Xã hội

Trần Phú - người học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc

Tiến sĩ Đặng Duy Báu 30/04/2024 08:50

(TN&MT) - Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, là người học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối, về sự sáng tạo và cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam…

Trần Phú mồ côi cha mẹ lúc còn nhỏ nên đã sớm có ý thức tự lập. Năm 14 tuổi, anh tốt nghiệp Trường Pháp - Việt Đông Ba, năm 18 tuổi, anh đỗ đầu kỳ thi Thành Chung và được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Thời gian này, Trần Phú đã hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước. Anh là một trong những người thành lập Hội Phục Việt (vào ngày 14/7/1925).

screenshot_1713693533.png

Được tin Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) và thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tháng 6 năm 1925), giữa năm 1926, Trần Phú cùng với Lê Duy Điếm, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Trọng Bình… sang Trung Quốc để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc. Ở Quảng Châu, sau khi gặp Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được chọn vào lớp huấn luyện gồm những thanh niên trí thức yêu nước, những cốt cán của cách mạng Việt Nam do chính Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Ở lớp huấn luyện này, Trần Phú đã tiếp nhận được từ Nguyễn Ái Quốc những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, về tình hình quốc tế, tình hình trong nước, về một đảng cách mạng... Đây là những kiến thức bước đầu giúp Trần Phú mở rộng nhận thức và hiểu biết để hướng tới mục tiêu và con đường làm cách mạng.

Kết thúc lớp huấn luyện, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động. Anh đã tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối cách mạng, giác ngộ vận động được thêm nhiều thanh niên tham gia vào tổ chức Hội. Qua thực tiễn, Trần Phú nhận thấy sự cần thiết sáp nhập Hội Phục Việt với Hội Thanh niên, anh đã sang Quảng Châu để báo cáo và xin chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc về việc này.

Đồng ý với đề xuất của Trần Phú và nhận biết được tư chất của anh, đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã cử Trần Phú sang Liên Xô theo học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản, đồng thời gửi thư giới thiệu Trần Phú làm Bí thư Chi bộ của học viên Việt Nam học ở đó. Tháng 10 năm 1929, tốt nghiệp khóa học, Trần Phú đã về Hồng Kông (Trung Quốc) gặp Nguyễn Ái Quốc để bàn việc phối hợp phương thức hoạt động. Anh đã được Nguyễn Ái Quốc trao đổi kỹ về tình hình cách mạng Đông Dương và những công việc sắp tới của cách mạng Việt Nam, trong đó có việc thành lập Đảng Cộng sản và Cương lĩnh hoạt động của Đảng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (ngày 3/2/1930), Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử về hoạt động trong nước để trải nghiệm thực tiễn và soạn thảo “Luận cương chính trị”. Đầu tháng 7/1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời Bắc Kỳ và được bầu làm Bí thư thay đồng chí Trịnh Đình Cửu. Tại căn buồng nhỏ dưới tầng hầm nhà số 7 phố Giăng Xô-Lê (Jean So Ler) nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm Hà Nội, Trần Phú đã viết bản “Luận cương chính trị”.

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), theo sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ở Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thông qua “Luận cương chính trị” của Đảng do Trần Phú soạn thảo. Văn kiện kế thừa, phát triển và có sự thống nhất cao với “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Hội nghị thành lập Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), theo sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ở Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thông qua “Luận cương chính trị” của Đảng do Trần Phú soạn thảo. Văn kiện kế thừa, phát triển và có sự thống nhất cao với “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Hội nghị thành lập Đảng.

Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về đại đoàn kết dân tộc, về sách lược tập hợp lực lượng không chỉ được Trần Phú đưa vào trong “Luận cương chính trị” mà còn được vận dụng một cách cụ thể trong chỉ đạo thực tiễn. Như ở “Chỉ thị Trung ương gửi Xứ ủy Trung kỳ về vấn đề thanh Đảng” (ngày 20/5/1931) ghi: “Xứ ủy Trung kỳ nhất là đồng chí Bí thư ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ thanh trừ trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, rễ đâu mà trốc…”. Hay trong “Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh” (ngày 18/11/1930) đã ghi rõ: “Tổ chức thành quảng đại quần chúng, tiếp thu các tầng lớp trí thức dân tộc… cho tới cả những người địa chủ có đầu óc căm ghét đế quốc Pháp, đưa tất cả các tầng lớp và cá nhân đó vào hàng ngũ chống đế quốc Pháp”... Vào thời điểm đó, chỉ có người học trò trung thành và thông minh nhạy bén với tình hình thực tiễn như Trần Phú mới đủ bản lĩnh tiếp thu và vận dụng những quan điểm về tập hợp lực lượng để làm cách mạng dân tộc ở Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc đến vậy.

Trần Phú làm Tổng Bí thư chưa đầy một năm (từ tháng 10/1930 đến tháng 9/1931), nhưng anh đã vụt sáng lên như một ngôi sao băng bởi tài ba và bản lĩnh của mình, lại được người thầy lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc tin tưởng dìu dắt. Tầm cao của Nguyễn Ái Quốc luôn là đỉnh vươn tới của Trần Phú và người học trò thông minh ấy luôn noi theo, luôn hướng tới để đạt đến sự hài hòa giữa cái chung của phong trào quốc tế cộng sản và cái riêng của cách mạng Việt Nam; giữa đường lối cách mạng dân tộc rất thực tiễn Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc với chủ trương của Quốc tế cộng sản. Để rồi nhờ đó, vào ngày 11/4/1931, Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản mới có quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Chi bộ độc lập thuộc Quốc tế cộng sản.

Tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam là vào lúc cách mạng gặp khó khăn sau phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh thì Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt, bị địch tra tấn dã man và trút hơi thở cuối cùng ở nhà thương Chợ Quán.

Tầm cao của Nguyễn Ái Quốc luôn là đỉnh vươn tới của Trần Phú và người học trò thông minh ấy luôn noi theo, luôn hướng tới để đạt đến sự hài hòa giữa cái chung của phong trào quốc tế cộng sản và cái riêng của cách mạng Việt Nam; giữa đường lối cách mạng dân tộc rất thực tiễn Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc với chủ trương của Quốc tế cộng sản.

Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, là người học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối, về sự sáng tạo và cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam. Lời nhắn gửi bất hủ của anh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã truyền thêm sức mạnh cho lớp lớp thế hệ chiến đấu, hy sinh vượt qua mọi gian khó, thử thách, giành thắng lợi vẻ vang trên con đường cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tiến sĩ Đặng Duy Báu