Biến đổi khí hậu

Tiền Giang đóng cống ngăn mặn và triều cường từ ngày 8/5

Theo TTXVN 08/05/2024 - 19:04

Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thùy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho đóng trở lại cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Xáng Nguyễn Tấn Thành nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Trong những ngày qua, do ảnh hường của kỳ triều cường đầu tháng 4 Âm lịch và gió mủa Tây Nam chuyển về Đông Bắc khiến cho mực nước triều cường trên sông Tiền dâng cao đẩy ranh mặn sâu về phía thượng lưu đe dọa các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao tại các huyện, thị phía Tây. Cụ thể, độ mặn trên sông Tiền tại cầu Kênh Xáng Nguyễn Tấn Thành thuộc xã Song Thuận, huyện Châu Thành, cách cửa sông 55 km đo được là 0,69 gr/lít, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,69 gr/lít; dự báo độ mặn còn tiếp tục tăng trong những ngày tới, sau đó giảm dần và rút dần ra cửa sông.

Chú thích ảnh
Cống Nguyễn Tấn Thành. Ảnh tư liệu: Hữu Chí/TTXVN

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thùy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho đóng trở lại cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Xáng Nguyễn Tấn Thành nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Thời gian đóng trước 13 giờ ngày 8/5. Sau khi độ mặn giảm, Sở Nông nghiệp và Phàt triển nông thôn tỉnh Tiền Giang sẽ đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thùy lợi 10 mở lại cống âu Nguyễn Tấn Thành.

Trong mùa khô 2023 – 2024, hạn mặn diễn biến phức tạp, cống âu Nguyễn Tấn Thành phải đóng ngăn mặn từ ngày 1/3 đến ngày 2/5, khi tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền đạt đỉnh và giảm dần đồng thời trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã vận hành mở cống âu ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành nhằm làm sạch môi trường nước phía trong kênh vừa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu bảo vệ vườn cây ăn trái cũng như thuận lợi giao thông thủy trong khu vực.

Trước đó, để ứng phó tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu và kéo dài, từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ, Tiền Giang triển khai hai Dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây là các Dự án Đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tình 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Xáng Nguyễn Tấn Thành tiếp giáp sông Tiền, nhằm bảo vệ các vùng trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sa pô chê,…

Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành khởi công vào tháng 11/2022 có tổng kinh phí hơn 518 tỷ đồng do Trung ương đầu tư nhằm tăng cường khả năng trữ nước ngọt, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước sản xuất cho khoảng 100.000 ha thuộc dự án Bào Định mở rộng sang vùng Đồng Tháp Mười của hai tỉnh Tiền Giang và Long An; Đồng thời, tạo nguồn nước ngọt thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ khoảng 800.000 nhân khẩu thành phố Mỹ Tho và vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang trong mùa khô hạn hàng năm.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, nhờ các công trình thủy lợi đầu mối kể trên cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành đang phát huy hiệu quả, giúp tỉnh phòng chống hạn mặn hữu hiệu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa khô 2023 - 2024.

Theo TTXVN