Trong nước

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4

Khương Trung 04/05/2024 - 18:17

(TN&MT) - Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra sáng 4/5, chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

small_20240504_hop-bao-chinh-phu_1.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: Hôm nay (ngày 4/5/2024), trong không khí phấn khởi, hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4 năm 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực

Thảo luận tại Phiên họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định:tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

small_20240504_hop-bao-chinh-phu_2.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 4/2024

Nổi bật là: Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh,khách quốc tế4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó: Tổng thu NSNN 4 tháng ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ; Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, trong 4 tháng tổng kim ngạch XNK đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó XK tăng 15%; NK tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD; Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%)…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân; Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững;trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên…

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục.

Phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình phát triển

small_20240504_hop-bao-chinh-phu_12.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn điều hành phiên họp báo Chinh phủ

Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới: Phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 9 và Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa;tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu NSNN; đẩy mạnh thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt.

Bảo đảm hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất, cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ an toàn hệ thống ngân hàng và tình hình nợ xấu; Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; Sớm trình cấp có thẩm quyền về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

small_20240504_hop-bao-chinh-phu_3.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024

Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm; Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và các dịch vụ công; Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; có phương án sớm phân bổ 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, nhất là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam.

Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh BĐS, Nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt;tập trung triển khai thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy chuyển đổi số tương tự như Đề án 06 của Bộ Công an.

Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu; Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân; Tập trung xây dựng các trung tâm xử lý nước thải, rác thải, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Chuẩn bị tổ chức tốt Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao. Nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, nhất là truyền thông chính sách và những vấn đề quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.

Khương Trung