Quảng Ngãi: Dự báo hụt thu tiền sử dụng đất
So với dự toán Trung ương giao là 2.600 tỷ đồng thì tổng nguồn thu tiền sử dụng đất khả thi của Quảng Ngãi năm 2024 khoảng 248 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,6%.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến tổng nguồn thu sử dụng đất khả thi trong năm 2024 của tỉnh Quảng Ngãi là hơn 248 tỷ đồng. Đối với dự án đấu giá quyền sử dụng đất là 12 dự án với nguồn thu khoảng 205 tỷ đồng.
Đối với dự án khu dân cư, khu đô thị từ dự án thông qua đấu thầu là 1 dự án với nguồn thu khoảng 43 tỷ đồng. So với dự toán Trung ương giao là 2.600 tỷ đồng, thì năm 2024 Quảng Ngãi thu tiền sử dụng đất chỉ đạt khoảng 9,6%.
Nguyên nhân chủ yếu thu tiền sử dụng đất đạt thấp là do thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng. Đồng thời, kinh tế khó khăn nên các nhà đầu tư không quan tâm và không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Từ đó dẫn đến tình trạng khó thu hút, kêu gọi khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến việc đấu giá quyền sử dụng đất khó thành công.
Để đảm bảo thu đủ số tiền Trung ương giao, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách, điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch chi tiết đối với 12 dự án có khả năng tổ chức đấu giá trong năm 2024 để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ một số vướng mắc để khơi thông các điểm nghẽn.
Các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành quy định về quy chế đấu giá tài sản, tăng cường chỉ đạo về lĩnh vực đất đai. Các địa phương kịp thời rà soát, lập kế hoạch, quy hoạch để tranh thủ bố trí các nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để kết nối đồng bộ, tạo quỹ đất bán đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, xây dựng quy chế đấu giá cho từng phiên đấu giá đất, đảm bảo quản lý chặt chẽ hồ sơ đấu giá, tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận nguồn thu từ tiền sử dụng đất có khả năng không đạt yêu cầu theo kế hoạch Thủ tướng giao. Do đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá lại công tác đầu tư, xây dựng, mua sắm… để có đề xuất cụ thể.
Những việc đảm bảo triển khai được, chuẩn bị công tác đầu tư tốt thì đề xuất. Những việc chưa cần thiết, chưa đạt yêu cầu thì đề xuất sang năm 2025, nhằm hạn chế sử dụng các nguồn vốn để bù hụt thu tiền sử dụng đất năm 2024.