Quảng Nam: Hiệu ứng từ kích cầu du lịch xanh
Quảng Nam là địa phương hiếm hoi dành sự đầu tư lớn và bền bỉ với “đường dài” cho phát triển du lịch xanh. Đến nay, nhiều điểm đến du lịch xanh đã hình thành và tạo thành hệ sinh thái rộng lớn.
Hệ sinh thái du lịch xanh
Là một trong những khách sạn đầu tiên đạt chứng nhận tiêu chuẩn xanh theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam, tiếp đến đầu tháng 9/2023 Silk Sense trở thành khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam. Lưu trú tại khách sạn này, du khách không đơn thuần chỉ ở trong căn phòng tiện nghi mà sẽ cùng tham gia vào hoạt động không rác thải nhựa của khách sạn.
Ông Trần Thái Do, Chủ đầu tư Silk Sense cho biết, với định hướng phát triển bền vững, Silk Sense đã theo đuổi “Hành trình bảo vệ môi trường” từ ngày đầu xây dựng cho đến hôm nay, bằng cách sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường như dùng gạch không nung khí chưng áp AAC để xây dựng toàn bộ công trình, hệ thống điều hòa trung tâm biến tần và làm ra nước nóng… đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường và rộng hơn là tầng ozone.
“Hiện tại, chúng tôi đã giảm thiểu được một cách triệt để rác thải nhựa, do đó khu nghỉ dưỡng không còn rác thải nhựa thải ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần. Chúng tôi tin rằng việc thể hiện trách nhiệm xã hội và tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững không chỉ thu hút du khách có trách nhiệm mà còn góp phần tạo nên thương hiệu xanh cho ngành du lịch Việt Nam”, chủ đầu tư Silk Sense chia sẻ.
Sau đại dịch Covid-19, khi giá trị của “sống xanh” trở thành lối sống tích cực được nhiều người coi trọng thì những điểm đến thân thiện với môi trường, ứng xử xanh sẽ là lựa chọn của du khách, nhất là khách quốc tế. “Đón đầu” xu hướng này, từ cuối năm 2021, Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 với một bộ tiêu chí riêng để doanh nghiệp và người dân thực hiện xây dựng sản phẩm xanh, thương hiệu xanh.
Năm 2020, Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” với loạt các hoạt động hướng tới du lịch xanh bền vững. Tiếp tục trong các năm 2023, 2024, Quảng Nam cũng chi hàng tỷ đồng kích cầu du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch Quảng Nam với thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; “Quảng Nam - Miền xanh di sản”… Có thể nói, hiếm có địa phương nào xác định và kiên trì bền bỉ với con đường du lịch xanh như Quảng Nam.
Đến nay, nhiều mô hình du lịch sinh thái đã hình thành tại Quảng Nam như Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (huyện Đông Giang); làng dệt thổ cẩm Zara (huyện Nam Giang); rừng cây di sản Pơmu; rừng Đỗ Quyên và Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (huyện Tây Giang); Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn)…
Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã thay đổi phương pháp quản trị, hướng tới thúc đẩy sự tử tế trong kinh doanh dịch vụ như tuần hoàn rác hữu cơ, sử dụng vật liệu thân thiện, tiết giảm sản phẩm nhựa và một số vật dụng, tổ chức hoạt động trồng trọt và bảo vệ môi trường, giới thiệu trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống - nghề thủ công và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng….
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 20 đơn vị doanh nghiệp du lịch được cấp chứng nhận Du lịch xanh, bao gồm 9 cơ sở lưu trú du lịch; 3 doanh nghiệp lữ hành; 8 điểm tham quan. Ngoài ra, gần 100 đơn vị du lịch cũng đã ký cam kết thực hành, áp dụng bộ tiêu chí Du lịch xanh của tỉnh trong quá trình hoạt động tại đơn vị.
Kiên trì du lịch xanh
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng phát triển du lịch dựa trên giá trị và sự phân bố của các nguồn tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng và nhu cầu của khách du lịch trên 4 không gian chính, trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phát triển du lịch phải luôn gắn với bảo tồn các giá trị di sản, đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Thanh Hồng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa du lịch xanh, Quảng Nam sẽ xác định không gian phát triển các loại hình du lịch cho từng khu vực dựa trên tiềm năng, nhu cầu của thị trường; chú trọng phát triển sản phẩm cho các vùng lõi như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm... theo hướng đa dạng, gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch nhằm nâng cao thu nhập và mức sống.
Riêng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, phát triển du lịch sẽ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, rừng, tạo động lực phát triển nền kinh tế xanh. Trong đó, tập trung kiểm soát lượng khách trên đảo, các dịch vụ du lịch và hoạt động tham quan, trải nghiệm đến kiểm soát rác thải nhựa, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch. Đặc biệt, sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đối với lĩnh vực du lịch theo các trục không gian, vùng và sản phẩm thế mạnh.
Dự kiến năm 2024, Quảng Nam đón 7,6 triệu lượt khách, trong đó 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 3,7 triệu lượt khách nội địa; doanh thu từ du lịch ước đạt 8.500 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024 ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh. Với tiềm năng, lợi thế, đa dạng và phong phú về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, tỉnh Quảng Nam đã xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch thời gian đến.
Để cụ thể hoá các nhiệm vụ hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch Quảng Nam xanh, bền vững, tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025, quyết định ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh... Đây là cơ sở cũng là nền tảng quan trọng để những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh có định hướng, mục tiêu và định hình sản phẩm du lịch xanh trong thời gian đến. Nhiều sản phẩm du lịch xanh được xây dựng, đưa vào phục vụ khách và đã được du khách đón nhận.
“UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành du lịch phối hợp với các ngành, địa phương để rà soát bổ sung quy hoạch các khu vực mặt biển có thể phát triển các sản phẩm du lịch thể thao, du lịch giải trí biển; phát triển một số khu vực kinh tế đêm; quy hoạch sân golf; phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn... để phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều hơn.”- ông Hồ Quang Bửu cho biết.