Xã hội

Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ

Nguyễn Nga 03/05/2024 - 17:37

(TN&MT) - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sơn La là địa phương giữ vị trí cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, hậu phương trực tiếp của mặt trận. Với vị trí chiến lược đó, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước thi đua đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho mặt trận Điện Biên Phủ".

Hậu phương vững chắc

Năm 1952, sau chiến thắng Tây Bắc, Tỉnh ủy Sơn La đã ra chỉ thị triển khai “những nhiệm vụ cần kíp củng cố vùng giải phóng", tập trung củng cố chính quyền các cấp, thực hiện các chính sách của Chính phủ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tổ chức bao vây đánh chặn địch ở cứ điểm Nà Sản hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, tiến hành chiến dịch diệt phỉ, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc.

1(2).jpg
Thành phố Sơn La tặng quà tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 8/1953, sau thất bại tại Thượng Lào, quân Pháp bị bao vây buộc phải rút khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản, Sơn La được hoàn toàn giải phóng. Bắt đầu từ đây, Sơn La trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Công cuộc chuẩn bị được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ chỉ đạo ráo riết, khẩn trương. Một khí thế thi đua, yêu nước hào hùng được phát động khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.

Ông Lò Minh Hiến, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh cho biết: Sơn La lúc bấy giờ thuộc khu Tây Bắc, là tỉnh tiếp giáp với mặt trận Điện Biên Phủ, được xác định là hậu phương trực tiếp, vừa là tiền phương từ hướng Nam của mặt trận Điện Biên Phủ.

Mặc dù mới được giải phóng, còn nhiều khó khăn về đời sống, trị an, xã hội, hệ thống chính quyền cách mạng ở cơ sở mới được củng cố nhưng Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã khẩn trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân các dân tộc đẩy mạnh khôi phục kinh tế, trọng tâm là tăng gia sản xuất, tiến hành cứu đói, khai hoang phục hóa, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Chính quyền và đoàn thể quần chúng nhân dân nhằm bồi dưỡng sức dân, tăng cường tiềm lực tại chỗ, khai thác triệt để khả năng đóng góp cho tiền tuyến.

2(1).jpg
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyển trao quà của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho CCB Nguyễn Quốc Toản, tổ 9, phường Quyết Thắng.

Ông Nguyễn Duy Lương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La thông tin: Có con đường huyết mạch nối liền đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu Ba, Khu Bốn với chiến trường Điện Biên Phủ…, yêu cầu nhiệm vụ chính trị phục vụ chiến dịch đặt ra cho tỉnh Sơn La rất khẩn trương, quyết liệt, trọng tâm như nhiệm vụ góp phần đảm bảo giao thông tuyến đường 13 đến Ngã ba Cò Nòi và đường 41 (nay là Quốc lộ 6) từ Suối Rút đến đèo Pha Đin; bảo vệ các tổng kho tiền phương, bến Phà Tạ Khoa, huy động lương thực, thực phẩm; giữ vững an ninh trật tự địa bàn…

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt và anh dũng, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp của chiến dịch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Về lương thực, thực phẩm, Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 52 tấn), thịt các loại trên 144 tấn (vượt chỉ tiêu 84 tấn); rau các loại 140 tấn. Riêng huyện Thuận Châu, huyện tiếp giáp với mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bào đã huy động được 950 tấn gạo, 61 tấn thịt, 37 tấn rau các loại.

Cùng với đó, nhân dân các dân tộc Sơn La phấn khởi tham gia 21.687 lượt dân công; 2.434.000 ngày công đóng góp cho chiến dịch để làm đường, đảm bảo vận chuyển. Về phương tiện vận chuyển có 83 thuyền, 872 ngựa thồ; đồng thời, cùng với dân công các tỉnh vận chuyển đạt 4.450.000 tấn hàng hóa ra mặt trận.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước đã tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý, có 20 tập thể, 6 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nỗ lực phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 7 di tích nằm trong hệ thống các di tích trên tuyến đường vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bao gồm 4 di tích quốc gia là: Đèo Chẹn, Ngã ba Cò Nòi, Tập đoàn cứ điểm Nà Sản và Đèo Pha Đin; 2 di tích cấp tỉnh là: Đèo Lũng Lô và Khu rừng bản Nhọt (rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp); 1 di tích nằm trong danh mục di tích lịch sử - văn hóa dự kiến xếp hạng là: Bến phà Tạ Khoa.

1(1).jpg
Ngã ba Cò Nòi - được ví như "yết hầu" trên tuyến lửa.

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh về hướng dẫn các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; chỉ đạo việc lập, thẩm định hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích.

Sở đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với các địa phương lập hồ sơ khoa học các di tích trình xếp hạng, trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương có di tích.

Hiện nay, 4 di tích đã thành lập Ban Quản lý, được các cấp quan tâm đầu tư tu bổ tôn tạo, và phát huy tốt giá trị đó là: Khu rừng Bản Nhọt, Ngã ba Cò Nòi, Đèo Chẹn và Đèo Pha đin.

3 di tích đang được xây dựng quy hoạch, định hướng đầu tư trong thời gian tới là: Đèo Lũng Lô, Bến phà Tạ Khoa và Tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Hàng năm, tại các di tích Ngã ba Cò Nòi, Đèo Pha Đin; Khu rừng bản Nhọt (rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp)… đã phục vụ hàng trăm ngàn lượt du khách tham quan.

Ngã ba Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, giao điểm nối giữa đường 13 (quốc lộ 37) với đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay), cách thành phố Sơn La khoảng 45km về phía Nam. Đây là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa. Tất cả mọi hoạt động chi viện của quân và dân ta từ hậu phương cho chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua cửa ải này.

Những ngày này, cùng cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các đoàn khách du lịch cả trong nước và quốc tế mỗi khi dừng chân thăm khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đều kính cẩn nghiêng mình trước Tượng đài Thanh niên xung phong, trước anh linh của hơn 100 thanh niên xung phong và nhiều người dân địa phương đã hy sinh anh dũng tại ngã ba chiến lược này.

untitled(1).jpg
Huyện Thuận Châu vừa khánh thành công trình Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin giai đoạn 1.

Cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin là “tọa độ” giao thông trọng yếu nhất mà lực lượng không quân Pháp liên tục bắn phá, nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Ngày 26/4, huyện Thuận Châu đã long trọng khánh thành công trình Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin giai đoạn 1, đưa nơi đây thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, ghi nhớ công ơn đối với sự hy sinh anh dũng của các Liệt sỹ thanh niên xung phong, những người đã ngã xuống vì nền độc lập - tự do của đất nước, của dân tộc.

Tại Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp” do Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Sơn La trong việc huy động nhân, tài, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

untitled(2).jpg
Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp".

Cùng với đó, các chuyên gia đã đánh giá thực trạng phát huy giá trị các di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh, từ đó, đề xuất ý tưởng quy hoạch quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ ở Sơn La, xây dựng thành các điểm, khu du lịch có tính định hướng mang tầm quốc gia, cấp tỉnh để các cơ quan quản lý và các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân cùng quan tâm tôn tạo, bảo vệ.

Các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu xây dựng các đề án, dự án khoanh vùng cắm mốc để bảo vệ các di tích, triển khai trùng tu, tôn tạo cấp thiết đối với các di tích; Tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đúc kết các vấn đề, bổ sung các sự kiện, câu chuyện lịch sử liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần cách mạng đến các tầng lớp nhân dân.

Một việc nên làm là phát động, xây dựng một chương trình, sự kiện hoặc lễ hội văn hóa định kỳ hàng năm ở Sơn La gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Qua đó, nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, tạo sức hút, quan tâm của dư luận và công chúng đối với các di tích lịch sử liên quan trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Nga