Môi trường

Nghệ An: Người dân hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Ngân 25/04/2024 - 17:16

Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân tại tỉnh Nghệ An đã dần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng.

1.jpg
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với người dân đi tuần tra, kiểm tra rừng

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 962.230,69 ha rừng, trong đó có 789.933,97 ha rừng tự nhiên, 172.296,52 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%. Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành lâm nghiệp Nghệ An hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, biện pháp. Trong các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng, đã xuất hiện mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng rất hiệu quả.

Tại huyện Tương Dương, một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này đã giao cho 2 xã Yên Na và Yên Thắng hơn 7.073,9 ha rừng và đất lâm nghiệp cho gần 832 hộ gia đình và 15 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ.

Sau khi được triển khai, công tác bảo vệ rừng tại Bản Na Bón, xã Yên Na có nhiều tiến triển trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng khi có 154 hộ gia đình chia thành 16 nhóm, mỗi nhóm từ 7 - 10 gia đình có rừng, đất rừng được giao gần nhau phối hợp để đi tuần tra, kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng được giao. Vào mùa khô, mỗi nhóm thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng 4 lần/tháng, mùa mưa từ 1-2 lần/tháng. Qua đó, đảm bảo mỗi ngày có nhóm đi tuần tra rừng. Mọi bất thường phát hiện được trong quá trình tuần tra rừng đều được báo về cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, diện tích rừng các gia đình nhận quản lý luôn được bảo vệ an toàn.

Bên cạnh đó, tại xã Yên Thắng hiện được giao quản lý 4.758 ha rừng. Thời gian qua, xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng; thực hiện hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân xã Yên Thắng nhận thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại nên không chỉ chủ động đăng ký tham gia trồng rừng mà còn đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc diện tích rừng trồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế đã duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

a8fd86f2fa1f54410d0e.jpg
Rừng được người dân chăm sóc, bảo vệ

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, diện tích chi trả là 560.000 ha (chiếm hơn 57% diện tích có rừng toàn tỉnh). Việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái ở Nghệ An.

Năm 2023, nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đạt hơn 123,6 tỷ đồng (đạt 102 % so với kế hoạch). Ngoài kinh phí chi trả tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm (theo đơn giá của các lưu vực thuỷ điện) thì chính sách dịch vụ môi trường rừng cũng đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác bảo vệ rừng. Năm 2023, quỹ đã chi thanh toán đạt 116% so với kế hoạch được phê duyệt và đạt 100% số tiền thực phải chi cho các chủ rừng (tổng số tiền hơn 115,6 tỷ đồng).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm 20.938 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và có 1.310 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, quỹ tỉnh đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện.

Thực hiện nhiệm vụ thu, chi trồng rừng thay thế, năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã triển khai thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của 21 dự án là hơn 23,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu đó, công tác trồng rừng thay thế được triển khai hiệu quả. Hiện nay, tổng diện tích đã thực hiện trồng gần 4.600 ha, trong đó, trồng rừng phòng hộ đạt hơn 1.133 ha; trồng rừng sản xuất hơn 1.600 ha; trồng cây phân tán (diện tích quy đổi) hơn 1.600 ha.

Theo đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với hạt kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là tổ chức; thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023, tạm ứng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2024 cho các chủ rừng theo quy định.

Hoàng Ngân