Xã hội

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ: Món quà của người con Nam Bộ

Đại tá Đoàn Hoài Trung 04/05/2024 - 13:35

(TN&MT) - Ít ai biết rằng tác giả của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ lại của một tác giả chưa từng đến Điện Biên và hơn nữa quê gốc của ông lại ở Nam Bộ.

Chọn lựa tượng đài

Vào cuối năm 2002, tỉnh Lai Châu xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm năm mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-2004)1. Do thời gian quá gấp rút nên tỉnh không tổ chức thi lấy mẫu tượng đài được mà có ý định chọn Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải2 đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2001, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho một số tác phẩm tượng đài, trong đó có Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ban Bí thư đã đồng ý và yêu cầu tỉnh phải xin ý kiến Bộ Văn hoá - Thông tin, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định. Ngày 25 tháng 11 năm 2002, Hội đồng nghệ thuật được thành lập gồm 13 người trong đó có các nhà điêu khắc, sử học, các vị đứng đầu cơ quan có trách nhiệm. Sau khi được lựa chọn, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã tiến hành làm phác thảo mới cho phù hợp với việc đặt tượng đài ngoài trời. Phần tượng đài mới bằng thạch cao, cao 1,2 mét có chỉnh sửa để bảo đảm không gian 3 chiều, vững chắc ngoài trời.

1.-cum-tuong-dai-chien-thang-dien-bien-phu-co-3-chien-si-dung-lung-tua-vao-nhau-be-em-be-dan-toc-thai-tren-tay-cam-mot-bo-hoa-tren-cung-la-la-co-quyet-chien-quyet-thang.png
Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 3 chiến sĩ đứng lưng tựa vào nhau, bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa, trên cùng là lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng

Hội đồng thẩm định đã vào miền Nam, tới tận xưởng của nhà điêu khắc Nguyễn Hải ở Bình Dương để thẩm định. Điều mà Hội đồng rất cảm động là tác giả Nguyễn Hải đã tặng bức tượng này cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lai Châu. Đặc biệt tác giả đã trao quyền cho Hội đồng thẩm định và nhân dân tỉnh Lai Châu quyết định việc sửa đổi tác phẩm cho phù hợp với thực tế mà không cần phải xin ý kiến tác giả.

Tại Bảo tàng Không quân Hà Nội, các nhà điêu khắc Công ty Mỹ thuật Trung ương đã tiến hành phóng to tác phẩm. Ngày 2 tháng 8 năm 2003, Hội đồng thẩm định nghệ thuật đã tiến hành họp cùng Công ty Mỹ thuật Trung ương tại Bảo tàng Không quân Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến dự và rất hài lòng về bức tượng mang tính hiện đại và thể hiện được tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng có đóng góp chỉnh sửa một số chi tiết: Lá cờ phải có chữ Quyết chiến Quyết thắng, anh Bộ đội Cụ Hồ phải thể hiện đúng quân tư trang của bộ đội lúc đó: Mũ nan lưới, áo trấn thủ, giầy ba ta…Em bé người dân tộc Thái phải thể hiện tươi trẻ có sức sống, góc độ cầm súng của anh bộ đội và khẩu súng ấy phải đúng loại súng thời chống Pháp…

Nhà điêu khắc Nguyễn Hải

Tôi đã tìm gặp nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Ông sống trong một căn nhà khiêm nhường ở 286/4 Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh. Trong nhà ông, tôi thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc khác nhau. Ông đã kể cho tôi bước đường trở thành nhà điêu khắc như thế nào.

Ông Nguyễn Hải sinh năm 1933, bên con sông Cái Bè thơ mộng, ở làng Hậu Thành, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Lúc nhỏ ông học trường làng, đã thể hiện năng khiếu hội hoạ như các bác, các chú. Cách mạng bùng lên, ông tham gia du kích năm 1946 và năm 1947 ông được người chú ruột dẫn ra bưng biền tham gia vào đại đội 715 thuộc khu 8. Do có năng khiếu vẽ, nên ông được trên cho về phòng chính trị khu 8 đi học khắc gỗ để in báo. Năm 1949 ông được về Tiểu đoàn 307 làm tờ báo tiểu đoàn. Đây là tiểu đoàn rất nổi tiếng đánh giặc giỏi ở Nam Bộ mà nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí ở Phòng Chính trị Khu 8 đã có bài hát “Tiểu đoàn 307” đi vào sử sách.

2.-nha-dieu-khac-nguyen-hai.png
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải

Từ đó, ông vừa là người chiến sĩ cầm súng đánh giặc vừa cầm bút vẽ để phản ánh cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Trong một trận đánh của Tiểu đoàn 307 ở Đồng Tháp Mười, giặc Pháp cho máy bay đến bỏ bom, trúng gần nơi ông đóng quân. Ông bị sức ép của bom hất lên rơi xuống đất. Từ đó trở đi, nhịp tim của ông bị rối loạn. Năm 1954, ông cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Năm 1956 ông được trên cho đi học trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam khoá hai năm. Sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục học khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội khoá I (1958-1963). Ra trường ông làm giảng viên điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, góp phần đào tạo nhiều sinh viên điêu khắc của nhà trường mà sau này họ trở thành những nhà điêu khắc có tên tuổi như: Tạ Quang Bạo, Hứa Tử Hoài, Duy Độ…

Trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, ông đã cùng học trò trường Mỹ thuật Công nghiệp xây dựng tượng đài Chiến thắng Kép và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội xây dựng tượng Chiến thắng Hàm Rồng Nam Ngạn. Đây là hai tác phẩm tượng đài bằng chất liệu bê tông, cốt thép được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc với quy mô lớn.

Ngoài những tác phẩm tượng đài, nhà điêu khắc Nguyễn Hải còn có nhiều tác phẩm điêu khắc mở đầu cho sự cách tân ngôn ngữ điêu khắc Việt Nam. Ngay trong thời gian đi học (1957-1963), ông đã có những tác phẩm được đánh giá cao như tượng Công nhân (1957), Đài Hoà Bình (1962), Cuộc chiến đấu tự vệ, Những người chị người mẹ, Công nhân mỏ… đó là những tác phẩm gắn với công cuộc xây dựng miền Bắc và ước nguyện hoà bình của nhân dân cả nước. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lại có những tác phẩm Anh Trỗi (1972), Chiến thắng mùa xuân, Du kích Đồng Tháp…

Đó là những tác phẩm xuất sắc về kháng chiến và cách mạng mà trong đó ông có nhiều tìm tòi sáng tạo, với một phong cách riêng độc đáo, có ảnh hưởng sâu rộng và mở ra một hướng mới cho ngành điêu khắc. Nhiều tác phẩm của ông đã được trao tặng những giải thưởng xứng đáng hiện lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà điêu khắc Nguyễn Hải trở về miền Nam công tác. Ông đã dành toàn tâm, toàn ý của mình vào xây dựng tượng đài. Các tượng đài của ông cơ bản được xây dựng bằng chất liệu đá và đồng.

Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Tượng Bà mẹ Tổ quốc kích thước cao hơn 10 mét cùng với phù điêu 300 năm TP. Hồ Chí Minh có kích thước hàng trăm mét vuông đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh; tượng đài Thủ Khoa Huân, tượng đài 3 chiến sĩ gang thép, tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đặt tại tỉnh Tiền Giang; tượng đài Công nhân đấu tranh đặt tại TP.Hồ Chí Minh; tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức tỉnh Long An; tượng đài Chiến thắng Phước Thành, tượng đài Chiến thắng Bầu Bàng tỉnh Bình Dương… Để làm hai tượng đài cho tỉnh Bình Dương, gia đình ông phải mua đất làm xưởng tại Bình Dương. Có thể nói nhà điêu khắc Nguyễn Hải là tác giả có tượng đài được xây dựng nhiều nhất ở Việt Nam.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có kích thước: Bệ cao 3,6 mét, thân 12,6 mét, rộng 10 mét, sâu 8 mét. Tượng được đúc bằng đồng, nặng khoảng 200 tấn. Có thể coi tác phẩm này là một tác phẩm tượng đài chất liệu đồng lớn nhất Việt Nam kể từ trước tới nay và chắc chắn nó sẽ là tác phẩm điêu khắc xứng đáng với tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ.

Về Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Nguyễn Hải kể: “Tôi chưa một lần đến Điện Biên Phủ, nhưng khi tập kết ra Bắc, âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ còn ở mọi nơi. Qua sách báo và đặc biệt qua các bài hát của các nhạc sĩ Hoàng Vân, Đỗ Nhuận… tôi đã “ngấm” dần chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, tự nhiên trong tôi một ý thức sáng tác về chiến thắng Điện Biên Phủ trỗi dậy. Tôi lao vào làm việc miệt mài, tác phẩm được bắt đầu làm từ năm 1963 và cuối năm 1964 mới làm xong. Tuy nhiên ban đầu chỉ là tượng để trong nhà”.

31chin-1.png
Chiến sĩ phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa. Khi sáng tác, tác giả liên tưởng đến chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Tướng Đờ Cát ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954

Về ý nghĩa nguyên bản của bức tượng, theo giải thích của nhà điêu khắc Nguyễn Hải: “Tượng đài gồm ba chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, một em bé người dân tộc Thái, một lá cờ và một bó hoa. Một chiến sĩ phất cao lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho các đại đoàn quân của ta đánh vào Điện Biên Phủ năm xưa. Khi sáng tác, tôi có nhớ tới hình ảnh anh bộ đội cầm cờ phất trên nóc hầm Đờ Cát. Một chiến sĩ bế em bé người Thái, trên tay em cầm một bó hoa. Khi sáng tác hình tượng này, tôi nghĩ đến những văn nghệ sĩ quân đội đã, đang và sẽ góp sức mình ca ngợi chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử xanh. Em bé người Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ trẻ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc đẹp giầu. Chiến sĩ thứ ba cầm súng như thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác của quân đội trước mọi kẻ thù”.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hải tâm sự rằng, khi nghe tin tác phẩm của mình được chọn để làm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, có lẽ đó là hạnh phúc lớn nhất đời ông. Ông đã huy động cả nhà từ vợ là bà Lê Thị Chinh, nguyên giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, con trai là nhà điêu khắc Nguyễn Hải Nguyễn và con gái là hoạ sĩ Nguyễn Thị Chinh Lê tập trung làm bản phác thảo cho phù hợp với ngôn ngữ tượng đài trên đồi D1.

32chin-1.png
Chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay tượng trưng cho những văn nghệ sĩ Quân đội đã và đang ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách. Hình ảnh em bé dân tộc Thái còn tượng trưng cho s

Bức tượng phác thảo được làm tại xưởng của ông ở Bình Dương, rất xa bệnh viện. Lúc đó sức khoẻ của ông không được tốt lắm, nhất là ông quá tập trung sức lực cho việc sửa phác thảo nên thường xuyên những cơn đau tim về hành hạ ông. Có những đêm nhịp tim lên tới 220, tức ngực, cổ như có ai chẹt vào, mắt muốn lồi ra, không thở được. Ông phải lấy bánh mì nhai nuốt cho qua cơn đau. Gia đình năn nỉ ông tạm dừng công việc về bệnh viện thành phố để điều trị ít bữa. Nhưng ông kiên quyết gạt hết, tự khắc phục những cơn đau để hoàn thành bức tượng phác thảo nhanh nhất.

3.3.-chien-si-thu-ba-trong-cum-tuong-the-hien-tinh-than-luon-luon-canh-giac-va-san-sang-chien-dau-cua-bo-doi-viet-nam.png
Chiến sĩ thứ ba trong cụm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam

Với niềm hạnh phúc vô bờ bến khi tác phẩm của mình vinh dự được chọn làm tượng đài chiến thắng, ông đã bàn bạc với gia đình và quyết định tặng mẫu tượng đài cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu như một cách thể hiện tấm lòng của người con Nam Bộ với đồng bào miền Bắc đã nuôi sống và cho ông trưởng thành trong những năm ông công tác ở miền Bắc.

-------

1. Năm 2002, địa bàn chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa vẫn thuộc tỉnh Lai Châu, đến năm 2004 thành lập tỉnh Điện Biên và tách một số huyện của Lai Châu cho Điện Biên.

2. Nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã đi xa vào ngày 29/11/2012 sau một cơn đau đột ngột

Đại tá Đoàn Hoài Trung