Độc đáo Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ
Trong 2 ngày 7 và 8/5 (nhằm ngày 29/3 và 1/4 Âm lịch), UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) phục dựng và tổ chức Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ năm 2024 tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu).
Sự tích Lễ hội Mục Đồng
Theo truyền khẩu, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Người dân cho rằng có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó, cồn có tên là Cồn Thần. Một hôm có đàn trâu chạy lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm, nhưng không trẻ nào hề hấn gì. Từ đó tiếng đồn gần xa là Cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của các mục đồng trong làng.
Xuất phát từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần hình thành một lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu, gọi là Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ, diễn ra ngày mùng Một tháng Tư Âm lịch hàng năm.
Phục dựng lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu
Theo vị cao niên trong làng, Lễ hội Mục Đồng ban đầu được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, nghĩa là 3 năm 1 lần, sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Sau 70 năm gián đoạn, lễ hội rước Mục đồng được phục dựng và tổ chức 3 lần vào các năm 2007, 2010 và 2014.
Lễ hội Mục Đồng gắn với Đình Thần Nông, làng Phong Lệ - ngôi đình được tọa lạc giữa trung tâm của xã Hòa Châu với thế tựa núi, hướng biển, được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận di tích lịch sử văn hóa lịch sử cấp thành phố vào ngày 14/6/2007 theo Quyết định số 4426. Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Lễ hội Mục Đồng cơ có nguy cơ bị mai một theo thời gian. Thực hiện kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 25/4/2024 của UBND huyện Hòa Vang về việc tổ chức phục dựng Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ năm 2024, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Châu tổ chức lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, ngày 7 và 8 tháng 5 năm 2024 (nhằm ngày 29 tháng 3 và Mồng 1 tháng 4 năm Giáp Thìn).
Đặc biệt, dù Lễ hội Mục Đồng mới được phục dựng lại sau một thời gian dài gián đoạn, nhưng luôn được người dân đón nhận và họ mong muốn lễ hội này được phục dựng và bảo tồn. Điều đó, phản ảnh tính kết nối các giá trị văn hóa quá khứ với hiện tại và tương lai, cũng như vai trò chỗ dựa tinh thần nhằm “giữ lửa” cho một hoạt động văn hóa dân gian độc đáo tại làng quê.