Xã hội

Ăn sạch ở sạch ở Điện Biên

Việt Hải - Minh Quân 05/05/2024 - 16:30

(TN&MT) - Thực hiện ăn sạch, ở sạch đã góp phần giúp bộ đội, chiến sĩ ta trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ không xảy ra đại dịch, sức khỏe được bảo đảm, khả năng chiến đấu được nâng cao, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.

Nhưng làm thế nào để ăn sạch, uống sạch, ở sạch trong điều kiện trận địa ác liệt, hậu cần cách trở, bộ đội chiến sĩ ăn ở trong hầm, chiến đấu trong hào, khó khăn thiếu thốn đủ thứ? Những điều mà chúng tôi biết và nói ở đây là nhờ câu chuyện kể sinh thời của Thiếu tướng Hồ Phương. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông phụ trách Báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308 - một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ăn ở cùng bùn đất

Bắt đầu vào đợt chiến đấu, bộ đội ta “từ giã” những chiếc hầm lớn trong rừng, chuyển ra ở trận địa giao thông hào.

Có thể nói, “đường” của bộ đội, chiến sĩ bắt đầu từ đây là các chiến hào. Một là đường hào trục chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm; hai là đường hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị đổ ra, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí mà quân ta dự định tiêu diệt. Các loại đường hào đều phải sâu ngập đầu (khoảng 1,7m). Đường hào trục chính rộng khoảng 1,2m, còn hào bộ binh rộng khoảng 0,5m. Đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công.

1.1.-bo-doi-ta-dao-hao-xay-dung-cong-su-tren-chien-truong-dien-bien-phu.-anh-tu-lieu-ttxvn.png
Bộ đội ta đào hào, xây dựng công sự trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Còn “nhà” của bộ đội chiến sĩ bây giờ là những căn hầm khoét vào vách đất dọc đường hào. Ban đầu, bộ đội ta thiết kế “nhà” hẹp, chỉ đủ một người nằm, ngồi lên thì đầu gần chạm “trần nhà”. “Giường” là miếng vải sơn trải xuống đất, hoặc mấy mảnh gỗ tháo ở các hòm đạn ra, ghép vào nhau.

Thời tiết Điện Biên vào dịp cuối tháng ba, tháng tư, trên cánh đồng nắng nhức nhối mà dưới hầm thì vách đất ẩm lạnh. Nóng và lạnh hợp với nhau thành một thứ hơi hầm hập như trong lò hấp.

Trận địa lại giữa cánh đồng nên không tìm đâu ra một giọt nước sạch. Nước sử dụng cơ bản mong chờ anh em trong rừng quẩy ra, chỉ đủ để ưu tiên lau rửa bùn đất cho súng. Hiếm nước nên có người hơn nửa tháng không chịu rửa mặt, gương mặt ai nấy nhem nhuốc rất thương. Quần áo cũng rất lâu không thay vì đào trận địa và đánh nhau liên miên, vừa thay xong đã nhuốm bùn đất cho nên quân ta cứ mặc tràn. Chỉ một thời gian sau, quần áo không còn là màu xanh nữa mà ngả sang màu vàng kềnh kệch. Hai ống quần bùn bám khô cứng như mo nang.

1.2.-luc-luong-xung-kich-theo-duong-hao-tien-sat-cac-vi-tri-cua-dich-tren-doi-him-lam-va-tieu-diet-cu-diem-quan-trong-nay.-anh-tu-lieu-ttxvn.png
Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt cứ điểm quan trọng này. Ảnh tư liệu TTXVN

Vì lâu không giặt, lại thêm mồ hôi ngày vãi ra như tắm cho nên anh nào anh nấy cứ nồng nồng chua chua. Những hôm trời nắng ở hầm đã khó chịu, nhưng những ngày mưa thì càng gay go hơn. Giao thông hào nước ngập tới mắt cá chân, có quãng ngập tới gối, có quãng ngang thắt lưng.

Theo Thiếu tướng Hồ Phương mô tả: “Nước mưa và bùn nhão quện với nhau thành một thứ bùn lõng bõng. Đi lại vô cùng bẩn thỉu và bất tiện. Hầm ngủ phải lấy các hòm đạn chèn cửa, be cao lên. Muốn vào hầm phải bò rạp người xuống. Tuy đã có bờ be ở cửa nhưng nước bùn vẫn rỉ vào. Trên nóc hầm, nước mưa thấm qua đất nhỏ giọt xuống như mái nhà dột. Có những hầm làm cẩu thả, bùn ùa vào rất nhiều. Có đồng chí Tam, đêm hôm trước đi đào trận địa xung phong và đánh nhau với quân phản kích, mệt quá về ngủ thiếp đi, trời đổ mưa to, nước bùn ùa vào ngập cả chân cả bụng, chỉ còn hở cái ba lô, đầu và bộ ngực, thế mà vẫn không biết. Đến khi Chính trị viên Trường đến gọi dậy mới thấy “nhà” đã ngập bùn”.

Lại có hôm Chính trị viên Trường triệu tập cán bộ lên hội ý. Đang hội ý thì bỗng ục một cái, bùn và nước mưa ùa vào, mọi người chỉ kịp nhảy bổ ra ngoài thì cũng vừa lúc nắp hầm vì ngấm đẫm nước mưa nên bị ải, sập xuống. Thế là tất cả tài liệu sổ sách bị chôn vùi hết.

1.3.-co-nhung-doan-chien-hao-tai-mat-tran-dien-bien-rat-chat-co-dong-kho-khan-bun-dat-ngap-ngang-bap-chan.-anh-tu-lieu-ttxvn.png
Có những đoạn chiến hào tại mặt trận Điện Biên rất chật, cơ động khó khăn, bùn đất ngập ngang bắp chân. Ảnh tư liệu TTXVN

Sau những ngày mưa tầm tã lại đến những ngày nắng gắt. Nước bùn bốc hơi ngùn ngụt, người trong hầm hào cứ nhược ra như cá phơi nắng. Có những đường giao thông hào nước không tiêu được, đọng lại thối khăn khẳn hoặc tanh tanh rất khó chịu.

Ở thì như vậy còn ăn thì cũng nhiều khó khăn. Có khi cơm vừa đưa tới thì địch sục ra, bộ đội lại xách súng lên đánh. Có khi tiếp tế mang cơm, dọc đường bị máy bay, pháo binh địch cản trở nên đến tối mịt mới có cái ăn. Chẳng may anh em tiếp tế bị hy sinh dọc đường là coi như bữa đó anh em ở chiến hào cũng nhịn.

Điều kiện chiến trường khó khăn gian khổ, tiếp tế cách trở nên anh nuôi phải nắm cơm ra mặt trận cho bộ đội, chiến sĩ. Mỗi người một nắm cơm, ăn với miếng thịt kho mặn hoặc muối vừng. Đón nắm cơm khi tay lấm lem bùn đất nhưng bộ đội đã quá quen nên vẫn cầm ăn ngon lành. Thiếu tướng Hồ Phương kể rằng, có hôm đánh quân phản kích, bộ đội phải bò lên mặt ruộng kéo những xác giặc đã trương lên. Đến lúc quay lại thì cơm cũng vừa tới. Không có nước rửa, quân ta tặc lưỡi chùi tay vào miếng vải dù, cầm nắm cơm bẻ ăn luôn.

Phải sạch để quét sạch giặc

Nhưng cái cảnh ăn ở như thế cũng đến ngày phải chấm dứt. Vì Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh luôn luôn theo dõi chỉ đạo, dạy dỗ, chăm sóc chiến sĩ từng giờ, từng phút. Bác và Đại tướng rất lo lắng trước những khó khăn ở một số đơn vị và chỉ đạo các đơn vị phải có giải pháp cải thiện, khắc phục ngay. Một chiến dịch ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ngủ sạch đã được triển khai rộng khắp trên toàn mặt trận.

Trước tiên là củng cố “giường” ngủ. Mỗi ngày mỗi người phải để ra nửa giờ để khoét cho công sự ngủ sâu và rộng thêm. Chiến sĩ ta đã lấy nhiều hòm đạn bằng gỗ kê cao, lại lấy dù tươi màu trải lên làm đệm. Trên nắp hầm lát thêm gỗ, đất moi ra lại đắp thêm vào nắp hầm cho chắc và khỏi dột. Tầm khoảng vài ba buổi thì hầm rộng hẳn ra và nắp hầm cũng chặt hơn. Trên trần mỗi hầm đều có một chiếc dù trắng (dù ta lấy được của địch) căng trên vách. Ở các cửa hầm, bộ đội lại lấy những vuông dù hoa hoặc dù xanh sặc sỡ treo lên làm rèm. Ngoài cùng là miếng bạt hay vải sơn dùng để che mưa. Giấc ngủ vì thế mà ngon hơn, an toàn hơn.

Việc ở đã cải thiện, việc ăn cũng tiến bộ hơn. Anh em tiếp tế thay đổi cách mang cơm, không gánh nữa mà lấy dù gói lại thật chặt rồi đeo sau lưng như ba lô, canh thì cho vào vải ni lông túm lại như tay nải. Dọc đường ra trận địa, nếu máy bay, pháo binh địch có bắn cũng dễ dàng nhảy xuống giao thông hào, không sợ đổ vãi mà cũng không sợ bụi đất bắn vào cơm canh nữa. Cho nên cơ bản chiến sĩ cũng có cơm canh ấm nóng để ăn.

Thứ ba là đến vấn đề nước ăn, nước rửa. Hằng ngày tiếp tế, anh em tranh thủ gánh thêm nước cho chiến sĩ sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo nuôi quân an toàn, hậu cần phải ở cách xa trận địa, việc đưa cơm lên trận địa đã là một thử thách nhiều khi phải hy sinh cả tính mạng, vì vậy bộ đội và anh nuôi đã tranh thủ thời gian đào thêm giếng. Rút kinh nghiệm một số giếng cũ đào ngay chỗ vũng lầy nên nước bẩn, mọi người quyết định đào dịch vào phía chân đồi để lấy nước mạch. Đào càng sâu mạch càng nhiều, càng tốt. Mỗi hôm anh em đào thêm một giếng. Kết quả gần đủ mỗi tiểu đội có một giếng, bộ đội có nước để dùng.

Thứ tư đến việc tổng vệ sinh hầm, hào. Một loạt hố tiêu hố giải cũ được lấp lại, đào một loạt mới. Hầm hào được quét dọn sạch rác. Những quãng hào khó đi được sửa sang lại, chỗ hẹp thì xắn rộng ra, chỗ dốc thì đánh bậc, làm tay vịn. Đi lại trong hào đã dễ dàng, không còn tình trạng phải bám rễ cây leo hoặc hai người gặp nhau phải tránh nhau như hai chiếc GCM (xe tải quân sự) tránh trên đường hẹp.

Có đơn vị, chiến sĩ lại có sáng kiến khoét trên vách hầm những ngăn để bát đũa, cơm nắm, mũ, lựu đạn, lại có cả ngăn để mấy quyển sổ tay và báo chí. Ở chỗ hào đông người qua lại, chiến sĩ lại khoét những khoang nhỏ vuông vắn để dán tranh ảnh, bản tin, bài báo, nom rất sinh động, gọn gàng.

Đời sống trong công sự dần trở lại bình thường, dễ chịu. Có đêm trời mưa nặng hạt nhưng hầm ngủ của bộ đội chiến sĩ không bị ướt vì các cửa hầm đều sẵn khung lợp bạt chống mưa. Hào giao thông một đôi chỗ đọng nước bùn lớp nhớp nhưng bộ đội đã khơi rãnh thoát nước và lát cây cho khô ráo để đi. Anh em vừa làm vừa bảo nhau: “Trời mưa cũng hơi khó chịu cho mình một tí nhưng mình khổ một thì giặc khổ mười. Mình ở trên núi, nó ở dưới đồng. Mưa lắm, nước đổ xuống đồng trong những công sự ấy thì chúng nó sống khác gì loài ếch nhái. Chúng nó có tinh thần đấu tranh khắc phục khó khăn như chúng mình đâu”.

Bộ đội càng phấn khởi hơn khi ngày nào Đại tướng Tổng Tư lệnh cũng quan tâm hỏi: “Hôm nay chiến sĩ có được ăn cơm nóng không, có bị mệt không?”. Hay sau những đêm mưa, Đại tướng lại hỏi: “Đêm qua chiến sĩ có bị mưa lạnh không, có bị rét không, có bao nhiêu hầm bị dột?”. Tấm lòng thương yêu của Bác Hồ, của Đại tướng đã truyền cho toàn dân, toàn quân, những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên trận địa và cả những người phục vụ chiến đấu như anh nuôi, văn phòng và các lực lượng khác thêm sức mạnh vượt qua khó khăn gian khổ thiếu thốn, hăng say đánh giặc lập công.

Việt Hải - Minh Quân