Hà Tĩnh: Triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản có tính chiến lược, dài hạn như: Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Công tác quản lý hộ nghèo, cận nghèo được cập nhật hoàn thành 100% lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã huy động được 118.168 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 110.202 triệu đồng; ngân sách tỉnh 7.966 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình năm 2023 là 41.783 triệu đồng (đạt tỷ lệ 50%, bao gồm cả nguồn huy động từ người dân), trong đó nguồn năm 2022 chuyển sang là 15.145 triệu đồng, nguồn bố trí năm 2023 là 26.638 triệu đồng.
Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu là hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi… ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn.
Trong năm 2023, đã có gần 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ. Đối với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy giá trị kinh tế ở địa phương như bò, gà, ong, cây ăn quả...
Song song với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng tập trung hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng như: Tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Tăng cường hoạt động chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ học đường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng tuyến huyện; tổ chức giám sát, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới; xây dựng các phóng sự, tin bài về công tác dinh dưỡng; in ấn tờ rơi tuyền truyền về phòng, chống suy dinh dưỡng phổ biến đến tận người dân.
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin như: Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; Triển khai tốt các hoạt động nâng cao năng lực giám sát đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực để trang bị đầy đủ kiến thức trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng chú trọng công tác xây dựng nông thôn mới thông qua việc tổ chức đánh giá, thẩm định các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Các xã đăng ký về đích nông thôn mới, các xã sáp nhập đều đáp ứng đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới.
Đến cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thành thẩm định đánh giá 02 huyện nông thôn mới là Kỳ Anh và Lộc Hà. Phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng giữa kỳ trong phong trào thi đua “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo ở cơ sở, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các đơn vị liên quan truyền thông về giảm nghèo. Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024; Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 và tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương.