Thế giới

100% năng lượng tái tạo ở Dominica: Câu trả lời có thể nằm dưới lòng đất

Mai Đan 01/05/2024 - 13:33

(TN&MT) - Một số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng các quốc gia đang trên đường sản xuất toàn bộ điện năng từ các nguồn tái tạo. Dominica nằm ở phía Đông Caribe đang có kế hoạch tham gia cùng những quốc gia tiên phong này và trở thành quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đầu tiên ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng.

Kế hoạch Dominica hướng tới là năng lượng địa nhiệt và đây là năng lượng triển vọng tuyệt vời cho đất nước này. Địa nhiệt không gặp phải các vấn đề mang tính ngắt quãng, gián đoạn như năng lượng gió và mặt trời - nói cách khác, nó cung cấp năng lượng ổn định cả ngày lẫn đêm - và không chiếm bất kỳ diện tích bề mặt nào, giữ cho Thung lũng Roseau ở trạng thái nguyên sơ.

image1170x530cropped-6-.jpg
Đường ống năng lượng địa nhiệt của Dominica, Thung lũng Roseau. Ảnh: UNDP

Hầu hết các SIDS đều phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để sản xuất và phân phối điện, gây áp lực lớn lên tài nguyên và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của họ khi khiến họ phải đối mặt với những biến động thất thường của thị trường nhiên liệu quốc tế.

Tuy nhiên, Dominica có một nguồn năng lượng sạch lớn nằm bên dưới Thung lũng Roseau - một địa điểm du lịch nổi tiếng cách thủ đô Roseau một quãng đường lái xe ngắn. Đây là nguồn năng lượng sạch, hoàn toàn có thể tái tạo và có thể cung cấp nhiều năng lượng.

Dự án áp suất cao

Các đường ống được khoan sâu dưới lòng đất cho đến khi chạm tới “hồ chứa địa nhiệt”, nơi tích tụ nước được làm nóng bởi nhiệt độ dưới lòng đất của Trái đất lên khoảng 250 độ C. Vì Dominica nằm trên đỉnh núi lửa nên nhiệt độ này tương đối gần bề mặt. Khi các đường ống đến hồ chứa, áp suất cao sẽ đẩy nó lên bề mặt, nơi nó được chuyển thành hơi nước để chạy các tua-bin sản xuất điện.

Ông Fred John, người đứng đầu Tập đoàn Phát triển Địa nhiệt Dominica dưới sự quản lý của chính phủ cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một hồ chứa địa nhiệt tuyệt vời ở Thung lũng Roseau, cách đó khoảng một nghìn mét. Chúng tôi đã xây dựng 2 giếng - 1 giếng để đưa nước nóng lên và 1 giếng khác để đưa nước trở lại hồ chứa - vì vậy đây là một hệ thống khép kín. Chúng tôi đã lựa chọn công nghệ thân thiện với môi trường nhất và tốt nhất trong phân khúc”.

Chính phủ Dominica đã nhận được thuyết phục trong nhiều thập kỷ rằng địa nhiệt có thể mang lại sự thay đổi cho sinh kế, cắt giảm chi phí điện ở một quốc gia hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn điện diesel nhập khẩu đắt đỏ và được bổ sung bằng thủy điện, một lượng nhỏ năng lượng gió và mặt trời.

Sự chuyển đổi diễn ra trong nhiều thập kỷ

Ông Vince Henderson, Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương, Thương mại và Năng lượng Cộng đồng Thịnh vượng Dominica cho biết: “Dominica đã theo đuổi nguồn năng lượng này từ năm 1969. Các nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đã xác định rằng Dominica có tiềm năng cung cấp năng lượng cho hòn đảo. Chúng tôi đã có tham vọng hiện thực hóa tiềm năng đó kể từ năm 1974, khi chúng tôi thành lập Tập đoàn Phát triển Địa nhiệt”.

Chính phủ phải mất gần 4 thập kỷ để đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết cho việc khoan các giếng thử nghiệm, điều này khẳng định rằng địa nhiệt sẽ có hiệu quả về mặt thương mại, cho phép họ bán cho các nước láng giềng Martinique và Guadeloupe.

“Việc phát triển năng lượng địa nhiệt rất tốn kém, đặc biệt đối với các quốc đảo xa xôi. Dominica rất may mắn vì đã nhận được cả các khoản tài trợ và khoản vay ưu đãi để đạt được vị trí như hiện nay”, ông Henderson cho biết, đồng thời chỉ ra khoản tài trợ đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Ngân hàng Phát triển Caribe, Ngân hàng Phát triển Mỹ và Ngân hàng Thế giới cũng như chính phủ New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần có một số khoản đầu tư trả trước dưới hình thức tài trợ.

image1170x530cropped-7-.jpg
Khu vực nhà máy năng lượng địa nhiệt ở Dominica. Ảnh: UNDP

Chính phủ Dominica tin tưởng rằng năng lượng địa nhiệt từ nhà máy có thể cung cấp năng lượng cho hòn đảo trong vòng 2 năm tới, một khoảng thời gian ngắn để chờ đợi trong bối cảnh quốc gia này phải đấu tranh hàng thập kỷ để khởi công dự án.

Người đứng đầu Tập đoàn Phát triển Địa nhiệt Dominica nhận định: “Điều này mang lại cho đất nước một cơ hội thực sự để tự chuyển đổi về mặt kinh tế. Bước đầu tiên sẽ là cung cấp điện với giá rẻ hơn cho mọi người, tạo ra sự khác biệt lớn. Tiếp đó, Tập đoàn sẽ bán điện, mang lại doanh thu cho Dominica, từ đó thúc đẩy nền kinh tế hòn đảo phát triển”.

Mai Đan