Thu hồi đất ở Bắc Giang: Chính quyền tắc trách, người dân “lãnh đủ”
(TN&MT) - Cùng sinh sống ổn định, lâu dài, không tranh chấp trên một thửa đất nhưng người thì được cấp “sổ đỏ”, người thì không đã dẫn tới nhiều khúc mắc khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án sau này.
Câu chuyện hi hữu?
Phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Nhuần (thôn Trước, xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết, gia đình bà sinh sống tại thửa đất do tổ tiên để lại tại thôn Trước, xã Tân Tiến. Trước ngày 30/12/2010 xã Tân Tiến thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Theo hồ sơ địa chính của xã Tân Tiến thì gia đình bà Nhuần sinh sống tại thửa đất số 183, tờ bản đồ số 2 với diện tích khoảng hơn 1100m2. Trên thửa đất có 3 hộ gia đình sinh sống gồm hộ bà Nguyễn Thị Nhuần và hộ của hai người con trai là Hoàng Tiến Giang và Hoàng Văn Sơn.
Năm 2010, gia đình bà làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu. Thời điểm đó, nhận thấy việc 3 hộ gia đình cùng chung sống trong một ngôi nhà chật chội và có nhiều bất tiện nên bà đã làm hồ sơ tách thửa đất 183 thành 3 thửa đất là 183a, 183b, 183c (diện tích mỗi thửa khoảng 350m2) và dự định tặng cho hai người con trai thửa đất 183b và 183c.
Trong hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, UBND xã Tân Tiến đã xác định nguồn gốc đất của gia đình bà là: đất cha ông để lại, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch đất ở. Ngày 15/11/2010, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Dũng đã tiếp nhận 3 bộ hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của bà Nguyễn Thị Nhuần, ông Hoàng Tiến Giang, ông Hoàng Văn Sơn và hẹn ngày 30/11/2010 đến nhận kết quả.
Tuy nhiên sau đó chỉ có bà Nguyễn Thị Nhuần được cấp GCNQSDĐ (thửa đất số 183a) còn hai người con trai thì không. “Thời điểm đó, tôi đã trực tiếp lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Dũng để hỏi lý do. Cán bộ văn phòng nói với tôi là chỉ còn hơn 1 tuần nữa là xã Tân Tiến sáp nhập về TP. Bắc Giang nên hồ sơ xử lý không kịp. Nếu hồ sơ nào còn tồn đọng thì sau này TP. Bắc Giang sẽ xử lý tiếp” - bà Nhuần cho biết.
Từ năm 2011, trong những cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo TP. Bắc Giang, bà Nhuần đã liên tục có ý kiến phản ánh, đề nghị cấp GCNQSDĐ cho phần còn lại trong thửa đất số 183 của bà cho hai người con trai là Hoàng Tiến Giang và Hoàng Văn Sơn. Tuy nhiên sau rất nhiều lời hứa hẹn thì vụ việc vẫn không được giải quyết.
Tháng 10/2023, UBND TP. Bắc Giang có quyết định thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Nhuần để thực hiện dự án Khu số 3 thuộc KĐT phía Nam, TP. Bắc Giang. Toàn bộ diện tích bà Nhuần dự định tặng cho hai người con trai (tức thửa 183b và 183c như đã nêu ở phần đầu) bị thu hồi và được xác định là đất trồng cây lâu năm không có giấy tờ, sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004. Mức giá đền bù là 55.000 đồng/m2
Bà Nhuần không đồng ý với quyết định này khi cho rằng: “Năm 2010, tôi và hai con của tôi đã gửi hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ hợp lệ và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Dũng đã tiếp nhận. Tôi hiểu rằng hồ sơ của 2 con tôi bị treo lại do những biến động khi sáp nhập địa giới hành chính chứ không phải do hồ sơ có vấn đề. Việc không cấp GCNQSDĐ cho hai con tôi mà không có văn bản trả hồ sơ hay bất cứ thông báo nào là lỗi của chính quyền huyện Yên Dũng và TP. Bắc Giang chứ không phải lỗi từ phía gia đình. Trong khi đó các con tôi hiện vẫn sinh sống ổn định tại thửa đất này thì sao lại nói là đất trồng cây lâu năm được?”.
Chính quyền “đá bóng” trách nhiệm
Nhằm tìm hiểu nguyên nhân của sự việc hi hữu nêu trên, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Bùi Quang Vinh - cán bộ địa chính xã Tân Tiến. Ông Vinh xác nhận với phóng viên: “Thửa đất mà gia đình bà Nhuần đang sinh sống đã được xã Tân Tiến trước kia xác nhận là đất ở, sử dụng ổn định không tranh chấp và phù hợp quy hoạch. Thực tế bà Nhuần đã được cấp GCNQSDĐ. Còn nguyên nhân tại sao hai người con trai của bà, sinh sống trên cùng thửa đất lại không được huyện Yên Dũng cấp Giấy chứng nhận thì tôi không rõ”.
Khó hiểu với cách làm việc của chính quyền
Thời điểm bà Nguyễn Thị Nhuần xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Căn cứ quy định trên, ngày 15/11/2010 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Dũng đã tiếp nhận 3 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Nhuần, ông Hoàng Tiến Giang, ông Hoàng Văn Sơn và trong thời hạn 3 ngày làm việc không có thông báo phải bổ sung hồ sơ. Điều này đồng nghĩa hồ sơ hợp lệ và Văn phòng đăng ký phải thực hiện các thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho 3 người trong thời hạn không quá 50 ngày làm việc.
Trong thời hạn giải quyết các hồ sơ như nhau mà chỉ có 1 hồ sơ được cấp sổ đỏ cũng là điều gây khó hiểu vì chắc chắn hồ sơ đã được cấp sổ phải đủ điều kiện theo quy định.
Vậy 2 hồ sơ còn lại không được cấp vì những lý do gì? Đến thời điểm hiện tại không những 2 bộ hồ sơ không có kết quả mà có khả năng mất hồ sơ, tức là cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm các quy định về trình tự thủ tục tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP nêu trên.
Việc viện dẫn lý do hồ sơ xử lý không kịp do sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến không kịp thời gian xử lý là không có căn cứ và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề trong vấn đề bồi thường khi thu hồi đất để thực hiện dự án.
Luật sư Đặng Thành Chung - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Bà Đỗ Thị Vân - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Yên Dũng cho biết: “Sự việc này đã quá lâu nên chúng tôi không thể nắm bắt được. Hơn nữa thời điểm cuối năm 2010, xã Tân Tiến chuẩn bị sáp nhập vào TP. Bắc Giang nên hồ sơ cũng bàn giao lại cho thành phố. Giờ tìm lại hồ sơ thì chắc cũng chỉ tìm được những hồ sơ đã cấp Giấy chứng nhận mà thôi. Đối với những hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận thì chắc không còn lưu giữ nữa”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng - chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Bắc Giang cho biết: “Theo quy định thì với những hồ sơ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì phải có phiếu trả lại hồ sơ. Tôi không rõ nguyên nhân tại sao xảy ra trường hợp người thì được cấp giấy chứng nhận, người thì không. Việc này phải tra cứu lại hồ sơ và việc lưu hồ sơ thuộc thẩm quyền của huyện Yên Dũng chứ thành phố không lưu hồ sơ”.
Liên quan tới việc xác định phần diện tích đất bị thu hồi của bà Nguyễn Thị Nhuần là đất trồng cây lâu năm, bà Phượng cho biết: “Chúng tôi căn cứ vào hồ sơ giải phóng mặt bằng, vào hiện trạng sử dụng đất và các giấy tờ có liên quan. Hiện trạng phần đất bị thu hồi của bà Nhuần chưa được cấp GCNQSDĐ ở, ngoài phần bếp và nhà vệ sinh thì đa phần là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên sau khi người dân có đơn kiến nghị, chúng tôi đang tiếp tục xác minh nguồn gốc đất để tham mưu thành phố trả lời theo quy định”.