Xã hội

Nỗi niềm Rào Tre

Đình Tiệp 26/04/2024 - 18:36

Rào Tre – ngôi làng của đồng bào người dân tộc Chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cái tên Rào Tre có thể khiến nhiều người liên tưởng có sự “xộc xệch”, tạm bợ trong đó. Chính vì lẽ đó mà đến nay cả hệ thống chính trị đang rất cố gắng với biết bao điều trăn trở để làm sao đưa bản Rào Tre hòa nhập với thế giới hiện đại, vươn lên thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.

Đến với thế giới văn minh

Sau vài lần liên hệ với ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, cuối cùng Phóng viên cũng đã hẹn được lịch để vào bản Rào Tre thăm bà con đồng bào người dân tộc Chứt. Trong cái nắng oi ả của một ngày cuối tháng 4/2024, phóng viên đã hành trình vượt hơn 120km từ TP Vinh lên với miền biên giới nghèo của huyện Hương Khê này.

anh-2.jpg
Bản Rào Tre của đồng bào người dân tộc Chứt nằm nép mình dưới chân núi Ka Đay.

Trong cái nắng như thiêu đốt, ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ Chính sách xã Hương Liên dẫn đường để đưa chúng tôi đi từng nhà xem cách sống, sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của các hộ dân đồng bào người dân tộc Chứt nơi đây.

Nói về người dân tộc Chứt (hay còn gọi là người Rục, người Sách, người Mã Liềng...) xưa kia họ ở trong hang cùng, núi thẳm. Câu chuyện người Chứt ở Hương Khê bắt đầu được biết đến từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là trong lần đi tuần tra đường biên, cột mốc quốc gia, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện nhóm người lạ sinh sống trong các hang đá vùng núi giáp biên giới. Sau thời gian tìm hiểu tập quán, cách sinh hoạt…Bộ đội Biên phòng biết đây là nhóm người Chứt di cư từ Quảng Bình ra.

anh-3.jpg
Những ngôi nhà kiên cố có giá 120 triệu đồng được nhà nước xây dựng cho người dân tộc Chứt ở Rào Tre.

Sau đó, phải vận động mãi 18 người Chứt đầu tiên này được đưa về định cư ở bản Giàng (xã Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh). Nhưng rồi, người Chứt không quên được chỗ ở cũ, không quên được rừng núi, hang động nên bà con lại kéo nhau trở lại với núi cao, rừng thiêng.

Cuộc sống “lưu động” nay đây mai đó, nhóm người Chứt ở Hà Tĩnh phải đối mặt với bao nhiêu thử thách như đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi… Thậm chí nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu trước mắt. Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương lại một lần nữa tìm cách đưa người Chứt về với thế giới văn minh. Rào Tre, một thung lũng dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, Hương Khê) được chọn để làm nơi an cư cho người dân tộc Chứt.

anh-4.jpg
Anh Hồ Xuân Nam trên chiếc máy cày nhà nước hỗ trợ cho bản Rào Tre canh tác nông nghiệp.

“Hiện nay, sau hơn 30 năm thì số lượng người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre là 158 nhân khẩu với 45 hộ dân sinh sống. Chính quyền và Bộ đội biên phòng đã rất cố gắng để xây dựng nhà ở kiên cố cho bà con, tạo đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống dù còn đó biết bao điều khó khăn, trăn trở” – Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ Chính sách xã Hương Liên nói với Phóng viên.

Những điều trăn trở

Trở lại với thực tại, chúng tôi vào căn nhà mới được xây dựng theo diện hỗ trợ ảnh hưởng bởi thiên tai khá kiên cố của anh Hồ Xuân Nam (SN 1987). Anh Nam cũng là 1 trong số 6 gia đình không còn thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo ở bản Rào Tre của người Chứt do “biết cách làm ăn”. Rót vội chén nước mời khách, anh Nam bắt đầu kể về gia cảnh của mình: “Mình lớn lên thì đã thấy gia đình ở tại bản Rào Tre, nghĩa là khi đó bố mẹ của mình đã chuyển từ rừng già ra đây dựng nhà, sinh sống với người Kinh rồi. Mình có 4 đứa con và đều đi học cả. Đứa lớn học hết lớp 10 thì cháu nghỉ học để phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng và chăm sóc các em. Các cháu sau đứa học lớp 9, đứa lớp 4 và cháu út đang học lớp 3. Cuộc sống của gia đình cũng chưa được khấm khá cho lắm mới chỉ gọi là đủ ăn”.

anh-1.jpg
Diện tích ruộng lúa nước của bản Rào Tre chỉ 2,5ha.

Cũng theo lời kể của anh Nam, gia đình anh không thuộc diện được chia đất rừng mà chỉ được gần 2 sào ruộng (khoảng 1.000m2). Dù ruộng ít nhưng gia đình anh đã được chính quyền và Bộ đội biên phòng bày cho cách canh tác nên lâu nay gia đình anh vẫn làm được mỗi năm 2 vụ lúa với thu hoạch khoảng 1 tấn lúa cũng tạm gọi là đủ ăn. Ngoài ra, gia đình anh cũng mới được nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống để sinh sản…

Cách nhà anh Nam không xa là nhà chị Hồ Thị Khúc, chị Khúc trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 39 của mình. Căn nhà kiên cố mới được nhà nước hỗ trợ xây dựng với kinh phí 120 triệu đồng nhưng hầu như đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá. Chị Khúc nói tiếng phổ thông cũng chưa thật sự sõi nên trong câu chuyện chúng tôi phải nói thật chậm rãi và nhắc đi nhắc lại nhiều lần mới tìm được câu trả lời chính xác từ người phụ nữ có vẻ ngoài khắc khổ này.

anh-5.jpg
Chị Hồ Thị Khúc không có việc làm đang chăm sóc vườn rau cạnh nhà.

Chị Khúc tâm sự rằng, nhà chị đất rừng thì không có, ruộng cũng không mà chỉ có chút vườn để trồng rau cải thiện. Tôi hỏi sống bằng gì? “Có gì ăn nấy thôi. Gạo thì có nhà nước hỗ trợ, còn cây rau trong vườn thì mình vẫn tăng gia trồng được” – Chị Khúc trả lời. Nói rồi chị cầm cuốc ra vườn chỉ cho tôi nào là khoai lang, rau dền, rau muống, cây chuối và nhiều loại rau khác. Quả thật với một gia đình chỉ có 2 nhân khẩu như chị Khúc thì số rau ấy cũng coi như…đủ dùng.

“Mình thi thoảng có đi làm thuê chặt keo, bóc keo, làm cỏ ngô, cỏ lạc. Tiền công thì mỗi ngày được 100 nghìn đồng để mua thức ăn và lo chi phí sinh hoạt khác. Nói thật chứ cũng không muốn phụ thuộc vào hỗ trợ của nhà nước nhiều mà muốn có việc chi đó làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống nhưng mà mong ước đó chưa thực hiện được” – Chị Khúc, tâm sự.

anh-6.jpg
Gia đình anh Hồ Hà trong căn nhà không có gì đáng giá.

Anh Hải tiếp tục dẫn chúng tôi đến một trong những nhà có hoàn cảnh khó khăn nhất bản Rào Tre. Nhà anh Hồ Hà (SN 1985) nằm nép mình dưới chân núi Ka Đay. Dù đã 14h chiều nhưng khi những vị khách lạ tới thì gia đình anh Hồ Hà mới đang dùng bữa trưa. Bữa trưa trong căn nhà mà nhà nước hỗ trợ xây dựng bằng cột bê tông không có gì nhiều. Chỉ có cơm trắng, ít rau và một tô gì đó nấu giống miến. Gia đình anh Hà có 5 người con và hiện đều đang đi học.

“Nhà thì đông con, may có nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, học tập. Thậm chí các cháu được hỗ trợ gạo, tiền nếu dùng không hết thì cuối tháng còn đưa về nhà để hỗ trợ bố mẹ. Tôi chỉ mong sao các con học hành tử tế để có cái chữ, có kiến thức sau này biết cách làm ăn chứ đừng như bố mẹ bây giờ thì vất vả lắm” – Anh Hà, giãi bày tâm sự.

anh-8.jpg
Diện tích đất sau nhà anh Hồ Hà bỏ hoang, không canh tác vì lý do..."không có vốn mua giống".

Nhìn vào phía sau nhà anh Hà, chúng tôi thấy cây muông, cây sim và cỏ dại mọc um tùm, để 2 héc ta đất hoang hóa rất lãng phí. Hỏi vì sao không canh tác, không trồng cây vào? “Ta cũng muốn trồng lắm, nhưng giờ chưa có vốn để mua giống cây để canh tác” – Anh Hà, cười ngượng ngùng.

Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ Chính sách xã Hương Liên, cho hay: “Ở bản Rào Tre người đồng bào dân tộc Chứt được nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Từ chuyện xây nhà dựng cửa thì đã làm từ đầu, đất ruộng cũng khai hoang được 2,5ha, 34ha đất rừng. Hàng năm, từ các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia thì những hộ dân ở bản Rào Tre còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, bò giống để làm cơ nghiệp. Mới đây, chúng tôi cũng mới hỗ trợ 20 con bò giống cho bà con Rào Tre”.

anh-7.jpg
Người dân bản Rào Tre được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, trong đó có bò giống.

Cũng theo ông Hải, thì hiện nay địa phương có nhiều trăn trở với bà con đồng bào người dân tộc Chứt. Đầu tiên phải kể đến ý thức tự lực, tự lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo thì nhiều hộ gia đình vẫn chưa có, vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước.

Ngoài lo toan về sinh kế còn có mối lo hôn nhân cận huyết và ế vợ của người Chứt ở Rào Tre. Hiện nay, các cháu thanh niên người dân tộc Chứt có 18 người thì chỉ có 3 nữ, số còn lại theo ông Hải nói đùa rằng “chúng tôi đang đau đầu không biết tìm vợ cho mấy đứa ở đâu…”.

anh-9.jpg
Anh Hồ Xuân Nam: Tôi rất trăn trở, mong sao có đất sản xuất, có việc làm và người dân có ý thức làm ăn, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước để sớm thoát nghèo.

“Hiện nay huyện Hương Khê đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng để mở đường sang bên huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, nơi có một cộng đồng người Chứt khác sinh sống. Con dường dài hơn 10km, đủ để thanh niên Rào Tre đi xe máy sang đó… kiếm bạn gái rồi thành vợ thành chồng thì may ra mới cơ bản giải quyết được lo lắng này” – Ông Hải, nói.

Ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên: “Phải khẳng định rằng người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre luôn tin tưởng, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, chăm chỉ làm ăn, không bỏ trốn vào rừng, hạn chế săn bắn muông thú, giảm uống rượu, từng bước đoạn tuyệt các hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, đó là họ mới ban đầu “vượt lên chính mình” chứ cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nhiều thì mới mong thoát nghèo, mới mong thu hẹp khoảng cách với đồng bào người Kinh ở địa phương được”.

Đình Tiệp