Biến đổi khí hậu

Nông dân châu Phi tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo TTXVN 02/05/2024 - 20:00

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, từ các phương pháp phân bón cổ xưa ở Zimbabwe đến công nghệ nhà kính mới ở Somalia, nông dân trên khắp lục địa châu Phi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đang học hỏi những kinh nghiệm của ông cha, đồng thời cũng tìm tòi, áp dụng những công nghệ mới để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Cánh đồng ngô khô héo do hạn hán tại làng Kanyemba ở Rushinga, Zimbabwe, ngày 3/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Phi, với dân số trẻ nhất thế giới, đang phải đối mặt với những tác động tồi tệ nhất của Trái Đất đang nóng lên dù khu vực này không tạo ra lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất. Người nông dân trên lục địa vẫn hằng ngày chăm chỉ cố gắng đảm bảo đủ lương thực cho dân số đang bùng nổ.

Một số chuyên gia cho rằng với hơn 60% diện tích đất hoang hóa trên thế giới, châu Phi có thể tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, theo báo cáo năm ngoái của Liên minh châu Phi và các cơ quan của Liên hợp quốc, 3 trong số 4 người trên khắp lục địa không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Các lý do bao gồm xung đột và thiếu đầu tư.

Tại Zimbabwe, nơi hiện tượng El Nino khiến hạn hán trở nên trầm trọng hơn, nhiều người nông dân đã mất hy vọng thu hoạch được bất cứ thứ gì từ cánh đồng và hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói. Nhưng bằng phân hữu cơ và phân bón tự chế, họ vẫn phát triển được các mảnh vườn nhỏ, cung cấp rau xanh hằng ngày. Ông Tsuma, 65 tuổi, cho biết: “Đây là cách mà cha ông chúng tôi đã từng sử dụng để nuôi sống bản thân trước khi xuất hiện các loại hóa chất và phân bón vô cơ”.

Ông sử dụng phân gia súc, cỏ, tàn dư thực vật, xác động vật nhỏ, lá và vỏ cây, thức ăn thừa và các vật liệu có thể phân hủy sinh học khác như giấy. Ngay cả xương của các loài động vật đang chết ngày càng nhiều do hạn hán cũng bị đốt trước khi nghiền thành tro để lấy canxi.

Phó giáo sư Wonder Ngezimana thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Marondera của Zimbabwe, cho biết biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm phần lớn vấn đề tồn tại lâu dài của khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi về độ phì nhiêu của đất. Ông Ngezimana cho biết sự kết hợp này buộc mọi người phải xem xét lại cách mọi thứ đã được thực hiện trong quá khứ như tái chế chất dinh dưỡng, đồng thời kết hợp chúng với các phương pháp hiện đại. Ông Ngezimana cho biết, ngoài việc giàu nitơ, phân hữu cơ giúp tăng lượng carbon của đất và khả năng giữ ẩm. Ngay cả khi người nông dân bón phân tổng hợp vào đất, họ vẫn có thể phải gánh chịu hậu quả do độ ẩm kém trong thời gian hạn hán.

Các loại cây kê, lúa miến và cây họ đậu chịu hạn, những loại cây chủ lực cho đến đầu thế kỷ 20 khi chúng bị ngô trắng ngoại nhập thay thế, đã chiếm nhiều diện tích đất hơn trong những năm gần đây. Lá của các loại cây chịu hạn từng là món ăn thông thường trước khi bị loại bỏ vì cỏ dại đang quay trở lại bàn ăn. Chúng thậm chí còn xuất hiện trên các kệ siêu thị cao cấp và được phục vụ tại các nhà hàng sang trọng, cũng như kê và lúa miến. Ông Ngezimana cho biết điều này có thể tạo ra thị trường cho cây trồng thậm chí sau những năm hạn hán.

Trong khi đó, tại Somalia, nơi thường xuyên xảy ra xung đột, trông cây trái và rau xanh trong nhà kính đang giúp thay đổi lối sống của một số người. Khách hàng thành thị hiện được đảm bảo nguồn cung quanh năm, với hơn 250 nhà kính rải rác khắp Mogadishu và vùng ngoại ô sản xuất trái cây và rau quả. Đó là bước nhảy vọt lớn. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Somalia, Mohamed Barre, cho biết trước đây, ngay cả các loại rau cơ bản như dưa chuột và cà chua cũng phải nhập khẩu, gây ra các vấn đề về hậu cần và tăng thêm chi phí.

Các nhà kính cũng tạo việc làm ở đất nước có khoảng 75% dân số là những người dưới 30 tuổi, nhiều người trong số họ thất nghiệp.

Trong khi đó, một số người chăn thả mục vụ đang buộc phải thay đổi cách làm truyền thống của họ sau khi chứng kiến hàng nghìn gia súc chết. Ông Mohamed Okash, Giám đốc Viện Khí hậu và Môi trường tại Đại học SIMAD ở Mogadishu, cho biết việc chuyển sang canh tác trong nhà kính mang lại cho những người chăn nuôi một lựa chọn sinh kế bền vững và linh hoạt hơn. Ông kêu gọi đầu tư lớn hơn vào canh tác thông minh để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực.

Tại nước láng giềng Kenya, một giống đậu mới thích ứng với khí hậu đang mang lại hy vọng cho nông dân ở khu vực có lượng mưa giảm trong 6 mùa mưa liên tiếp. Giống đậu mới, được gọi là "Nyota" hay "ngôi sao" trong tiếng Swahili, là kết quả quá trình hợp tác giữa các nhà khoa học từ Tổ chức Nghiên cứu Chăn nuôi và Nông nghiệp Kenya (KALRO), Liên minh Đa dạng Sinh học quốc tế và tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế. Giống đậu mới được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu đa dạng của Kenya. Trọng tâm là đảm bảo hạn hán không giết chết mầm trước thời gian phát triển. Giống đậu này mới không chỉ đem lại sản lượng và lợi nhuận cao cho người nông dân, mà còn được khách hàng đặc biệt đánh giá cao về chất lượng.

Theo TTXVN