Môi trường

Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước từ việc nuôi cá lồng

Văn Dinh 02/05/2024 - 14:12

(TN&MT) - Suốt thời gian dài, người dân ở thôn Hòa Đức (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) “mưu sinh” bằng nghề nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu, tuy nhiên giờ đây lại nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương. Điều này nảy sinh nhiều hệ lụy, nhất là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại sông Ô Lâu đoạn chảy qua thôn Hòa Đức (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) đang có hàng chục lồng nuôi cá của người dân địa phương; chủ yếu là các lồng cá chình, cá trê, cá trắm cỏ.

ca-1.jpg
Các lồng cá trên sông Ô Lâu đoạn qua thôn Hòa Đức. Ảnh: Văn Dinh

Anh Võ Văn Tân (34 tuổi) chia sẻ, gia đình anh đã nuôi cá lồng hơn 10 năm qua, hiện đang có 3 lồng cá chình và 2 lồng cá trắm cỏ, mỗi chu kỳ khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch.

“Đây là nghề chính và duy nhất của nhà tôi, cũng vay mượn vốn nhiều nơi mặc dù sản lượng cá bán ra ngày càng thấp. Đa số người dân đều ở sát bờ sông Ô Lâu, đất đai không có, hay ngập lụt nên ai cũng phải tìm cách duy trì nghề...”, anh Tân nói.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc nuôi cá lồng ở thôn Hòa Đức đang nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương.

ca-2.jpg
Nuôi cá lồng là nguồn thu nhập chính của bà con. Ảnh: Văn Dinh

Theo ông Cao Huy Tường Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), Nhà máy nước Hòa Bình Chương với công suất 2.000 m3/ngày đêm đã và đang cung cấp nước sạch, đảm bảo an toàn cho hơn 30.000 người dân ở khu vực xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và các xã vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền), tỷ lệ cấp nước đạt 98 %. Để đảm bảo nguồn nước thô phục vụ sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân ở khu vực này, HueWACO đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho công trình Nhà máy nước Hòa Bình Chương sử dụng nguồn nước sông Ô Lâu. Công ty đã tiến hành cắm mốc phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Ô Lâu tại vị trí cách điểm thu nước của Nhà máy Hòa Bình Chương 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh, tình hình biến đổi khí hậu và tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước thô ngày một diễn biến cực đoan, phức tạp thì việc cấp nước an toàn, bền vững, đảm bảo an ninh nước sạch cho người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của HueWACO.

“Tuy nhiên hiện nay, phía thượng lưu điểm lấy nước của Nhà máy Hòa Bình Chương (từ 25 m đến 200 m) có hàng chục lồng nuôi cá lớn nhỏ nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thức ăn thừa và các chất thải khác từ hoạt động nuôi cá gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, làm giảm công suất xử lý của nhà máy, suy giảm áp lực trên mạng tại địa phương. Do vậy, vừa qua HueWACO đã đề nghị UBND huyện Phong Điền tuyên truyền, yêu cầu các chủ lồng cá di dời các lồng cá ra khỏi phạm vi vùng bảo vệ khu vực nguồn nước của Nhà máy nước sạch Hòa Bình Chương để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân trên địa bàn”, ông Minh nói.

ca-3.jpg
Giờ đây, việc nuôi cá lồng của người dân thôn Hòa Đức lại nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương. Ảnh: Văn Dinh

UBND xã Phong Hòa thông tin, tổng số hộ, số lồng nuôi tại khu vực thôn Hòa Đức có liên quan đến việc di dời ra khỏi phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương hiện tại là 18 hộ/49 lồng (trong đó 32 lồng cá chình, 5 lồng cá trê, 10 lồng cá trắm cỏ, 2 lồng cá leo). Nghề nuôi cá lồng tại thôn Hòa Đức đã được hình thành và phát triển từ lâu (trước khi có Nhà máy nước Hòa Bình Chương) và đối với các hộ kể trên, nghề nuôi cá lồng hiện nay là nguồn thu nhập chính.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, giữa tháng 3 vừa qua, người dân thôn Hòa Đức và các đơn vị liên quan đã tiến hành họp lấy ý kiến về việc di dời các lồng nuôi cá ra khỏi phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương. Việc di dời các lồng nuôi cá ra khỏi phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy Hòa Bình Chương là việc phải tổ chức thực hiện và để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân trên địa bàn xã Phong Hòa nói riêng và trong khu vực nói chung.

ca-4.jpg
Phương án chuyển đổi nghề đang được tính tới, tuy nhiên đây là vấn đề “nan giải” bởi nuôi cá lồng ở đây ở hình thành từ lâu... Ảnh: Văn Dinh

Tuy nhiên, quá trình để thực hiện nội dung này gặp phải một số khó khăn. Căn cứ theo Quy hoạch sử dụng đất huyện Phong Điền đến năm 2023 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt theo Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 5/5/2023, Quy hoạch phân khu của xã Phong Hòa tại Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 4/3/2024, Quy hoạch chung của huyện Phong Điền tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 thì sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa là quy hoạch đất sông suối, không có đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các vị trí ngoài vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy Hòa Bình Chương trên sông Ô Lâu không đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí khu vực nuôi cá lồng bè theo quy định. Vì vậy việc di dời các lồng cá tại thôn Hòa Đức ra khỏi phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy Hòa Bình Chương là không thực hiện được.

“Chúng tôi đã đề nghị HueWACO quan tâm tạo điều kiện cho các hộ dân nuôi cá lồng hiện nay được phép nuôi số lồng cá tại khu vực ở thôn Hòa Đức đến hết ngày 31/12/2024 để người dân có điều kiện thu hồi vốn và sau đó sẽ ngừng nuôi. UBND huyện sẽ chỉ đạo xã Phong Hòa chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ việc nuôi cá lồng của các hộ dân, không để phát sinh thêm các hộ nuôi, lồng nuôi mới. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc chấm dứt nuôi cá lồng bè tại thôn Hòa Đức trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương sau ngày 31/12/2024; giao phòng LĐTB&XH huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND xã Phong Hòa khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp để phát triển kinh tế ổn định sản xuất cho người dân có liên quan sau khi kết thúc việc nuôi cá lồng tại vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Bình Chương”, ông Đôn cho hay.

Được biết, người dân nuôi cá lồng ở thôn Hòa Đức cũng đã đề nghị cấp trên cho phép nuôi số lồng cá đến hết năm 2024 để thu hoạch, thu hồi vốn đã bỏ ra; đồng thời mong được bố trí kinh phí chuyển đổi nghề cho bà con.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Dinh