Bạn đọc - Pháp luật

Long đong "phận sứa" trên đảo Cô Tô - Kỳ 2: Nguy cơ phá sản diện rộng

Doãn Xuân - Phạm Hoạch 25/04/2024 07:54

Đầu tư tiền tỷ nhưng đang thu về tiền lẻ, đó là sự thật đang tồn tại ở khu chế biến sứa huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Có chủ xưởng đã đầu tư vài chục tỷ đồng với mong muốn đưa nghề chế biến sứa và sản phẩm mang thương hiệu sứa Cô Tô xuất khẩu ra nước ngoài nhưng giấc mơ ấy có nguy cơ phá sản vì chính quyền không “mặn mà” trong việc đưa vào quy hoạch vùng chế biến sứa tập trung.

vang-chuyen-nghiep-mau-chuyen-tiep-phat-trien-ung-dung-bai-dang-facebook_20240423_154933_0000.png

“Con ruột” thành… “con ghẻ”

Khi hỏi về lịch sử huy hoàng của con sứa ở Cô Tô, nhiều người dân Cô Tô đều khẳng định: Con sứa lâu nay luôn giữ ngôi vị số 1 của ngành đánh bắt và chế biến thủy sản ở Cô Tô. Gần đây du lịch được đầu tư lớn nên ngành sản xuất sứa đã "bị" du lịch soán ngôi. Mặc dù bị "ghẻ lạnh" thế nhưng doanh thu từ con sứa vẫn rất lớn. Hơn nữa, việc khai thác và chế biến sứa không ảnh hưởng tới những tháng cao điểm du lịch ở Cô Tô.

Video long đong "phận sứa" trên đảo Cô Tô

Được biết, mùa khai thác và chế biến sứa bắt đầu từ tháng 12 âm lịch (năm trước) và kéo dài đến hết tháng 3 dương lịch (năm sau). Theo kinh nghiệm dân gian, cứ tháng 3 dương lịch hàng năm có mưa và sấm là báo hiệu mùa khai thác sứa đã hết. Đây cũng là thời gian thấp điểm mùa du lịch Cô Tô. Do đó, việc đánh bắt và chế biến sứa tại Cô Tô không hề ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Anh Nguyễn Văn Kỳ - chủ xưởng chế biến sứa ở Thị trấn Cô Tô cho biết: "Chính quyền cứ đổ lỗi cho con sứa làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch ở Cô Tô! Chúng tôi đã đưa ra ý kiến tại các đợt tiếp xúc cử tri, đồng thời phân tích thế mạnh của hoạt động khai thác và chế biến sứa. Vấn đề là chính quyền có muốn cho ngành chế biến sứa tồn tại hay không mà thôi?! Nếu không muốn thì thiếu gì lý do để họ làm khó hoạt động khai thác và chế biến sứa".

anh-1-ky-2.jpg
Khai thác và chế biến sứa luôn là thế mạnh của Cô Tô nhưng tương lai liệu có còn nghề này?

Ông Vũ Văn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực huyện Cô Tô, cho biết: "Phải ưu tiên cho hoạt động du lịch. Hơn nữa, hiện tại quy hoạch sản xuất sứa đang không phù hợp. Ở Thị trấn Cô Tô thì vướng vào quy hoạch Cụm Công nghiệp Nam Âu cảng, còn bên xã đảo Thanh Lân thì vướng vào một phần diện tích quy hoạch Dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển". Ông Hiển cho biết thêm: "Phải tập trung vào những chỗ lớn, quy củ hơn, hạn chế lẻ tẻ, manh mún". Khi phóng viên đặt câu hỏi "Cụ thể quy củ thế nào?", ông Hiển cho biết: "Huyện đang tập trung cho 2 đơn vị chế biến sâu sản phẩm từ sứa, tức sẽ chế biến sứa thành sản phẩm sứa ăn liền và cung cấp cho thị trường trong nước"; "Vậy là từ vài chục cơ sở chế biến sứa sẽ chỉ còn 2 cơ sở được phép hoạt động?", ông Hiển không trả lời thẳng vấn đề phóng viên hỏi mà đánh trống lảng sang câu chuyện khác.

Ông Hiển chia sẻ thêm: "Sẽ hướng cho người dân chuyển từ nghề đánh bắt và chế biến sứa sang nghề nuôi trồng biển. Huyện đã quy hoạch 5.600ha để nuôi bào ngư, hải sâm, cơ cấu đội tàu đánh bắt thủy sản". Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: "Vậy đây có phải lý do UBND huyện Cô Tô không gia hạn thuê đất cho các chủ xưởng sứa?", ông Hiển khẳng định: "Phù hợp với quy hoạch sẽ gia hạn, không phù hợp thì không gia hạn, không bồi thường khi Nhà nước thu hồi".

anh-2-ky-2.jpg
Sứa Cô Tô được đưa lên tàu biển để vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ

Anh Minh - một chủ tàu từ TP. HCM ra huyện Cô Tô nhập sứa, chia sẻ: "Mấy năm nay, năm nào tôi cũng ra huyện Cô Tô lấy sứa để đem vào miền Nam tiêu thụ, mỗi lần lấy cả trăm tấn sứa. Sứa miền Bắc nói chung và đặc biệt sứa vùng biển Cô Tô nói riêng rất ngon, ăn giòn và ngọt thanh, người miền Nam rất chuộng. Chúng tôi mỗi lần ra lấy cả trăm tấn sứa mà không đủ để cung cấp cho thị trường phía Nam! Giờ biết tin chính quyền sẽ “xóa sổ” con sứa tại Cô Tô, chúng tôi thấy rất tiếc vì nơi đây là “rốn sứa” của cả nước, nếu không được tiếp tục khai thác và chế biến thì quả thật rất lãng phí".

Nhiều lao động có nguy cơ mất “cần câu cơm”

Theo anh Quang - một ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ở Cô Tô cho biết: “Cứ vào tháng 12 âm lịch hàng năm là chúng tôi dừng mọi hoạt động đánh bắt thủy sản để tập trung khai thác sứa, có thời điểm chính vụ sứa, đội tàu khai thác lên đến gần 150 tàu, thường mỗi tàu có từ 3 đến 7 lao động. Thu nhập bình quân từ 3 -10 triệu đồng/tàu/ngày, một số tàu lớn và nhiều lao động thì doanh thu có khi lên đến 15 - 20 triệu đồng/tàu/ngày”.

Ông Ngô Văn Liệu - Bí thư, Chủ tịch Thị trấn Cô Tô thừa nhận: Sứa luôn đứng đầu doanh thu ngành thủy sản ở Cô Tô. Thời điểm chính vụ, giá có thể 10 ngàn đồng/con sứa, một đêm chủ tàu có thể khai thác được 10 triệu đồng là chuyện bình thường. Trong khi, giá thành phẩm của con sứa được phân loại và dao động từ 20 - 35 ngàn đồng/kg. Tổng doanh thu từ con sứa có thể lên đến vài trăm tỷ/mùa khai thác và chế biến.

Anh Quang chia sẻ thêm: “Thú thật, nếu bắt buộc phải dừng hoạt động khai thác sứa thì chúng tôi thấy rất tiếc vì hàng năm con sứa đang đem lại nguồn thu nhập rất lớn và ổn định cho ngư dân. Chúng tôi hay nói vui: Trời ban “núi vàng trắng” cho ngư dân Cô Tô để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống và tiếp tục bám biển, bám đảo, giữ vững vùng biển thiêng liêng cho Tổ quốc, nếu giờ không được khai thác nữa thì buồn quá và thấy lãng phí vô cùng".

img_7633.jpg
Hàng trăm lao động nữ giới trên đảo Cô Tô có nguy cơ mất việc làm

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Định, năm nay 65 tuổi làm bán thời gian tại xưởng chế biến sứa của nhà chị Trần Thị Thủy, ở thị trấn Cô Tô, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch và chế biến sứa là cô lại vào đây nhận việc phân loại và sơ chế sứa. Công việc của cô và nhiều người lao động khác là dùng dao, kéo phân loại: Chân, tay, thân, óc sứa… thu nhập có ngày lên tới 800 - 900 ngàn đồng/người. Nếu trời mát hoặc thuyền về nhiều có khi phải chạy 2 - 3 xưởng một ngày, nhiều lúc thấy vất nhưng bù lại thu nhập cao nên các cô cố gắng làm”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Cô có biết việc phân loại và chế biến sứa sắp tới phải dừng không?", cô bảo: "Biết chứ! Không phải cô đâu mà hàng trăm lao động thời vụ như cô đều biết tin này và thấy rất buồn. Buồn vì sẽ thất nghiệp, không có thêm thu nhập, không biết sẽ làm gì để cải thiện cuộc sống gia đình, vì ngoài đảo không làm công việc này các cô cũng không biết kiếm việc gì để làm".

Anh Vũ Văn Phương, quê ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Hơn 5 năm nay, cứ vào vụ sứa, tôi và nhiều người cùng xã ra làm công nhân tại xưởng chế biến sứa ở Khu 4, thị trấn Cô Tô. Công việc chế biến sứa tuy nặng nhọc nhưng không vất vả như nghề đánh bắt thủy sản quanh năm lênh đênh trên biển, đối mặt với không ít rủi ro. Mùa chế biến sứa kéo dài hơn 3 tháng, giúp cho những người lao động như chúng tôi có việc làm và thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, hơn nữa làm việc tại các xưởng chế biến được bao ăn, ở miễn phí, nên khi hết vụ sứa, mỗi người cũng để ra được một khoản nhất định".

img_7762.jpg
Nguy cơ mất việc, không có thu nhập ổn định sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống hàng trăm hộ dân huyện Cô Tô

Đặc biệt hơn, trường hợp anh Đỗ Văn Toàn, ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho hay: "Ở trong quê tôi làm nghề sản xuất muối, khá vất vả, lại thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nên khi được người quen rủ ra Cô Tô làm sứa tôi liền đi theo. Công việc chế biến, đóng hộp sản phẩm từ con sứa không nặng nhọc và mất nhiều sức như làm muối. Tại đây, chúng tôi chủ yếu làm việc trong nhà, dưới mái tôn nên tôi thấy khá nhàn, hơn nữa lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm muối ở quê. Tôi mới ra làm nhưng được chủ xưởng trả hơn 10 triệu đồng/tháng, số tiền này tôi tiết kiệm để đến hết vụ sứa về quê mua chiếc xe máy mới để chạy xe ôm và số tiền còn lại sẽ mua đồ dùng cho gia đình".

Ông Ngô Văn Liệu - Bí thư, Chủ tịch UBND Thị trấn Cô Tô, cho biết: “Hoạt động khai thác và chế bến sứa tuy một năm có mấy tháng nhưng đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận như: Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình… Đặc biệt, hoạt động chế biến sứa thu hút đa dạng nguồn lao động tự do, ngư dân, nông dân, người già... đều có thể làm được”.

Ông Liệu thừa nhận: “Hoạt động du lịch ở Cô Tô không đều trong năm, chủ yếu tập trung mấy tháng cao điểm mùa nóng. Sau thời gian đó, người lao động lại rơi vào tình cảnh “thất nghiệp”. Do đó, nếu duy trì nghề khai thác, chế biến sứa và đồng thời kết hợp phát triển nghề nuôi trồng biển, đánh bắt thủy sản sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương quanh năm, giúp họ tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên chính hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Sẽ phá sản diện rộng

Để có cái nhìn tổng quan và đầy đủ về 2 khu vực sản xuất sứa, chúng tôi đã liên hệ với một chủ tàu để thuê họ chở sang xã đảo Thanh Lân, cách đảo Cô Tô lớn gần 3km đường biển. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều chủ xưởng thu gom, chế biến sứa ở xã Thanh Lân.

Chị Trần Thị Vơi, quê Nam Định, ra xã Thanh Lân từ năm 2000 theo diện đi vùng kinh tế mới, năm 2008 chị bắt đầu chuyển sang nghề chế biến sứa. Chị Vơi cho biết: "Ngày đầu sản xuất sứa gian nan lắm, việc đầu tư ngoài đảo lớn hơn đất liền rất nhiều, từ viên gạch, bao cát, bao xi… đều mang từ đất liền ra, chi phí vô cùng lớn. Tôi đã đầu tư 3 xưởng chế biến sứa, một xưởng hiện tại chính quyền đã ra thông báo thu hồi, một xưởng phải bán cho người khác để lấy vốn quay vòng duy trì sản xuất, giờ chính thức cả nhà chỉ còn một xưởng và cứ theo đà này, nay mai huyện thu hồi tiếp thì không biết chúng tôi phải sống thế nào, lấy đâu tiền để trả nợ ngân hàng?!”. Được biết, đến nay gia đình chị Vơi đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào 3 xưởng chế biến sứa và vẫn còn nợ ngân hàng.

Nếu nói đến đầu tư cơ sở vật chất lớn nhất tại xã Thanh Lân thì phải kể đến chị Bùi Thị Ngát (dân xã đảo Thanh Lân hay gọi chị Mai Đàm như Kỳ 1 chúng tôi đã đề cập). Chị là Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghề cá Thanh Lân. Chị Mai Đàm hiện có 3 xưởng chế biến sứa đang hoạt động, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và nhiều tỉnh thành khác, với mức thu nhập từ 10 - 17 triệu đồng/người/tháng.

anh-3-ky-2.jpg
Chị Mai Đàm chỉ về cảng tàu do gia đình bỏ tiền xây dựng để phục vụ hoạt động của xưởng sản xuất sứa và cho ngư dân tránh trú tàu thuyền

Chị Mai Đàm chia sẻ: "Từ một bãi triều hoang sơ, tôi đã đầu tư bờ kè cao 3m, rộng 3m để ngăn sóng biển và tiện cho người dân đi lại. Cộng với chi phí đầu tư 3 nhà xưởng, con số có khi lên tới gần 60 tỷ đồng”. Quả không ngoa chút nào, bởi quy mô và độ chịu khó đầu tư của chị Mai Đàm đã khiến chúng tôi phải thán phục trước ý chí và nghị lực phi thường của chị.

Tất cả nhà xưởng được chị xây bê tông kiên cố, hệ thống mái che được gia cố khung sắt bề thế, đường gom và đường bao biển được đổ bê tông dày cả mét, hệ thống thu gom nước thừa trong quá trình sản xuất sứa được chị đầu tư hiện đại, phân cấp rõ rệt và ngoài ra, chị còn bỏ tiền đầu tư cả một cảng tàu để thuyền ra vào lấy hàng dễ dàng, đồng thời phục vụ miễn phí cho người dân khi có nhu cầu tránh trú, neo đậu tàu thuyền khi có mưa bão.

Chị Mai Đàm tâm sự: “Hiện 2 xưởng của chị đã hết thời hạn thuê đất, còn 1 xưởng đến năm 2027 sẽ hết hạn, nếu huyện không gia hạn thuê đất mà tiến hành thu hồi thì quả thực chị không biết bấu víu vào đâu. Em biết rồi đấy, anh Mai Đàm (chồng chị Ngát) đã bị tai biến, giờ chỉ có chị cáng đáng mọi việc, chị mà không vững, lỡ may có chuyện xấu xảy ra thì chị cũng không biết mình sẽ thế nào? Thôi cố đến đâu tính tới đó, biết kêu ai bây giờ".

Anh Nam - một công nhân lâu năm làm tại xưởng chế biến sứa nhà chị Mai Đàm, tâm sự: "Chị Mai Đàm rất bản lĩnh, chồng chị ấy bị tai biến, giờ khó đi lại, sinh hoạt cá nhân còn cần người thân giúp đỡ, cho nên mọi công việc tại xưởng đều do chị ấy cáng đáng. Nhà xưởng hiện tại của chị Mai Đàm được đầu tư lớn nhất, hiện đại nhất ở huyện đảo Cô Tô, với khát vọng đưa thương hiệu sứa Cô Tô xuất khẩu chính ngạch ra thế giới. Tuy nhiên, cuối năm 2023, chị Mai Đàm nhận được tin "sét đánh" là chính quyền không có chủ trương gia hạn cho thuê đất và sẽ không quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung. Nếu bây giờ chính quyền thông báo dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến sứa thì tôi không biết chị ấy có đứng vững được không, mặc dù chị Mai Đàm nổi tiếng là "người đàn bà thép" ở huyện đảo Cô Tô".

anh-4-ky-1.jpg
Nguy cơ nhiều chủ xưởng chế biến sứa phá sản rất cao

Được biết, các chủ xưởng sứa đã đầu tư từ 5 - 10 tỷ đồng, người nhiều như gia đình chị Mai Đàm thì gần 60 tỷ đồng, "quả ngọt" chưa được hưởng nhưng nỗi lo phá sản lại luôn hiện hữu trong tâm trí của các chủ xưởng chế biến sứa. Chị Nguyễn Thị Mười - chủ xưởng chế biến sứa ở Thị trấn Cô Tô, tâm sự: "Tất cả chủ xưởng đến nay đã hết thời hạn thuê đất, chúng tôi chỉ biết sản xuất tạm, không biết khi nào UBND huyện thu hồi và cũng chưa biết đến khi nào chúng tôi thu hồi hết vốn đầu tư. Nói thật chỉ cần huyện ra thông báo dừng mọi hoạt động chế biến sứa là chúng tôi phá sản ngay lập tức, lúc đó có người sẽ trốn nợ, bỏ đảo về quê cũ hoặc chuyển nghề để mưu sinh qua ngày".

Tôi từng viết nhiều đề tài điều tra nhưng chưa bao giờ gặp phải đề tài mà vừa viết bài lại có tâm trạng bất an và lo lắng thay cho các chủ xưởng sứa ở huyện đảo Cô Tô như lúc này. Bởi vì trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấu hiểu được họ đổ tiền của vào con sứa lớn đến nhường nào! Bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi, thậm chí là máu đã đổ xuống đây vì con sứa, bây giờ họ đang đối diện với nguy cơ trắng tay bất cứ lúc nào.

anh-4.1-ky-2.jpg
Khoanh đỏ (mũi Đuôi Chuột) vị trí được huyện Cô Tô "quy hoạch tạm thời" sản xuất sứa - khoảng cách khá xa so với bãi tắm du lịch Cô Tô và được ngăn cách bởi âu tàu tránh trú bão của tàu thuyền

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Con sứa là sản phẩm tự nhiên mà không thể gây nuôi được, do đó phải có chiến lược khai thác và chế biến lâu dài để tái tạo tài nguyên hiệu quả. Để làm được điều đó thì huyện Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh phải đưa nó vào quy hoạch sản xuất tập trung, chế biến sâu, biến nó thành sản phẩm thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tránh các rủi ro về nguồn gốc, xuất xứ, có như thế thì con sứa mới mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định lâu dài.

Bài và ảnh: Doãn Xuân – Phạm Hoạch

Kỳ 3: Cần có vùng quy hoạch sứa tập trung

Doãn Xuân - Phạm Hoạch