Môi trường

“Mồi lửa” giữa Tràm Chim

Khánh Ly 26/04/2024 - 13:05

(TN&MT) - Trong những ngày nắng nóng cao điểm của mùa khô năm nay, những cánh đồng cỏ rộng lớn trong Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim ngả vàng, khô ron như mồi lửa của tự nhiên. Đã 10 năm rồi người ta mới thấy lại cảnh này. Cảm giác tràn ngập nguy cơ, nhưng thực chất lại ẩn chứa “chìa khóa” phục hồi hệ sinh thái vốn có ở nơi đây.

Gọi đàn sếu trở về...

Con đường dẫn vào khu A5 VQG Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) khá dễ đi. Xe chạy hết khu dân cư đến khóm 3, thị trấn Tràm Chim là tới. Thay vì xuống thuyền từ cổng vào và theo lối len qua rừng tràm như khách du lịch, đoàn chúng tôi men theo đường bộ vào vùng lõi của VQG, đến khu vực đồng cỏ A5 - một trong những bãi ăn của các đàn chim. Con đường cũng chính là đê bao quanh khu vực này. Vào mùa mưa, đây là vùng trũng thấp ngập nước với những trảng cỏ xanh mướt mát. Còn hiện tại, cỏ khô cháy cả một vùng rộng lớn, mặt đất nứt nẻ chằng chịt, không khí bị “đun” nóng hầm hập phả rát da.

15-2-.jpg
Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim

Chỉ tay về vùng bãi trống trước mặt, ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, VQG Tràm Chim cho biết: Hôm mùng 7/3, 4 con sếu đầu đỏ đã bay tới kiếm ăn tại bãi A5 này. Chúng không ở lại lâu, chỉ đáp khoảng 30 phút rồi bay đi. Với những người quan tâm đến đa dạng sinh học, sự kiện này rất có ý nghĩa bởi đã 2 năm nay, đàn sếu đầu đỏ không còn kiếm ăn tại VQG Tràm Chim. Từ năm 2016 tới nay, sếu chỉ bay qua khu A5 chứ không đáp xuống và ngày càng thưa dần, dù đây từng là bãi ăn quen thuộc trong mùa di cư của chúng.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thiếu nguồn thức ăn. Món “khoái khẩu” của sếu đầu đỏ là củ cây cỏ năng kim, vốn có sẵn tại các bãi ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do phải đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy chữa cháy trong bối cảnh gia tăng tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài, Vườn thường giữ nước ngập đồng cỏ quanh năm. Điều này khiến cỏ năng kim không có môi trường thuận lợi để phát triển và bị các loài khác cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt về Tràm Chim rất ít, thời gian ngập nước chỉ khoảng 1 tháng trong mùa mưa đã gây thiếu hụt nguồn thủy sản tự nhiên là thức ăn cho các loài chim.

Lần đầu tiên trong mùa khô năm nay, Vườn đã tháo nước từ tháng 1 theo chỉ dẫn của các nhà khoa học để tạo điều kiện thuận lợi cho năng kim tạo củ. Từ đầu tháng 3, lực lượng chuyên trách bảo vệ và phòng, chống cháy rừng của VQG Tràm Chim đã phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm địa phương chủ động đốt thực bì một vài đợt, vừa để phòng chống cháy lan vừa làm phát lộ ra bề mặt đất, giúp đàn chim dễ kiếm ăn hơn.

Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam Bộ, Đồng Tháp đang trải qua khoảng thời gian nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng nay, nguy cơ cháy rừng ở mức báo động hơn bao giờ hết. Giữa mùa khô, một mồi lửa nhỏ cũng có thể hủy hoại cả trăm ngàn ha rừng, chưa nói đến đồng cỏ bạt ngàn nằm giữa rừng tràm dưới nắng hạn. Bởi vậy, quy trình đốt được thực hiện chặt chẽ, khoa học và bảo đảm an toàn. Các cán bộ dùng máy cày trục đồng cỏ xung quanh rừng tràm thành các đường băng cản lửa rộng 40 - 60m; dựa theo hướng gió, đốt từ cặp mé tràm có đường băng sẵn; trước khi đốt phải tưới nước làm mát trong rừng tràm để khi tàn lửa bay qua tránh gây cháy lan... Đến nay, VQG Tràm Chim đã chủ động đốt cỏ và lớp thực bì khô trên diện tích 330ha, giúp hạn chế nguy cơ cháy rừng.

“Sếu đã trở lại là tín hiệu cho thấy Vườn đang đi đúng hướng khi triển khai giải pháp điều tiết nước để phục hồi quần xã năng kim” - ông Nhanh hồ hởi chia sẻ. Đây có thể là những con sếu tiền trạm xem nguồn thức ăn có dồi dào hay không, trước khi cả đàn sếu bay tới kiếm ăn. Lâu nay, theo quan niệm của người dân địa phương, sếu đầu đỏ xuất hiện tức là cây cối tốt tươi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Còn với các nhà khoa học và cán bộ VQG, sếu về đồng nghĩa với môi trường nơi đây đã được cải thiện theo hướng tích cực.

Bảo vệ sếu là bảo vệ rừng

Khôi phục chuỗi thức ăn cho sếu đầu đỏ có thể xem là bước đi ban đầu nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim. Mức độ thu hút đàn sếu trong mùa di cư cũng trở thành thước đo đánh giá hiệu quả phục hồi các hệ sinh thái trong VQG.

15.jpg

Đối với hệ sinh thái đất ngập nước, nước được xem như “mạch máu” vận chuyển sự sống đi khắp nơi. Chế độ thủy văn nơi đây cũng vì thế sẽ tương đồng với vùng Đồng Tháp Mười 6 tháng hạn, 6 tháng mưa. “Bản chất vùng này là vậy, mình quản lý nước tốt theo quy luật tự nhiên thì các loài sinh vật cũng sẽ sinh sôi trở lại” - ông Nhanh nhận định. Ngoài cỏ năng kim trong mùa khô, VQG cũng ưu tiên khôi phục cây lúa ma trong mùa lũ. Đây là các loài bản địa, có sức sống mạnh mẽ và sẽ tạo môi trường sinh sản cho các loài côn trùng, thủy sinh, cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim trong VQG. Sắp tới Vườn còn tạo thêm một số bãi ăn cho sếu đầu đỏ gồm những khu đất trống, lớp phủ thực vật ít để thu hút thêm đàn sếu về đông hơn.

Ngoài ra, VQG đã áp dụng công nghệ nhận dạng ảnh để phân tích, phân loại và đánh giá các quần thể thực vật và động vật, đặc biệt là các loài chim quý giúp theo dõi biến động các quần thể loài. Công nghệ này tích hợp trạm quan trắc tự động về đất, nước, không khí, nhiệt độ, ẩm độ, pH. Thông tin, dữ liệu cập nhật trên phần mềm quản lý và tự động cảnh báo qua tin nhắn điện thoại khi phát hiện dấu hiệu cháy, theo dõi chất lượng nước để cán bộ có thể quyết định thời gian tháo nước, dẫn nước phù hợp.

Theo các cán bộ của Vườn, thực tế, chủ động đốt thực bì là giải pháp phòng cháy chữa cháy truyền thống từng được áp dụng trước kia. Tuy nhiên, đặc thù Vườn có diện tích rộng, lên đến 7.000ha. Nhiều diện tích bãi ăn cho chim rộng lên đến hàng chục, hàng trăm ha, vị trí cách xa nhau nên cách làm này có nhiều rủi ro trong khi lực lượng nhân sự lại mỏng, khó giám sát được hết nguy cơ cháy rừng. Để xác định được mức độ cảnh báo cháy, hàng tháng, nhân viên của Vườn đi đến những khu vực khác nhau, dùng các thiết bị đo cầm tay để đo chất lượng nước, chất lượng không khí, dùng tay bẻ nhánh cây hoặc ngọn cỏ, nhìn mặt đất để xác định mức độ khô hạn.

Việc áp dụng công nghệ quan trắc tự động đã giải quyết hạn chế này trong bối cảnh hiện tại. Theo PGS.TS Phạm Quốc Cường - Chủ nhiệm Dự án ứng dụng AI/IOT trong quản lý môi trường VQG Tràm Chim, cán bộ giờ chỉ cần ngồi tại văn phòng Ban quản lý cũng có thể nắm được mức độ khô, mức độ ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm nguồn nước. Từ đó, đưa ra quyết sách chủ động hơn và nhanh chóng hơn. Dữ liệu cập nhật hàng ngày, thậm chí là hàng giờ thay vì cách quãng 2 tuần, 1 tháng. Việc xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu cũng sẽ giúp hoàn thiện quy trình quản lý của VQG Tràm Chim, giúp xác định sức khỏe hiện tại của VQG và các giải pháp can thiệp cần thiết trong thời gian tới.

Sau bao năm thay đổi, nay Tràm Chim lại giữ lại những cánh đồng cỏ khô cháy, những “mồi lửa” cần thiết với tự nhiên để hỗ trợ cho hệ sinh thái tự vận hành với đúng chức năng vốn có. Đây cũng là một minh chứng thể hiện khi con người bắt tay với thiên nhiên sẽ tạo không gian tốt cho sếu đầu đỏ phát triển, cũng như tạo môi trường an toàn cho các loài chim di cư đến sinh sống tại VQG Tràm Chim.

Khánh Ly