Môi trường

ĐBSCL ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn: Đồng bộ các giải pháp trong ngắn và dài hạn

Nhóm PV Báo TN&MT (lược ghi) 25/04/2024 10:32

(TN&MT) - Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, các cơ quan quản lý, nhà khoa học, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

static.daidoanket.vn-images-upload-trungqt-06292020-_img_6973.jpg

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT):

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

dsc_5290.jpg
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT)

Theo cơ quan chuyên môn đánh giá, hạn, mặn ở ĐBSCL năm nay cao hơn hẳn trung bình nhiều năm và năm 2023 nhưng chưa bằng năm hạn mặn khốc liệt 2016 và 2020. Mặc dù chính quyền các địa phương đã có những giải pháp tích cực để đảm bảo nước sạch nhưng ở những nơi xa điểm cấp nước, người dân địa phương rất vất vả vì thiếu nước ngọt. Xâm nhập mặn sâu và độ mặn tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Tác động khác của hạn hán, khô hạn là mực nước ở các kênh, rạch, ao… đã giảm xuống rất thấp nên sẽ xuất hiện tình trạng sạt lở, sụp lún ở các bờ sông, các bờ kênh, bờ ao như tại Kiên Giang, Cà Mau đã và đang phải đối mặt. Trong khi đó, mùa mưa năm nay ở ĐBSCL sẽ đến muộn, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2024. Chỉ khi đến mùa mưa thì hạn mặn mới chấm dứt.

Hiện tượng El Nino trong khoảng 3 - 4 năm sẽ quay lại một lần, bên cạnh đó, lượng nước về ĐBSCL đã và đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Sự suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn về sẽ làm gia tăng tính gay gắt của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Lượng phù sa về trong khoảng 15 năm gần đây đã giảm khoảng 57%. Còn dòng chảy cũng thiếu hụt tương đối, nhất là mùa cạn. Chúng tôi dự báo con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện theo Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, gồm những giải pháp mang tính đồng bộ trong ngắn hạn cũng như dài hạn để ứng phó với hạn, mặn. Riêng các giải pháp ngắn hạn, trước mắt phải đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước cho sản xuất. Còn hơn một tháng nữa hạn mặn mới kết thúc nên chúng ta phải rà soát lại nguồn nước dự trữ, sử dụng hiệu quả. Ưu tiên nguồn nước cho những hoạt động sản xuất nếu không có nước sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng… Đối với sản xuất nông nghiệp thì vận hành, khai thác tối đa các công trình thủy lợi, tính toán thời gian lấy nước phục vụ sản xuất phù hợp.

Kiên Giang, Cà Mau đã có hiện tượng sạt lở, sụp lún do hạn hán và còn nguy cơ tiếp diễn. Do đó, địa phương cần rà soát và có biện pháp giám sát, cảnh báo sớm cho người dân và doanh nghiệp sinh sống, phát triển sản xuất cạnh những kênh rạch có nguy cơ này. Hạn, mặn, nắng nóng không xảy ra một cách tức thời mà có một thời gian, diễn biến lâu dài nên cần phải ứng phó và chủ động từ sớm thì mới có hiệu quả. Hiện nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn đang vận hành hệ thống công nghệ dự báo đảm bảo độ tin cậy cho các bản tin dự báo về tình trạng thiếu nước, thiếu hụt mưa, xâm nhập mặn để đưa ra các nhận định, cảnh báo sớm, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chủ động ứng phó cho cộng đồng.

PGS.TS. Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam:

Kết hợp giải pháp phi công trình và công trình

z5365327857141_d69cc708725200fc909f7b251853e513.jpg
PGS.TS. Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Theo kết quả giám sát, dự báo chuyên ngành của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến nay là ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng so với năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Đến thời điểm hiện tại, xâm nhập mặn vùng cửa sông Cửu Long đã qua đỉnh điểm - xuất hiện trong ngày 10/3 - 13/3/2024; khu vực hai sông Vàm Cỏ, mặn có thể đã đạt đỉnh từ ngày 12/4 - 16/4/2024 và vẫn tiếp tục duy trì cao đến tháng 5, nếu khu vực không xuất hiện mưa.

Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy vậy, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương trong phòng, chống hạn mặn trên cơ sở kết quả dự báo của các cơ quan chuyên môn triển khai sớm, từ tháng 9/2023, nên đã né tránh được các thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cũng như việc chủ động các giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Vùng ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của quốc gia nhờ các lợi thế về tự nhiên. Tuy vậy, nguồn nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đã có nhiều khác biệt so với quá khứ và không thể đảo ngược do các yếu tố tác động từ khai thác, phát triển ở các nước thượng lưu và tác động từ phía biển và phát triển nội tại ở ĐBSCL. Hiện tại, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL đã thay đổi quy luật, có xu thế xuất hiện ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn.

Theo tôi, chiến lược quan trọng nhất đối với ĐBSCL là chủ động thích nghi có kiểm soát, lấy tài nguyên nước làm cốt lõi để bố trí sản xuất, định hướng phát triển. Các giải pháp để vùng ĐBSCL chủ động thích ứng hạn mặn là phải kết hợp đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau giữa giải pháp phi công trình với giải pháp công trình. Cụ thể, về giải pháp phi công trình, vùng ĐBSCL cần tiếp tục tăng cường, hiện đại hóa công tác giám sát, dự báo chuyên ngành phục vụ cho công tác điều hành mùa vụ; tạo thuận lợi cho nhân dân có thông tin về nguồn nước tin cậy để chuyển đổi sản xuất ngắn và dài hạn.

Đồng thời, điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL phù hợp với dự báo nguồn nước; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt, phù hợp với điều kiện tự nhiên; quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Mặt khác, vùng ĐBSCL cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả.

Còn về giải pháp công trình, vùng ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống thủy lợi ở các vùng ven biển; đồng thời, tiếp tục đầu tư các công trình kiểm soát mặn, nguồn nước tại các vùng mặn đã vượt qua và tác động đến vào các vùng canh tác cây ăn trái. Cùng với các hệ thống thủy lợi tăng cường nguồn cấp nước, người dân địa phương cũng cần chủ động tích nước theo quy mô hộ gia đình, các mương, vườn.

Đối với nước sinh hoạt, rà soát đánh giá tổng thể hiện trạng năng lực cấp nước của các công trình cấp nước sinh hoạt, đánh giá, xác định các giải pháp cấp nước cho những khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Khu vực có thể cấp nước tập trung thì đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp, sữa chữa, mở rộng công trình hiện có. Các khu vực dân cư phân tán, hỗ trợ các dụng cụ tích trữ nước mưa để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và
Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ:

Cần có những giải pháp hữu hiệu, lâu dài

Qua theo dõi, từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra ở hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL. Thiệt hại gây ra cho người dân có nhưng không cao như mùa khô 2015 - 2016; 2019 - 2020.

a-pgs.jpg
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ

Điều này cho thấy các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ sớm; triển khai các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên; xây dựng các vùng chuyên canh theo sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ… Người dân đã chủ động tích trữ nước từ cuối mùa mưa trong các lu, kiệu, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi những tháng diễn ra khô hạn, mặn xâm nhập; chuyển đổi đất sản xuất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa/năm sang sản xuất theo mô hình lúa tôm; lúa - cây màu.

Theo tôi, để ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, giải pháp trước mắt là các địa phương, người dân vùng ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo sinh thái nguồn nước; tích trữ nước trong kênh, mương; thay đổi tập quán sản xuất, ưu tiên những cây trồng sử dụng nước ít; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.

Còn về giải pháp lâu dài, các bộ, ngành cần triển khai quy hoạch cấp nước cho cả vùng ĐBSCL thông qua việc xây dựng các nhà máy bơm nước mặt từ sông lớn qua hệ thống đường ống dẫn nước thô về các nhà máy xử lý, đặc biệt là những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước để cung cấp lại cho người dân sinh hoạt. Mặc dù chi phí xây dựng nhà máy, đầu tư đường ống dẫn nước cao hơn nhưng đây sẽ là giải pháp tối ưu khi giảm tối đa thất thoát nguồn nước, ít mất đất và ít ô nhiễm. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần nghiên cứu phương án bơm nước mưa, nước lũ xuống nước ngầm và phương án ứng phó khi nguồn nước sông Hậu bị ảnh hưởng từ dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia...

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre:

Tiếp tục chủ động ứng phó hạn, mặn

z5364945740959_db9bfb7c4c6fbf043e6bd91fdd83f51b(1).jpg
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre

Hiện tại, các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024; tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.

Do hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chưa khép kín, nên xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước, dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao theo diễn biến xâm nhập mặn; đồng thời, phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trải tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, lọc mặn.

Để ứng phó với xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bến Tre tiếp tục theo dõi diễn biến xâm nhập mặn và chủ động phối hợp với các ngành, địa phương vận hành các công trình thuỷ lợi; tăng cường công tác kiểm tra tình hình ô nhiễm nguồn nước nhằm tiêu mặn, lấy ngọt, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các đơn vị cấp nước thường xuyên tổ chức đo mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.

Để ứng phó hạn mặn, các ngành, các cấp, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phát động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các hồ, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và các biện pháp khác đảm bảo có nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Riêng ngành Nông nghiệp Bến Tre tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm nước mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng...

Ông Đặng Hoàng Lam - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre:

Tình hình xâm nhập mặn có xu thế giảm dần

z5365683654062_1b3633e09fcae5fa2897746d585459d5.jpg
Ông Đặng Hoàng Lam - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre

Với nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi nhận định trong nửa cuối tháng 4 này, tình hình xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Trong đó, ở khu vực thượng nguồn của tỉnh Bến Tre là huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành, trên sông Cổ Chiên thường xuyên có nước ngọt. Tuy nhiên, khu vực từ 50 - 60km trở xuống cửa sông, xâm nhập mặn vẫn còn duy trì và xâm nhập theo triều ở mức cao; xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần trong tháng 5 nhưng vẫn còn xâm nhập mặn theo triều ở mức cao từ khu vực cách cửa sông 48 - 50km trở xuống; xâm nhập mặn giảm mạnh và kết thúc trong tháng 6/2024.

Tình hình mưa, dự báo mùa mưa năm 2024 sẽ bắt đầu ở mức xấp xỉ và muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa khu vực tỉnh Bến Tre năm 2024 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 200 - 600mm, tập trung từ tháng 6 - 10/2024. Thời gian chuyển mùa từ nữa đầu tháng 5/2024. Ngày bắt đầu mùa mưa sẽ muộn hơn năm 2023, vào khoảng ngày 15/5 - 25/5/2024. Ngày kết thúc mùa mưa muộn hơn trung bình nhiều năm, vào 10 ngày cuối của tháng 11/2024. Khu vực tỉnh Bến Tre trong nữa cuối tháng 4 và tháng 5 vẫn còn xuất hiện nắng nóng, có nơi xuất hiện nắng nóng gay gắt.

Trong thời gian này, khả năng thiếu nước ngọt cục bộ trong sinh hoạt và sản xuất. Trong thời gian tới, dự báo sẽ xuất hiện mực nước đỉnh triều thấp hơn mức báo động 2 đến cao hơn báo động 3 trong tháng 9, tháng 10/2024 sẽ gây ngập các vùng trũng, đường giao thông, các khu vực chợ, các khu vực nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn trái... có độ cao thấp, các khu vực ven sông rạch, vùng ngoài đê bao, đê bao yếu, vùng tiêu thoát nước kém.

Ông Nguyễn Văn Kiệt Em (ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)

Mô hình lúa - tôm mang lại nhiều lợi ích

a-ong-nguyen-van-kiet-em-o-ap-7-xa-luong-nghia-huyen-long-my-tinh-hau-giang.jpg
Ông Nguyễn Văn Kiệt Em

Ban đầu, gia đình tôi có 15 công đất nhưng thường xuyên nhiễm phèn mặn. Song, sau hơn 10 năm thực hiện mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm/năm, gia đình tôi không những đảm bảo được cuộc sống hàng ngày mà còn mua thêm được 30 công đất. Hiện tại, gia đình tôi có tổng cộng 45 công đất và đưa hết vào Tổ Hợp tác sản xuất mô hình lúa - tôm. Qua một thời gian thực hiện, tôi nhận thấy mô hình lúa - tôm phù hợp với vùng đất thường xuyên ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình tôi và các hộ dân ấp 7, xã Lương Nghĩa đã xác định mô hình lúa - tôm là mô hình sản xuất bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Để thực hiện tốt hơn nữa mô hình này trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng về con giống, kỹ thuật nuôi tôm và tiếp cận với nguồn vay ưu đãi để đầu tư. Đây là động lực giúp tôi và các hộ dân khai thác hiệu quả đất đai, cũng như nâng cao thu nhập từ mô hình sản xuất này.

Thanh Bạch - Lê Hùng -Nguyễn Quỳnh - Khánh Ly (lược ghi)

Nhóm PV Báo TN&MT (lược ghi)