Thái Bình đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo sinh kế ổn định cho nông dân
(TN&MT) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững và mang lại cơ hội lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống ổn định cho người dân. Vì vậy, những năm qua, các cấp hội nông dân tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giúp hội viên, nông dân nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Hợp tác xã - “chìa khóa” giúp giảm nghèo bền vững
Tại tỉnh Thái Bình, việc tích cực đào tạo nghề để giải quyết bài toán lao động nông thôn đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò của các Hợp tác xã.
Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi trong cách thức sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây trồng, con giống phù hợp, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Điển hình là Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân ở huyện Kiến Xương. Đây là một trong những Hợp tác xã điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn.
Người lao động của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của Hợp tác xã đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, các Hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, là chìa khóa vàng để người nghèo thoát nghèo bền vững.
Hiện, huyện Kiến Xương đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Tại huyện Vũ Thư, nhiều lao động nơi đây cũng đã đổi đời nhờ được học nghề. Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, hàng năm, Hợp tác xã mây tre đan xuất khẩu Tiến Tới, xã Vũ Vinh đã tích cực phối hợp với huyện, xã tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân trong xã, từ khi thành lập đến nay đã thu hút được hơn 500 người dân tham gia.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn thu hút được nhiều lao động các huyện lân cận. Những người tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan tùy vào tay nghề, số lượng sản phẩm làm được mà có thu nhập ổn định từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của Hợp tác xã đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hợp tác xã không chỉ giúp có việc làm ngay tại địa phương, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế mà còn giúp người dân, thành viên Hợp tác xã không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho hội viên
Theo ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, để làm tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, nông dân, hàng năm, các cấp hội cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho hội viên, góp phần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. Tổ chức hội đã liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.
Đối với các lớp đào tạo nghề tổ chức tại địa phương có nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm cũng như kinh nghiệm sản xuất.
Kết quả trong 5 năm 2018 - 2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 22.900 lượt hội viên tham gia; tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt 60%. Cùng với đó, Hội đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.
Đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, hội nông dân các cấp đã vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân đổi mới tư duy, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.
Hội nông dân các cấp tỉnh Thái Bình cũng tổ chức trên 11.700 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 1 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế tại gia đình. Qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Xã Vân Trường (Tiền Hải) vốn có thế mạnh về sản xuất cây màu với diện tích hàng năm là 252ha. Nhờ làm tốt công tác đào tạo, hướng dẫn nông dân các kỹ thuật trồng, chăm bón, sử dụng các loại thuốc sinh học trong việc trồng màu, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao năng suất.
Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tốt thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Đồng thời, Hội đã đẩy mạnh khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để tư vấn, vận động nông dân học nghề.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức 61 lớp dạy nghề cho trên 2.400 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức 65 lớp tập huấn về bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho trên 2.100 lượt hội viên, nông dân…
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác này, trong đó hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.