Môi trường

Tuyên Quang: Nâng cao đời sống nhờ trồng cây dược liệu

Hoàng Ngân 24/04/2024 - 16:58

(TN&MT) - Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiện là giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân tại Tuyên Quang.

bc45ed2a4ae4e4babdf5.jpg
Mô hình trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán từng tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang

Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô.

Cây dược liệu tại Tuyên Quang có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương.

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên được 1.200 ha; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trồng được 300 ha. Mở rộng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen, cà gai leo. Tỉnh cũng đã hình thành được 11 mô hình liên kết trồng cây dược liệu và bao tiêu sản phẩm.

Lâm Bình là một trong những huyện đã và đang triển khai mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiệu quả của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có khoảng100 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với rất nhiều loại dược liệu được người dân lấy từ tự nhiên về trồng như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, thảo quả. Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi.

Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An (huyện Lâm Bình) được thành lập từ năm 2021 với 13 thành viên. Trên cơ sở nhận khoán bảo vệ rừng, các thành viên trong Hợp tác xã tận dụng tán rừng tự nhiên trồng các cây dược liệu. Cây dược liệu sau thu hoạch được đưa vào các bài thuốc gia truyền của các thành viên và bán theo thang để trị bệnh, do vậy hiệu quả kinh tế cao. Các thành viên trong Hợp tác xã cũng có thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng từ trồng cây dược liệu.

Trên cơ sở xác định được tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu tại địa phương, huyện Lâm Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển vùng dược liệu quy mô; hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng và tiến tới thành lập làng nghề thuốc truyền thống tại xã Phúc Yên. Phát triển triển cây dược liệu sẽ tạo thêm sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch - nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

img_20231201104852.jpg
Người dân một số xã của huyện Sơn Dương đầu tư thâm canh cà gai leo để phát triển kinh tế

Còn tại huyện Sơn Dương, xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ, vận động người dân tại một số xã trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng dược liệu tập trung. Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cho cây trồng, huyện Sơn Dương đã làm cầu nối, liên kết với một số doanh nghiệp để kí kết hợp tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay cây dược liệu cà gai leo đang được người dân các xã Hợp Hoà, Quyết Thắng (Sơn Dương) trồng cung cấp cho một số cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích gần 40 ha. Với giá bán ổn định, cà gai leo đang là cây trồng được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế trên vùng đất cằn.

Là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa đã đồng hành với bà con nông dân huyện Sơn Dương trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Trong đó, người dân bỏ đất, bỏ sức lao động và phân bón, Hợp tác xã cấp giống, hướng dẫn sát sao kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu. Hiện đơn vị thu mua cây cà gai leo cho bà con với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, Hợp tác xã đang sản xuất trà cà gai leo dạng túi lọc đóng hộp lớn, nhỏ với giá bán từ 40.000 - 70.000 đồng/hộp.

Trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại Tuyên Quang. Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung xác định vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu; thực hiện tái cơ cấu các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP-WHO; hình thành vùng trồng, thu hái dược liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

Đồng thời, khuyến khích các địa phương linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Hoàng Ngân