Xã hội

Triển lãm trực trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”

Hoàng Châu 26/04/2024 - 12:36

(TN&MT) - Ngày 26/4/2024, tại Hội trường Công an tỉnh Điện Biên tổ chức Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” trải nghiệm theo không gian 3D; do UBND tỉnh Điện Biên chủ trì, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện.

Tham dự buổi triễn lãm trực tuyến có ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Điện Biên.

Triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 183 năm danh xưng Điện Biên (1841 - 2024); 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909 - 28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên (10/10/1949 - 10/10/2024) và Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

dai-dien-a1.png
Một trong những hình ảnh 3D được giới thiệu tại Triển lãm.

Với hình thức triển lãm trực tuyến, giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm lưu trữ lịch sử và Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên. Các tài liệu, hiện vật tại triển lãm phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.

anh-2.jpeg
Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”.

Triển lãm được bố cục gồm 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Từ vùng đất của người Việt cổ đến danh xưng Điện Biên”. Điện Biên là vùng đất từ xa xưa đã có con người sinh sống và cư ngụ. Nhiều bằng chứng khảo cổ học từ thời kỳ đồ đá cho thấy người thượng cổ đã có mặt rất sớm ở nơi đây. Khách tham quan sẽ trở về thời điểm trước thế kỷ XIX, tìm hiều về vùng đất Hưng Hóa đời Hùng Vương xưa và Điện Biên dưới triều Nguyễn.

anh-3(2).jpg
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu.

Phần 2 “Điện Biên - Điểm hẹn của lòng yêu nước: Giới thiệu tư liệu về Điện Biên dưới thời Pháp thuộc cho đến giai đoạn Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng. Phản ánh các nội dung liên quan đến thời Pháp thuộc, từ cuộc khởi nghĩa của Nhân dân Điện Biên đến “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập.

anh-4(1).jpg
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Triển lãm.

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng đối phó. Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm thu hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến. Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ Chỉ huy Quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ nổ tiếng súng đầu tiên, mở màn cho chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã hoàn toàn chiến thắng. Từ đây, Điện Biên trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang và oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

anh-6(1).jpg
Các đại biểu nhấn nút công bố triển lãm.

Đến với phần 3 “Điện Biên - Hành trình đổi mới”: Từ Nông trường Điện Biên trở thành TP. Điện Biên Phủ. Người xem có cơ hội được nhìn lại quá trình thành lập Nông trường Điện Biên cho đến giai đoạn thành lập TP. Điện Biên Phủ và đến nay quy hoạch và phát triển tỉnh Điện Biên. Nhiều tài liệu, hình ảnh phản ánh những nỗ lực và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ được giới thiệu đến công chúng.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: Năm 2024 là năm Du lịch quốc gia - Điện Biên, đây cũng là thời điểm vàng để Điện Biên giới thiệu quảng bá về lịch sử văn hóa, cũng như vùng đất và con người nơi đây. Mặc dù Điện Biên là một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn hạn chế, nhưng với triển lãm trực tuyến này đã thực hiện một bước đột phá trong ứng dụng công nghệ về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đây là cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với xu hướng chung của xã hội, đặc biệt là với giới trẻ.

Hoàng Châu