Thế giới

El Nino gây ra thời tiết khắc nghiệt: Liên hợp quốc kêu gọi hành động nhanh chóng

Mai Đan 30/04/2024 - 11:51

(TN&MT) - Các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc vừa kêu gọi hành động nhanh chóng để chống lại hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino hiện đang tàn phá miền Nam châu Phi và các khu vực khác với các trận lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên.

Hiện tượng El Nino hiện tại khiến nhiệt độ đại dương tăng lên và tác động của nó đã tàn phá ngành nông nghiệp ở miền Nam châu Phi, gây ảnh hưởng và thiệt hại mùa màng và giá hàng hóa tăng cao. Đồng thời, lũ lụt ở Kenya đã ảnh hưởng đến 200.000 người và khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Nỗ lực thích ứng với khí hậu - việc làm “then chốt”

Ở miền Nam châu Phi, hạn hán nghiêm trọng đã khiến nhiều quốc gia phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhớ lại chuyến đi tới vùng này gần đây, bà Reena Ghelani, Điều phối viên Khủng hoảng Khí hậu của Liên hợp quốc về ứng phó với El Nino/La Nina cho biết tháng 2 vừa qua là tháng nóng nhất trong một thế kỷ. Bà nói: “Cần phải hành động ngay bây giờ để hỗ trợ khu vực này. Về lâu dài, hỗ trợ cơ bản cần tập trung vào việc thích ứng với khí hậu”.

Theo bà Ghelani, khoảng 40 đến 50 triệu người hiện đang bị ảnh hưởng ở 16 quốc gia. Trao đổi với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, bà Ghelani cho biết: “Đây là những quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu. Những nỗ lực thích ứng là việc làm “then chốt” vào thời điểm Tổng Thư ký Liên hợp quốc chi 54 triệu USD để “đi trước” tình hình và sẽ sớm công bố thêm nguồn tài trợ”.

Tuy nhiên, bà cảnh báo, cần nhiều hơn thế nữa. Theo bà, một kế hoạch ứng phó tương tự trước đây tiêu tốn tới 3 tỷ USD.

image1170x530cropped-4-.jpg
Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán trên toàn thế giới. Ảnh: WMO

Ngoài ra, các nhà khí tượng học còn chỉ ra rằng có 60 đến 80% khả năng hiện tượng La Nina sẽ diễn ra vào cuối năm nay, mang lại nhiều mưa hơn cho một số vùng và hạn hán cho những khu vực khác.

Tuy vậy, bà Ghelani giải thích, những thay đổi sẽ rất nghiêm trọng và các quốc gia có thể không thể phục hồi và ứng phó với tình hình. Bà dẫn chứng những dự báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn thế giới trong năm tới.

“Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ và hành động nhanh chóng, thế giới sẽ không gặp phải một cuộc khủng hoảng lớn nào nữa. Chúng ta có thể ngăn chặn điều này. Chúng ta biết những gì cần phải làm và chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ nếu có hành động kịp thời”.

Đã đến lúc tăng cường hành động

Bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực cho 72 triệu người ở 18 quốc gia.

Theo bà, những tác động của El Nino này đang ngày càng nghiêm trọng trên khắp thế giới, đồng thời chỉ ra những phát hiện trong Báo cáo Toàn cầu năm 2024 về Khủng hoảng Lương thực được công bố gần đây.

“Đã đến lúc tăng cường nỗ lực chung của chúng ta để đảm bảo rằng những hành động dự báo là cách tiếp cận quan trọng nhất mà chúng ta có thể ưu tiên. Những hành động này nhằm hỗ trợ mọi người ở giai đoạn quan trọng nhất khi một cuộc khủng hoảng như thế này bắt đầu gây thiệt hại”, Phó Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh.

Hành động dự báo sẽ giúp đỡ nông dân để họ có thể bảo vệ cây trồng, đồng ruộng và vật nuôi của mình vì nguồn cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng của họ là cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

image1170x530cropped-5-.jpg
Nạn đói do hạn hán ở Kenya đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe loài bò. Ảnh: UNEP

Về phía mình, FAO đang cung cấp hỗ trợ, từ chuyển tiền mặt để giúp nông dân và ngư dân bảo vệ tài sản của họ trước một cơn bão lớn đến các bộ dụng cụ làm vườn ở sân sau để các gia đình sản xuất lương thực tại nhà.

Bà Beth Bechdol cho biết, trên toàn thế giới đã đạt được những thành tựu trong việc giải quyết các hậu quả do El Nino gây ra, bao gồm cả việc phát triển các loại cây trồng chịu hạn.

Theo bà Bechdol, tại khu vực được gọi là “hành lang khô hạn” của Trung Mỹ, những nỗ lực của FAO bao gồm việc phân phối kịp thời hạt giống cây trồng chịu hạn và chu kỳ ngắn, giúp các gia đình sản xuất rau và tạo ra “tác động đáng kể”.

Bà Bechdol cho biết FAO cũng đang nghiên cứu những chi phí dài hạn đối với ngành nông nghiệp sau những thảm họa lớn.

Mai Đan