Trong nước

Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Khương Trung 25/04/2024 - 14:58

(TN&MT) - Sáng 25/4, tại Đà Nẵng, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Uỷ ban KH,CN&MT) đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 để thẩm tra, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Chủ trì phiên họp có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Nguyễn Tuấn Anh.

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-13.jpg
Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 để thẩm tra, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Tham dự phiên họp, có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; các đại biểu quốc hội đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kiểm toán nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học…

Luật Địa chất và Khoáng sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, theo phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì thẩm tra với dự án Luật Địa chất & Khoáng sản theo Tờ trình số 155/TTr-CP ngày 12/4/2024 của Chính phủ đồng thời giúp UBTVQH nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-1.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy phát biểu khai mạc Phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Luật Khoáng sản năm 2010 sau hơn 13 năm thi hành đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Mặt khác, hiện nay một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như Luật Đấu giá tài sản, Luật Ngân sách… cũng như một số luật đang được trình Quốc hội xem xét như dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải đáp ứng yêu cầu thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-2(1).jpg
Toàn cảnh Phiên họp sáng 25/5

Tại phiên họp, để Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT có đầy đủ cơ sở và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về những vấn đề chính sách lớn, những vấn đề về quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án Luật; việc thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị trong dự án Luật; về sự đầy đủ, phù hợp của hồ sự dự án Luật và việc đáp ứng đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét hay chưa; về một số vấn đề trọng tâm của dự án Luật theo gợi ý của Thường trực Uỷ ban cũng như các vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến thêm về các phương án liên quan đến một số nội dung trong dự thảo Báo cáo thẩm tra.

Dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-3.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên báo cáo Tờ trình dự án Luật Địa chất và Khoáng sản

Báo cáo Tờ trình dự án Luật Địa chất và Khoáng sản của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên thông tin, về căn cứ chính trị và quan điểm về xây dựng Luật, theo đó, dự án Luật sẽ: Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị. Cũng như căn cứ Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả; Kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua). Dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Đề xuất xây dựng Luật phù hợp, tối ưu trong bối cảnh hiện nay

Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Nguyễn Tuấn Anh thông tin, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hoá 05 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-4.jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Nguyễn Tuấn Anh trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới, có tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các Luật khác để bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật theo quy định.

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích, đề xuất lựa chọn, đưa ra các ý kiến: Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh; phân nhóm khoáng sản (Điều 7); Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9); Về quy hoạch khoáng sản (Điều 13); Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15); Về thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản (Điều 53); Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102); Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103).

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-7.jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi phát biểu tại Phiên họp
small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-12_3.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp
small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-6.jpg
Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại Phiên họp

Với các nội dung thảo luận của Dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản thống nhất về sự đầy đủ, phù hợp của hồ sự dự án Luật và đáp ứng đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp sắp tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung để cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện, các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung làm rõ để thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng thời cùng phân tích, đưa ra các lựa chọn, quan điểm cho phù hợp, tối ưu trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu tham dự Phiên họp phát biểu tham gia xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản

Cũng tại Phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã làm rõ ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp về những nhóm vấn đề được thảo luận, bên cạnh đó trao đổi thêm để các đại biểu Quốc hội nắm rõ thêm những tồn tại, bất cập, và chủ trương quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

small_20240425-bo-truong-du-tham-tra-luat-dcks-16.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp để bổ sung vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đồng thời mong muốn các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm để tiếp tục có những ý kiến bổ sung vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để đưa tài nguyên địa chất, khoáng sản xứng đáng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khoáng sản là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất. Ngoài ra, xây dựng dự án Luật để việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng những ý kiến xây dựng cho dự án Luật, với những ý kiến còn khác nhau thì cần đưa ra những lập luận sâu sắc, công tâm và khách quan để phát huy được nguồn lực tài nguyên khoáng sản, địa chất.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sớm triển khai các nhiệm vụ đã được kết luận tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội; đồng thời bổ sung thêm thông tin các báo cáo giải trình gửi tới tới các đại biểu quốc hội để thời gian tới khi trình lên Quốc hội tại Kỳ họp tiếp theo các đại biểu Quốc hội sẽ có đánh giá toàn diện, loại bỏ những nội dung đã được nêu và giải trình đồng thời tiếp tục đóng góp thêm ý kiến xây dựng dự thảo Luật, nhanh chóng thông qua dự án Luật để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA DỰ THẢO LUẬT

1. Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III).

2. Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI).

3. Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V).

4. Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

5. Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).

6. Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

7. Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53).

8. Sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52).

9. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103).

10. Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII).

11. Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62).

12. Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).

Khương Trung