Xã hội

Thanh Hóa: HTX miền núi phát triển sản phẩm OCOP từ nguồn vốn chính sách

Thanh Tâm 02/05/2024 - 18:38

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) là động lực cho nhiều doanh nghiệp, HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân các huyện miền núi.


Chỉ tính riêng trong năm 2023, các phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã cho vay 213 khách hàng, doanh số cho vay đạt 18,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã góp phần phát triển được 113 sản phẩm OCOP mang thương hiệu của địa phương.

Tính đến đầu tháng 3/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, với 252 nghìn khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách luôn gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.

Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch, phối hợp rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, ưu tiên các nguồn vốn từ chương trình hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm… để cho các chủ thể vay để xây dựng, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Thanh cho hay: "Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện cấp kinh phí uỷ thác địa phương năm 2024, là 1 tỷ đồng để cho vay, chủ yếu tập trung vào cơ sở sản xuất kinh doanh, mô hình OCOP trên địa bàn, vừa qua, Ngân hàng đã giải ngân cho 10 hộ vay, bước đầu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các cơ sở, góp phần mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư sản phẩm”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách chính là động lực thúc đẩy để xây dựng các sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi. Từ đó giúp quảng bá sản phẩm, nông sản xứ Thanh tới với người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

anh-1(5).jpg
Nguồn vốn chính sách là "bệ đỡ" để các HTX miền núi xây dựng sản phẩm OCOP

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 hợp tác xã tham gia phát triển được gần 100 sản phẩm OCOP, chiếm 32% số lượng chủ thể tham gia chương trình. Để đạt được kết quả này, các cấp chính quyền địa phương đã chú trọng khuyến khích các hợp tác xã phát triển sản xuất, xây dựng được sản phẩm chủ lực làm cơ sở đăng ký phát triển theo chu trình OCOP.

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) cho biết: Việc đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng phải gắn với đầu tư để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX xác định đây là hai sản phẩm chiến lược để phát triển của HTX, đáp ứng những tiêu chí khắt khe của các thị trường mới. Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước”.

Bình Sơn là một xã miền núi khó khăn nhất huyện Triệu Sơn, nhưng giờ đây, xã Bình Sơn đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như chè khô, trà xanh túi lọc, cà gai leo và mật ong. Hiện cây chè đang là cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trở lên. Bám sát mục tiêu này, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang tiếp tục phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, rà soát các hộ vừa đủ điều kiện vay vốn ưu đãi vừa có mô hình phát triển sản phẩm OCOP để ưu tiên cho vay. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì sẽ được hỗ trợ kinh phí là 75 triệu đồng. Đây là số kinh phí để giúp các chủ thể hoàn thiện các công tác như: Nhãn mác, bao bì, tem, video quảng cáo…

anh-2(4).jpg
Xây dựng sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo ở các huyện miền núi

Bên cạnh đó, trong năm 5 qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng gần 10 nghìn lượt lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất; hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện tổ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cùng với việc phát huy tính năng động, sáng tạo của các chủ thể, HTX, cấp ủy chính, quyền địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình OCOP bằng hành động, việc làm cụ thể, nhất là việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung cho phát triển sản phẩm OCOP và tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia chu trình OCOP.

Thanh Tâm