Tiếng dân

Bắc Ninh: Bao giờ sông Cầu bớt ô nhiễm?

Phạm Thiệu 06/05/2024 - 15:18

TNMT – Mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng tình trạng ô nhiễm sông Cầu ở tỉnh Bắc Ninh vẫn rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe nhân dân suốt thời gian dài.

Nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe nhân dân. Mặc dù một số giải pháp xử lý ô nhiễm đã được các cơ quan hữu quan thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Tình trạng xả thải, đặc biệt là xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu vẫn diễn ra phổ biến khiến dòng sông ở một số khu vực bị ô nhiễm trầm trọng.

Mới đây, cử tri huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) tiếp tục có ý kiến kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nhằm hạn chế tình trạng xả nước thải ô nhiễm ra sông Cầu. Cử tri nơi đây cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại con sông này để giảm bớt tác động tiêu cực tới đời sống người dân.

song-cau-o-nhiemx-1.jpg
Sông Cầu ô nhiễm nghiêm trọng do phải tiếp nhận nguồn thải chưa qua xử lý của nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Tại Văn bản số 2062/STNMT-QLĐĐ,ĐĐ&BĐ ngày 01/12/2023 về việc trả lời kiến nghị cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã có phản hồi về vấn đề này. Theo đó, lưu vực sông Cầu có chiều dài khoảng 288 km, thuộc địa giới của 6 tỉnh gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.

Thời gian qua, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra khá nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, cùng với sự mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 6 tỉnh trong lưu vực là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông Cầu. Vì vậy để giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực sông này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 về phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu (Đề án sông Cầu).

Tại tỉnh Bắc Ninh, sông Cầu hiện đang tiếp nhận nguồn nước từ các phụ lưu chính là sông Ngũ Huyện Khê, kênh Kim Đôi và sông Tào Khê. Trong đó sông Ngũ Huyện Khê là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm đoạn sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải ra sông Cầu; tham gia Tổ giám sát theo Quyết định số 1380/QĐ-BTNMT ngày 03/6/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành lập Tổ giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê; giám sát đối với 22 cơ sở sản xuất và đã yêu cầu các cơ sở tiến hành đầu tư các công trình xử lý môi trường và tiến hành đầu nối với Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê; triển khai các dự án: Dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê, Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê công suất 5.000 m³/ ngày đêm, Dự án đầu tư Hệ thống xử lý nước thải thị xã Từ Sơn công suất 33.000 m³/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh công suất 28.000 m³/ngày đêm.

song-cau-o-nhiem-2.jpg
Nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm sông Cầu đã được đưa ra nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng

Nhằm xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường sông Cầu, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, các cơ sở có nguồn thải lớn xả thải ra sông Cầu và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn môi trường; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề và Cụm công nghiệp Phong Khê.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê; hệ thống xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải và thu gom rác thải tại Cụm công nghiệp Phú Lâm; triển khai các Đề án chuyển đổi Cụm công nghiệp Phong Khê sang khu logistic và Cụm công nghiệp Phú Lâm sang khu đô thị.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh sẽ tiến hành khảo sát điều tra và đề xuất giải pháp cụ thể trong việc xử lý ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê như: Nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy; xử lý hết mùi hôi ô nhiễm cho các chất rắn được nạo vét; quản lý nguồn thải; công nghệ xử lý chất thải ... Với những giải pháp nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng thời gian tới, tình trạng ô nhiễm sông Cầu sẽ được cải thiện.

Phạm Thiệu