Mùa khô, thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Vì vậy, nhiều năm qua Lâm Đồng đã xác định công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thời tiết cực đoan

Lâm Đồng nằm phía Nam Tây nguyên có độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố, 9 huyện và 145 xã, phường thị trấn. Về nguồn nước mặt, toàn tỉnh Lâm Đồng có các hệ thống sông suối chính như: Đa Nhim, Đa Dâng, Đồng Nai, Đạ Nga, La Ngà và K’rông Nô. Các hệ thống sông ngòi này chảy theo hướng Đông Bắc xuống Tây Nam với tổng lượng dòng chảy mặt phát sinh hàng năm khoảng 9,8 tỷ m3 nước, chiếm trên 50% tổng lượng mưa rơi trên địa bàn, nhưng do địa hình dốc và chia cắt nên lượng nước mặt trên các sông suối rất dồi dào vào mùa mưa và khô kiệt nặng vào mùa khô.

anh-1.jpg
Một đoạn hồ Đan Kia ở thị trấn Lạc Dương khô nước

Những năm qua, khu vực đầu nguồn các con sông lớn trên địa bàn luôn được chính quyền quan tâm và đưa ra phương án bảo vệ. Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh Lâm Đồng đã xác định thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng quyết định sự phát triển bền vững của Lâm Đồng và khu vực, đặc biệt, công tác bảo vệ tài nguyên nước có ý nghĩ hết sức then chốt, quyết định sự thành công và hiệu quả của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa là một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 9/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Theo Sở TN&MT Lâm Đồng, hạn hán ở Lâm Đồng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5, xảy ra mang tính cục bộ, không ở mức nghiêm trọng, nhưng nhiều khu vực trên địa bàn cũng có nguy cơ thiếu nước. Chẳng hạn, hồ Đan Kia, Suối Vàng nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, phục vụ người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương mực nước lòng hồ sụt giảm. Người dân huyện Lạc Dương phải dùng máy bơm để tưới nước cho cây trồng. Mùa khô đang bước vào đỉnh điểm, mực nước ở một số sông, suối tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đạ Tẻh… suy giảm, nguy cơ thiếu nước cục bộ có thể xảy ra.

Về cấp nước đô thị và nông thôn, số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị là 19 hệ thống. Tổng công suất thiết kế là 120.820m3/ngày đêm, tổng công suất khai thác là 88.440m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước các đô thị trên địa bàn đang dẫn nguồn cung cấp cho một số khu vực như: Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc... Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước dưới đất, tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%.

Đưa ra nhiều giải pháp

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với khô hạn kéo dài do biến đổi khí hậu, cuối năm 2023, UBND Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung.

Về lâu dài, Lâm Đồng đã và đang triển khai các giải pháp cải tạo, xây dựng các công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ tạo nguồn nước của các hồ chứa, lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch và xây dựng hệ thống hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các khu công nghiệp… đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng vừa chỉ đạo Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc và Công ty CP Đầu tư Thiên Hòa An triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. 3 đơn vị này tổ chức khai thác, bảo vệ an toàn khu vực thu nước, hệ thống cấp nước theo quy định; kịp thời bảo trì, nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp nước, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất nước kéo dài, kịp thời xử lý các sự cố mất nước, quản lý vận hành hệ thống cấp nước, thực hiện đúng cam kết cung cấp dịch vụ cấp nước sạch cho tổ chức và người dân đảm bảo số lượng, chất lượng và giá bán nước sạch theo quy định và đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cần sớm hoàn thiện đưa Nhà máy nước sông Đại Nga vào khai thác và đầu tư Nhà máy nước Tân Rai. Cơ quan chức năng cũng cảnh báo, các đơn vị cấp nước phải đảm bảo đầy đủ về trữ lượng và chất lượng nước cấp trong vùng phục vụ cấp nước. Trường hợp không đáp ứng thì kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý như giao vùng cấp nước hoặc một phần vùng cấp nước cho đơn vị khác.

Đình Du