Xã hội

Điểm tựa những cuộc đời “trôi”

Đình Du 26/04/2024 - 13:04

(TN&MT) - Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM nay có lẽ là vùng đất duy nhất của cả nước hội tụ đủ người dân 63 tỉnh, thành sinh sống. Cái gì, thứ gì… làm nên “ma lực” có sức hút người dân từ khắp mọi miền đất nước tụ họp về miền đất phương Nam nắng mưa thất thường để ngụ cư?

Vùng đất cảm hóa con người

Không trầm lắng như Huế, cổ kính như Hà Nội, TP.HCM mang trong mình sự năng động, trẻ trung, nét riêng ấy có lẽ là một trong những yếu tố tạo nên sức hút.

anh-3-3-.jpg

Trong lòng người dân TP.HCM và người dân từ khắp các vùng miền đến nơi này lập nghiệp, ai cũng hiểu nơi đây là vùng đất nghĩa tình. Cái nghĩa tình đó dần dần “lậm” vào họ từ trong máu. Dẫu có bao nhiêu tính cách của vùng miền nhưng tới đây rồi, cái tính cách đó cũng… được “cảm”... tự bao giờ chẳng hay.

Nhưng, như vậy thôi chưa đủ. Được ví là điểm tựa những cuộc đời... “trôi”, TP.HCM nhiều thập kỷ qua cưu mang, giúp đổi đời bao thân phận, bao dung bao lớp cư dân từ mọi miền về đây sinh sống. Vì thế, phần lớn cư dân thành phố không phải là bản địa mà đến từ nhiều tỉnh thành. Trước là ly nông, ly hương kiếm tìm kế sinh nhai, sau hy vọng cơ hội đổi đời. Trên hành trình ấy, đã có không ít cá nhân, gia đình, họ tộc thành công ở miền đất này sau thời gian chịu thương, chịu khó. Điều này có lẽ mới là nguyên nhân chính tạo nên sức hút nhân văn mang tên TP.HCM.

Thật khó kể hết những cái “lạ”, cái “dị” xuất phát từ chữ… “thương” của TP.HCM. Nó quyến rũ một cách ngạc nhiên, “hút” cư dân tứ phương đến “cắm dùi” lập nghiệp. Không phải từ hơn 320 năm hình thành mà đã rất lâu rồi, TP.HCM là nơi dừng chân của bao thế hệ đến “ngụ cư”. Từ một nơi dung nạp, quần tụ của nhiều dân tộc, nó dần chắt lọc, hun đúc để hình thành một tính cách cộng đồng ở vùng đất mở, dung chứa, bao bọc, san sẻ. Nhiều câu chuyện về sự tồn tại và phát triển cùng dòng chảy “Nam tiến” ấy đã được nối tiếp, lan truyền qua nhiều thế kỷ.

Dung dị… “miền đất hứa”

Trời tháng Tư, nắng như hắt “lửa” vào mặt, khổ nhất là dân lao động chạy xe ôm, bán vé số, buôn gánh bán bưng... phải oằn mình dưới cái nền nhiệt đường phố đôi khi lên đến hơn 50 độ. Khắp các tuyến đường, người đi đường, buôn bán dạo như “mát ruột” hơn với các bình nước trà đá miễn phí bên lề đường. Nhiều địa điểm còn thiết kế “túp lều” và đặt những chiếc dù cỡ lớn, bên dưới còn đặt một băng ghế để người đi đường nghỉ chân, tránh nắng và giải khát.

anh-4-3-.jpg
Sự san sẻ của người dân TP.HCM góp phần làm nên một thương hiệu thành phố nghĩa tình

Trước số nhà 16A đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, “túp lều giải khát” miễn phí trông rất… “mát con mắt”, được che bằng rơm với giàn mướp xanh ngát leo xung quanh. Tấp vội xe vào uống nước giải nhiệt, anh Trần Đức, (32 tuổi, quê Quảng Ngãi, chạy xe ôm công nghệ) thở một hơi khoan khoái: “Giữa cái nắng "vỡ mặt" như vầy mà được ly trà đá miễn phí thì mệt cỡ nào cũng khỏe liền. Đã thiệt”.

Ngắm nhìn “túp lều”, anh Đức nói như đang thì thầm với chính mình: “Với những người có điều kiện, đây chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với dân lao động nhập cư như tụi tui thì không nhỏ chút nào. Mà tui thấy khắp các nẻo đường phố ở TP.HCM, cả ở ngoại thành, những “trạm nghỉ” đều đặt những bình trà đá miễn phí. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thơm thảo, bao dung”.

Không biết cái từ “chuyện nhỏ”… có từ bao giờ, ám chỉ cái gì, mà bất cứ chuyện gì người dân nơi đây đều cho là… “chuyện nhỏ”. Trên rất nhiều tuyến phố, từ sáng sớm đã xuất hiện các xe bánh mì thịt 0 đồng phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn; Buổi trưa, những hộp cơm từ thiện được phân phát trước cổng các bệnh viện, trường đại học… Rồi đến 7 giờ tối là những chiếc xe chở cháo thịt heo bằm, sườn heo… thơm phức được san sẻ cho những người vô gia cư. Khách phương xa mới nghe qua cảm thấy lạ, nhưng đối với những người đã và đang sinh sống thì xua tay, cười nói: "Ôi, ôi… chuyện nhỏ ấy mà”.

Người dân khắp mọi miền đến TP.HCM mưu sinh, không phải ai cũng dễ kiếm tiền, nhưng trải qua thời gian sinh sống, họ dần dần “nhiễm cách sống”… “làm chết bỏ, chơi hết mình”. Bởi vậy, tuy một bộ phận người dân có thể nghèo vật chất nhưng họ rất giàu tình nghĩa, bao dung. Bình dân, dễ gần, không quan cách, khách sáo, bài trừ lối sống giả tạo. TP.HCM là vậy, việc thiện lành họ xem là chuyện nhỏ, chẳng gì to tát.

Ai cũng biết, mỗi tấc đất ở TP.HCM được ví như "tấc vàng", nhưng người dân khắp các quận, huyện vẫn hiến tặng để mở đường, thông hẻm, góp phần giúp khu phố khang trang hơn. Quận Phú Nhuận đi đầu trong phong trào này. Quận có gần 600 con hẻm có từ trước ngày Giải phóng. Phần lớn là hẻm nhỏ, hẹp, chạy vòng vèo trong các khu dân cư chật chội, đi lại khó khăn, lầy lội, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và an ninh - trật tự. Thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng hẻm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân vui vẻ hiến đất để mở rộng đường. Không những vậy, nhiều hộ dân còn đóng góp tiền để cùng chính quyền hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn.

Thấm đẫm triết lý nhân sinh

Người dân TP.HCM vẫn quen gọi cái nơi điều trị bệnh là nhà thương. Họ lý giải rằng, tên gọi ấy nghe dễ gần, dễ thương đến lạ. Bởi đó là “cái nhà”… chứa đựng tình thương thứ hai sau ngôi nhà riêng. Ở nơi đó con người ta đối xử với nhau bằng tình thương. Vậy mới hay, khi đau ốm, ngoài việc điều trị bệnh lý ra, cái người ta cần chính là… tình thương.

anh-8(1).jpg
Giữa cái nắng như “lửa” hắt vào mặt, người dân sống bằng nghề tự do “giải nhiệt” bằng trà đá miễn phí

Ngày trước, TP.HCM có nơi dành cho bệnh nhân khám và điều trị bệnh miễn phí gọi là nhà thương thí. “Thí” hiểu theo nghĩa “bố thí” của nhà Phật chứ không hề mang ý nghĩa miệt thị người có hoàn cảnh khó khăn.

Biểu hiện sống động nhất hiện nay của một nhà thương thí ở TP.HCM là chùa Lâm Quang. Nằm lọt thỏm trong một xóm nghèo ở Bến Bình Đông, quận 8, tuy không bề thế như những ngôi chùa khác, nhưng nơi này là mái nhà chung của các cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Tại nhà thương thí này, các cụ được chăm lo chu đáo, được khám, chữa bệnh hằng ngày, được chia sẻ niềm vui nỗi buồn với khách thập phương...

Hiện nay, những quán trà đá miễn phí, những xe hàng chất đầy quần áo ủng hộ người nghèo chạy dọc ngang giữa phố, những quán cơm tình nghĩa… đã trở thành thương hiệu nơi đây. TP.HCM còn bao nhiêu người nghèo, rất khó để thống kê chính xác và cũng khó để “vươn tay” đến hết mọi hoàn cảnh. Nhưng với người dân TP.HCM, họ luôn cùng “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sự hào hiệp nghĩa tình ấy đã góp sức làm nên một TP.HCM - thành phố nghĩa tình” đầy hãnh diện.

Trong ca dao Nam Bộ từ thời mở đất có câu: “Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây mới về”... hàm chứa sự mở lòng của một miền đất dung nạp người con Việt từ khắp mọi miền. Họ đến mưu sinh, rồi thương và "tan" ra, hòa thành người dân phương Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Và vùng đất từng mệnh danh… “trên bến dưới thuyền” dần thay đổi tính cách cùng ngôn ngữ của họ như người bản xứ. Trong tận sâu thẳm, họ coi bản thân như là con dân TP.HCM, quyết định “cắm dùi”, bươn chải, lại mở lòng bao dung với những mảnh đời khốn khó hơn. Cứ thế, từng ngày từng ngày xây điểm tựa cho những cuộc đời “trôi”.

Đình Du