Xã hội

Nam Giang (Quảng Nam): Khai thác lợi thế để giảm nghèo bền vững

Võ Hà (thực hiện) 26/04/2024 - 15:14

Là huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Nam Giang có vị trí tương đối thuận lợi cũng như nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tiềm năng về nông - lâm nghiệp. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, mang tính đột phá dựa trên lợi thế đất đai và tài nguyên rừng để đưa Nam Giang ngày càng phát triển bền vững.

PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông A Viết Sơn – Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Giang để hiểu rõ hơn về vấn đề này:

avietson.jpg
Ông A Viết Sơn – Chủ tịch huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam)

PV: Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Nam Giang đạt được những kết quả gì nổi bật cho đến thời điểm hiện nay, thưa ông?

Ông A Viết Sơn: Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nhưng chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang đã tận dụng nguồn lực của địa phương cùng sự các chính sách hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đến nay huyện Nam Giang đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển. Các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thương mại dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 giảm 553 hộ so với năm 2022, vượt 163 hộ so với tỉnh giao (đạt tỷ lệ 141,8%), so với chỉ tiêu huyện giao vượt 90 hộ (chiếm tỷ lệ 119,43%); xây dựng, bàn giao 238 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; đã đào tạo cho 291 lao động, trong đó đào tạo nghề nề 34 lao động và đào tạo nghề trồng chuối và chăn nuôi cung cấp lao động cho THACO là 117 lao động.

Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do đó trong thời gian qua địa phương chú trọng việc huyển đồi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh triển khai mô hình trồng bưởi theo chuỗi liên kết các hộ gia đình, bên cạnh đó chú trọng về chăn nuôi heo đen, nuôi bò theo chuỗi liên kết. Ngoài ra, địa phương đang đẩy mạnh mô hình trồng gỗ lớn. Đây là một trong những thế mạnh để địa phương triển khai đầu tư.

Kết quả trong năm, từ nguồn ngân sách địa phương, huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao thu nhập, với tổng diện tích 456,2ha, đạt hơn 165% chỉ tiêu kế hoạch giao, với 1.028.764 cây. Trong đó, trồng cây trong khu vực đô thị 6.442 cây; khu vực nông thôn 1.002.332 cây. Cạnh đó, các địa phương trồng đã 65.991 cây xanh tập trung, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 35.991 cây, trồng rừng sản xuất 30.000 cây. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 trên địa bàn huyện đạt 70,59%.

PV: Vây thưa ông, trong công tác quản lý tài nguyên địa phương phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, địa phương đã có những kết quả gì nổi bật?

Ông A Viết Sơn: Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp để phát triển kinh tế, tăng cường quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, trong công tác quản lý đất đai, địa phương đã hoàn thành công tác Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và công bố Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của kỳ quy hoạch sử dụng đất huyện Nam Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức rà soát, chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; công tác lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đinh và cá nhân được triển khai thực hiện đảm bảo, kịp thời.

huyen-nam-giang-tinh-quang-nam-khuyen-khich-nguoi-dan-phat-trien-kinh-te-tu-rung.png
Huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng

Về công tác quản lý khoáng sản, chúng tôi cũng triển khai nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện đúng theo quy định (gồm 4 mỏ đất sét, 1 mỏ cát).

Công tác bảo vệ môi trường cũng thường xuyên chỉ đạo thường xuyên, quan tâm chỉ dạo hướng dẫn các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đạt tỷ lệ 81%/80% kế hoạch

PV: Để thực hiện được mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương cũng như giảm nghèo bền vững, huyện Nam Giang sẽ có những giải pháp chủ yếu gì, thưa ông ?

Ông A Viết Sơn: Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá như tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư phát triển nông- lâm nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình hành động của huyện về phát triển Nông lâm nghiệp gắn với xây với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện .

Đồng thời, triển khai các biện pháp thuộc lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi; Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển sản xuất, các chương trình, chính sách, dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và các nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân; tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, trồng rừng gỗ lớn làm cơ sở áp dụng nhân ra diện rộng; tập trung triển khai thực hiện chương trình OCOP; chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí xã nông thôn mới và thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ tài nguyên lâm, khoáng sản; quản lý đất đai và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Các chủ rừng, UBND các xã, thị trấn căn cứ phương án QLBVR, PCCCR, kế hoạch tuần tra truy quét được UBND huyện phê duyệt đầu năm, căn cứ tình tình thực tế chủ động triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tổ chức kiểm tra, truy quét và chốt chặn các khu vực có nguy cơ cao xảy ra nạn khai thác lâm, khoáng sản trái phép.

Trân trọng cảm ơn ông!

Võ Hà (thực hiện)