Xã hội

An Giang: Tăng cường vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị

Khánh Ly 26/04/2024 - 15:18

(TN&MT) - Trong thời gian vừa qua, để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) duy trì hoạt động và có những định hướng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng bền vững hơn, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản và các chính sách đặc thù dành cho HTXNN, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương.

Hỗ trợ tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu liên kết

Toàn tỉnh An Giang hiện có 217 hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã (đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Doanh thu bình quân HTXNN là 7.018 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 31,8 triệu đồng/người/năm.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, tỉnh ưu tiên phát triển HTX, THT, mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, lồng ghép phát triển hệ sinh thái HTX nông nghiệp gắn với kế hoạch chuỗi liên kết của từng ngành hàng, bao gồm vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị của doanh nghiệp và HTX, THT. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết trong một số ngành hàng thế mạnh, tiềm năng như lúa gạo, rau màu, chăn nuôi, thủy sản...

anh-2(2).jpg
An Giang xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép huyện Chợ Mới sang thị trường Hàn Quốc

Đến nay, diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp đã đạt khoảng 160.000 ha. Các doanh nghiệp liên kết chủ lực trong và ngoài tỉnh như: Tập đoàn Lộc, Công ty Agimex, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh, SunRic... Qua đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho 20 HTXNN với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng; tổ chức thường xuyên các Hội nghị tuyên truyền về kinh tế tập thể và liên kết sản xuất, với khoảng 700 lượt người tham dự; phát hành 1.000 sổ tay hướng dẫn chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư là 1.517 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 158 ha, trong đó ngân sách tỉnh đã hỗ trợ dự án “Trang trại trồng chuối cấy mô và nuôi heo hậu bị Tri Tôn” với kinh phí 1.204 triệu đồng. Ngoài ra, đã hỗ trợ 7 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh và 9 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các dự án đầu tư và thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với với HTX, THT tại các địa phương.

maysahang2.png
Trình diễn cơ giới hóa khâu gieo sạ và bón phân trong khuôn khổ các hoạt độn triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao tại An Giang

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo sơ cấp Giám đốc HTXNN; tập huấn với chuyên đề cho khoảng 700 lượt người tham dự và hỗ trợ Trường Quản lý Cán bộ NN&PTNT II tập huấn chuyên đề tại tỉnh An Giang. Thực hiện thí điểm mô hình Câu lạc bộ thành viên HTXNN tham gia tổ chức sản xuất và kinh doanh nông sản thông qua hỗ trợ 15 cuộc tọa đàm định kỳ cho các HTX.

Về hỗ trợ nhân sự trẻ có trình độ về làm việc có thời hạn tại các HTXNN, Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách HTXNN được hỗ trợ giai đoạn 2023-2025. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2023 sẽ hỗ trợ 60 nhân sự trẻ cho 60 HTXNN và 20 suất hỗ trợ đào tạo dài hạn cho thành viên, người lao động HTXNN.

Bên cạnh đó, 34 HTX, THT cũng đang nhận hỗ trợ tiếp cận vốn xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như sản xuất lúa tiêu chuẩn SRP; ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ kết hợp công nghệ sinh thái; sản xuất lúa, nếp giống xác nhận có gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; ghi chép nhật ký sản xuất điện tử. 5 HTXNN đã nhận hỗ trợ chuyển đối số, bao gồm các thiết bị máy tính bảng, thiết bị internet để xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp, học tập trực tuyến... Tổ chức 5 lớp tập huấn trực tuyến ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất, kế toán HTX.

Triển khai Đề án lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đầu tư hỗ trợ cho 4 HTXNN: Tây Phú, Vĩnh Bình, Chợ Vàm, Sản xuất và tiêu thụ đường Thốt Nốt Nhơn Hưng với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Nhìn chung thời gian qua, hoạt động hỗ trợ đã phát huy hiệu quả giúp các HTXNN quan tâm mở rộng dịch vụ phục vụ thành viên HTX, tạo động lực thu hút nhiều cá nhân tại địa phương tham gia vào HTX, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và tạo thu nhập ổn định cho thành viên tham gia góp vốn. Nhận thức, tư duy, trình độ của bộ máy quản lý, điều hành của HTX ngày càng được cải thiện, nhiều HTX bắt đầu quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của HTX; sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho thành viên.

Đáng chú ý, tỉnh An Giang đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa với 129 hợp tác xã. Lộ trình đến năm 2025 có ít nhất 100.000ha lúa (tương đương 300.000ha/năm/ba vụ) và sẽ đạt 150.000ha lúa đến năm 2030 (tương đương 450.000ha/năm/ba vụ). Việc tham gia đề án được kỳ vọng sẽ giúp nông dân, HTX tiếp cận với nhiều các giải pháp sản xuất tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo.

anh-4(2).jpg
Tỉnh An Giang có diện tích lúa lớn thứ 2 của cả nước

Theo TS Đào Anh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, Bên cạnh đó, trong Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL thì sản phẩm lúa gạo là một trong những ngành hàng “chủ lực” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, khi NH – HTXNN – DN tham gia liên kết (chuỗi giá trị) sẽ làm gia tăng giá trị, tạo ra sức cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm cho thành viên HTXNN, nông hộ (nông dân) và lao động nhàn rỗi tại nông thôn.

Thông qua mối liên kết này, các bên tham gia sẽ chủ động trong kế hoạch sản xuất, chế biến, quảng bá, kinh doanh, thời gian thu hoạch, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên do thu hoạch đồng loạt, đúng thời điểm vụ mùa, thời gian tạm trữ sau thu hoạch được rút ngắn, giúp tăng lợi nhuận và hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản.

Để nâng cao vai trò tổ chức lại sản xuất của HTXNN trong quá trình tham gia chuỗi giá trị, TS Đào Anh Hoàng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, doanh nghiệp về bản chất, vị trí, vai trò, cơ chế hoạt động của HTXNN trong nền kinh tế quốc gia khi góp phần vào phát triển kinh tế chung của đất nước. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân, thanh niên nông thôn tham gia khởi nghiệp theo mô hình HTX. Các HTX cần được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, tiếp tục chọn lọc và nhân rộng các mô hình HTXNN kiểu mới có tham gia liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có thêm các chương trình, đề án, dự án nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển và xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển HTXNN giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Đặc biệt, khuyến khích HTXNN xây dựng kế hoạch dài hạn để chủ động tham gia liên kết với nông hộ (nông dân), doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá.

Khánh Ly