Đưa nước lên non
(TN&MT) - Trước tình trạng thời tiết nắng hạn kéo dài làm cho cây trồng thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân và các nhà vườn sản xuất quy mô đã sáng tạo ra việc tích nước ở các hồ chứa trên đỉnh rồi dùng hệ thống tưới tiết kiệm cấp nước cho cây trồng.
Giảm chi phí
Theo chân cán bộ khuyến nông huyện Đắk RLấp, Đắk Nông, chúng tôi vượt qua nhiều ngọn đồi chênh vênh để đến với vườn cây cây khá xanh tốt của gia đình anh Nguyễn Thế Vinh ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk RLấp. Trước mắt chúng tôi là hệ thống hồ chứa với diện tích khoảng 3000 mét vuông chứa đầy nước. Theo anh Vinh, gia đình trồng hơn 3ha cà phê cùng một số cây ăn quả và đang trồng thêm một số cây ngắn ngày để luân canh tạo thêm thu nhập. “Ngày trước, cứ vào mùa nắng thì khu vực này khô nước, mọi sự thành bại do trời vì năm nào mưa muộn xem như năm đó chấp nhận mất trắng. Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu học hỏi, tôi đã đào một hồ cạn trên đỉnh vườn và dùng bạt chuyên dụng để lót. Sau đó, tôi bơm nước ngay từ mùa mưa và đến mùa khô, giai đoạn khoảng cuối tháng 3, đến đầu tháng 5, khi hồ dưới suối cạn, tôi bắt đầu sử dụng nước tưới ở hồ trên này”, anh Vinh chia sẻ
Hồ chứa trên núi được gia đình anh Vinh đầu tư từ 2 năm trước với chi phí trung bình khoảng từ 30 - 35 triệu đồng/1.000m3 cung cấp nước cho 1ha cây trồng. Theo anh Vinh, hồ chứa này có ưu điểm chứa nhiều nước mà không bị thấm, độ bền lên đến hàng chục năm. Tính ra chi phí khá rẻ mà hiệu quả cao. Ngoài ra, để tăng thu nhập gia đình, tôi còn nuôi thêm cá trong hồ. “Cái khó là đầu tư giai đoạn đầu mình phải bỏ ra số tiền lớn một lần nhưng về lâu dài tôi thấy rất có lợi”, anh Vinh khẳng định.
Như chứng minh cho chúng tôi thấy được hiệu quả của mô hình này, anh Vinh hồ hởi đưa chúng tôi lên một ngọn đồi khác để quan sát tổng thể toàn bộ các khu vực vườn, rẫy gần đó. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là có rất nhiều vườn cà phê, cây ăn trái phía đối diện vườn anh Vinh đang có dấu hiệu lá bị úa vàng và rủ xuống rất nhiều. Giải thích về điều này, anh Vinh cho biết, giai đoạn từ tháng 3 đến nay, khu vực này chưa có mưa và nước hồ thì cạn trơ đáy hết, thiếu nước nên cây trồng bị khô héo là hiển nhiên.
“Tôi có động viên bà con ở đây nên đầu tư hệ thống hồ treo trên cao và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm hay còn gọi là tưới nhỏ giọt vừa đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây trồng mà còn giảm chi phí đáng kể nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ kinh phí để đầu tư nên có nhiều vườn thiếu nước tưới dẫn đến cây bị ảnh hưởng”, anh Vinh cho biết thêm.
Tương tự, gia đình anh Phan Viết Cường, ở thôn 11, xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) đầu tư trồng 3ha sầu riêng. Trên diện tích đất này, anh Cường trồng thuần 500 cây sầu riêng giống monthong. Anh Cường chia sẻ, cây sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết. Việc duy trì độ ẩm cho cây phải được thực hiện thường xuyên, nhất là trong mùa khô. Chính vì thế, anh chọn giải pháp tưới nhỏ giọt cho vườn cây. Ngay sau khi xuống giống, để thuận lợi cho việc chăm sóc sầu riêng, anh Cường đã đầu tư gần 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cung cấp nước đến từng gốc cây.
Anh Cường lắp đặt bét tưới theo từng khu vực, sử dụng van để điều chuyển diện tích tưới. Mỗi lần tưới được khoảng 1ha. Ngoài ra, anh còn sử dụng hệ thống tưới bằng điện 3 pha, kết hợp điều khiển từ xa để thuận lợi khi vận hành. Theo anh Cường, việc thiết kế hệ thống tưới phải bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây sầu riêng trong giai đoạn cây cần nước nhiều nhất như thời điểm nắng nóng, cây trưởng thành và cây đang trong giai đoạn nuôi trái… Ngoài duy trì độ ẩm, hệ thống tưới còn giúp cung cấp phân, thuốc đến từng gốc cây.
“Hiện tại, ngoài việc cung cấp nước tưới thì hệ thống tưới tiết kiệm cũng được gia đình tôi ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật hòa tan qua tưới nhỏ giọt định kỳ hàng năm sẽ giúp loại bỏ dần mầm bệnh trong đất một cách hiệu quả và phòng được bệnh nứt thân, xì mủ. Quan trọng hơn, tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm hơn khoảng 50 - 70% lượng nước so với các phương thức tưới truyền thống", anh Cường cho biết.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo ông Nguyễn Thành Nên - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đắk R'lấp, những năm qua, do tác động biến đổi thời tiết nắng hạn kéo dài nên nhiều gia đình đã đào hồ ngay giữa vườn hoặc trên đỉnh cao rồi lót bạt tích nước tưới. Hiện tại, mô hình này được khá đông người dân triển khai và bước đầu đã có những hiệu quả hết sức tích cực.
Ngoài ra, những năm qua, trên địa bàn huyện Đắk Rlấp đã áp dụng tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa từ các hồ chứa trên cao. Đây là giải pháp công nghệ giúp người dân tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công, chống hạn hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm đối với cây trồng. Sử dụng công nghệ này và đồng bộ cách chăm sóc sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc áp dụng sản xuất theo quy trình nông nghiệp an toàn. Tưới tiên tiến giúp các chỉ số như phân, thuốc, chất dinh dưỡng hầu hết đều được đo lường bằng máy. Lợi thế của đầu tư hệ thống tưới tiên tiến là đầu tư một lần nhưng có thể sử dụng trong nhiều năm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, câu chuyện tích nước ở các hồ nhỏ trên đỉnh núi hoặc nơi có độ cao của nhà vườn rồi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt đang dần phát triển trong một vài năm gần đây. Phương pháp này giúp cho người dân chủ động nguồn nước cung cấp cho cây trồng được đảm bảo. Đầu tư một lần sẽ tốn kém ở giai đoạn đầu nhưng về lâu dài, chi phí sẽ giảm và hiệu quả hơn so với việc tưới thông thường từ hồ chứa dưới các hệ thống suối, đập như lâu nay. Tuy nhiên, hiện tại, mô hình tích nước trên cao chỉ mới ở mức tự phát của các hộ gia đình với quy mô nhỏ, về lâu dài, cần nghiên cứu phương án tích nước quy mô lớn để phục vụ cho nhiều cây trồng khác ở các vùng thiếu nước trầm trọng.
Liên quan đến vấn đề này, phòng NN&PTNT huyện Cư Jút đã từng có đề xuất về giải pháp sáng kiến bơm nước lên núi. Cụ thể, xây dựng một hoặc một vài trạm bơm để bơm nước từ sông Sêrêpôk lên trên núi cao. Chỉ cần làm các hồ trung chuyển quy mô nhỏ chừng vài héc ta trên núi, sau đó làm hệ thống ống dẫn nước xuống núi, tỏa đi quanh vùng, tưới cho cây trồng. Phương án cấp nước cho sản xuất này tương tự như cách thức cấp nước cho sinh hoạt đang triển khai ở các đô thị, khu vực đông dân cư.