Xã hội

Vun chữ “Bền” trong lao động

Nguyễn Thủy 26/04/2024 - 13:05

(TN&MT) - Chúng tôi hẹn gặp Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT Dương Trung Thành vào trước ngày diễn ra “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động mà người lao động ngành TN&MT luôn mong đợi, để được nói lên tiếng nói của “người trong cuộc” đóng góp vào giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển xanh bền vững.

Kiên định bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững

Có thể nói, phát triển xanh, phát triển bền vững là đích đến không thể khác của các quốc gia trong bối cảnh hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong mục tiêu phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định 3 trụ cột không thể tách rời, đó là: “Kinh tế - xã hội - môi trường”. Trong đó, phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là mục tiêu cốt lõi của Việt Nam trong suốt hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm thực hiện các chính sách xã hội theo phương châm: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách với mục tiêu là mang lại hạnh phúc ngày càng nhiều cho nhân dân”.

z5341242341737_aae3fe269d1c10a777d05a85c8d13de9.jpg
Ông Dương Trung Thành - Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT trao Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho Cục Quản lý tài nguyên nước - Đơn vị xuất sắc năm 2023

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực phát triển đất nước và chăm lo, phát triển con người, nhưng, dưới tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho người lao động và cho toàn xã hội. Vì vậy, việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết vấn đề môi trường, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và việc làm bền vững cho người lao động.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 3/6/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW: "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" đã được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) thông qua. Nghị quyết đặt ra mục tiêu, đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

Kể từ Nghị quyết số 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đến nay sau hơn 10 năm triển khai, công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, thời gian qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đoàn viên công đoàn là lực lượng xung kích, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi làm việc và tại địa phương.

Từ nhiều năm nay, các tổ chức Công đoàn đã tham gia tích cực những cuộc vận động công nhân, người lao động tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là các phong trào đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vận động công nhân lao động tích cực hưởng ứng các phong trào như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trồng cây, giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, trở thành người tiêu dùng thông minh khi không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, kinh tế số là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống. Vai trò của người lao động khi đóng góp vào quá trình này là rất lớn và để thực hiện được, mỗi người lao động cần trở thành một sứ giả bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất trong công việc, thói quen hằng ngày.

Phát huy vai trò "hạt nhân" người lao động ngành TN&MT

Ông Dương Trung Thành - Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT cho biết, là ngành nắm giữ các lĩnh vực chủ chốt trong công cuộc phát triển xanh bền vững, Ngành TN&MT nói chung, Công đoàn ngành TN&MT nói riêng luôn xác định: Người lao động ngành TN&MT là “chìa khóa” giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng cho phát triển xanh bền vững; là một phần của yếu tố quyết định thành công trong lộ trình phát triển xanh bền vững của đất nước. Suy ra, đầu tư cho người lao động ngành TN&MT là đầu tư cho ổn định xã hội và phát triển bền vững.

small_bt-tang-hoa.jpg
Công đoàn Bộ TN&MT trao tặng quà Tết tại Đài Khí tượng thuỷ văn Khu vực miền núi phía Bắc

Chính vì vậy, theo ông Dương Trung Thành, thời gian qua, Công đoàn ngành TN&MT luôn bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT, thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước và của Bộ TN&MT để người lao động nắm rõ, vận động người lao động tham gia hiến kế xây dựng, hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển xanh bền vững, bảo vệ môi trường.

Bằng các hành động thiết thực, các đoàn viên Công đoàn ở các cấp ngành TN&MT cũng thực hiện nhiều phong trào ý nghĩa. Những thông điệp tuyên truyền được đưa ra ở các phong trào như: “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và nilon”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; “Biến rác thải nhựa thành tiền”, “Đổi rác thải lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế”…

Cũng từ đây, các câu lạc bộ vì môi trường đã hình thành như: “Nói không với rác thải nhựa”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thùng rác thân thiện”, “Ngôi nhà kết nối yêu thương”, “Ngôi nhà xanh”… Cuộc vận động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” tại các cơ quan đơn vị đã được các cấp Công đoàn ngành TN&MT thực hiện thường xuyên, liên tục và kéo dài.

Những mô hình, câu lạc bộ hưởng ứng phong trào này, một mặt, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên viên trong bảo vệ môi trường, mặt khác, đã tạo được nguồn quỹ mang ý nghĩa nhân văn từ việc tái sử dụng, tái chế chất thải để tổ chức các hoạt động hỗ trợ công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với các phong trào, hoạt động thiết thực trong bảo vệ môi trường, Công đoàn TN&MT luôn kiên định mục tiêu phát triển xanh; định hướng việc làm và làm việc theo chủ trương phát triển xanh bền vững; lan toả giá trị xanh - giá trị sống còn đối với tương lai mà người lao động là người nắm giữ, quyết định; Nhận chân người lao động ngành TN&MT để khẳng định giá trị đóng góp của họ trong chiến lược phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước và của Bộ TN&MT.

Đặc biệt, Công đoàn Bộ đã có nhiều đột phá, thay đổi tư duy quản lý người lao động, chuyển từ tư duy nắm giữ sang tư duy khích lệ; từ tư duy lao động cần cù, chăm chỉ sang tư duy lao động thông minh, làm chủ khoa học; từ tư duy làm việc thụ động, chạy theo sang tư duy chủ động thích ứng, đi trước đón đầu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường làm chủ thiên nhiên trên tinh thần thuận thiên thích ứng…

Với phương châm “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, các cấp công đoàn trực thuộc ngành TN&MT đã từng bước tạo lợi thế khác biệt cho đoàn viên. Bằng những việc làm ấy, Công đoàn đã góp phần nâng giá trị người lao động ngành TN&MT lên một bước, để người lao động đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, là nhân tố, là lực lượng quan trọng đóng góp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển xanh bền vững của đất nước.

Nguyễn Thủy