Biến đổi khí hậu

Bắc Bộ và Trung Bộ là tâm điểm nắng nóng dịp nghỉ lễ, sang đầu tháng 5 có mưa dông

Khánh Ly 26/04/2024 17:37

(TN&MT) - Trong ngày 26/4, Bắc Bộ và Trung Bộ là tâm điểm nắng nóng, với 8 điểm quan trắc nhiệt độ lúc 13 giờ đạt và vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, dưới tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây, hai khu vực này tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt trên 40 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), số liệu quan trắc hôm nay cho thấy, khu vực Sơn La, Hòa Bình, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 37-40 độ C. Những nơi đạt và vượt 40 độ C bao gồm: Yên Châu (Sơn La); Hương Sơn (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Đồng Hới, Ba Đồn (Quảng Bình); Đông Hà (Quảng Trị); Nam Đông (Thừa Thiên Huế); Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Khu vực Bắc Bộ, từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Mường Lay (Điện Biên), Phố Ràng (Lào Cai), Văn Chấn (Yên Bái), Láng (Hà Nội), Ayunpa (Gia Lai), Châu Đốc (An Giang); độ ẩm phổ biến từ 45-50%.

Ngày 27/4, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ 5 ngày liên tiếp và theo dự báo, đáng lưu ý nhất vẫn là tình trạng nắng nóng.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia), từ nay tới ngày 30/4, Bắc Bộ sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực phía Tây Bắc Bộ từ 36-39 độ, có nơi trên 40 độ; ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao 36-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Khu vực các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa-Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao 35-37 độ, có nơi trên 38 độ.

Mức nhiệt dự báo này là ở trong lều khí tượng, cách mặt đất khoảng 2m. Nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa...

nang-nong_pctt-02.jpg

Dông lốc, mưa đá có thể xuất hiện trở lại

Dự báo trong 1-2 ngày đầu tháng 5 sẽ có một khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống, gây mưa rào và dông ở Bắc Bộ. Trong khi đó, miền Nam gió Tây Nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa dông. Do vậy, các địa phương cần đề phòng với hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo xa hơn, tháng 5 và tháng 6 là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ. Do vậy, các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, giống như đợt mưa các ngày 20 và 24/4 vừa qua.

Thời điểm này, khu vực phía Nam Trung Quốc hình thành một dải mây gây ra thời tiết xấu (thường gọi là mưa mai) và gây ra những trận mưa lớn tại khu vực mà nó ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân động lực, kết hợp với nguyên nhân nhiệt lực là nền nhiệt cao hơn TBNN ở nước ta, kích thích mây đối lưu hoạt động càng mạnh, mưa dông cũng vì thế có cường độ mạnh và gây thiệt hại lớn hơn. Trường hợp dông ngày 24/4 gây mưa đá ở khu vực giữa Hòa Bình và Sơn La là một ví dụ điển hình cho thấy có nhiều khối không khí tranh chấp, khí quyển trở nên bất ổn định. Theo số liệu vệ tinh ước tính nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C, đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội.

anh-1(3).jpg
Người dân ở khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn khắc phục hậu quả sau trận mưa dông . Ảnh: Hoàng Hiền

Lý giải về nguyên nhân mưa dông thường xuất hiện vào chiều tối, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Dự báo viên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do đó là thời điểm không khí bị nung nóng đến độ giãn nở, hình thành áp thấp và kích thích mây đối lưu phát triển. Khác với bão, phạm vi mây dông chỉ khoảng vài km đến vài chục km nên cơ quan dự báo thường phải quan sát qua ảnh vệ tinh và ảnh ra-da thời tiết. Thời gian tồn tại mây dông cũng ngắn (thông thường khoảng 4-6 giờ) nhưng quá trình phát triển thành hiện tượng thời tiết cực đoan rất nhanh, chỉ trong khoảng vài chục phút nên khó dự báo từ xa. Mưa dông xuất hiện nhanh, bất ngờ và gây thiệt hại không nhỏ, có khi nhiều hơn một cơn bão.

Để phòng tránh mưa dông đi kèm với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn. Khi ở ngoài trời, cần lưu ý quan sát các biểu hiện của thời tiết nguy hiểm, ví dụ mây kéo đến, gió thổi mạnh hơn, có hơi lạnh... để chủ động tránh trú.

Thời điểm nghỉ lễ sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra ngoài trời ở khu vực đô thị và leo núi ở khu vực vùng núi. “Một điều mà người làm dự báo thời tiết luôn lưu ý cộng đồng, đó là trong cơn dông, những vùng trống trải hay nơi tụ tập đông người đều rất nguy hiểm. Ví dụ thời điểm xảy ra cơn dông ngày 20/4 ở Hà Nội rơi vào tối thứ 7, có những tụ điểm ca nhạc ngoài trời, các gia đình cũng thường tụ tập cắm trại ở các bãi sông. Gặp trường hợp như vậy, người dân cần chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, không đứng gần những cây cột kim loại hay tránh trú dưới cây to; không đứng tập trung lại một nơi mà phải tản ra.

Sự chủ động của cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại mỗi khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra” – bà Bình nhấn mạnh.

phong-tranh-set.jpg

Khánh Ly