Khoáng sản

Sóc Trăng: Đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án trọng điểm

Lê Hùng (thực hiện) 24/04/2024 - 16:56

(TN&MT) - Để đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ san lấp các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Sóc Trăng tập trung phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để tiến tới khai thác cát sông, cát biển. Để hiểu hơn về nhiệm vụ quan trọng này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

o-nam.jpg
Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

PV: Để đáp nguồn cát phục vụ san lấp dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai giải pháp nào, thưa ông?

Ông Vương Quốc Nam:

Để đáp ứng yêu cầu nguồn cát phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh và vùng ĐBSCL, ngày 09/12/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức bàn giao hồ sơ 05 mỏ cát trên sông Hậu cho 04 nhà thầu thi công để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác phục vụ dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 theo cơ chế đặc thủ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, các nhà thầu thi công đã được giao hồ sơ mỏ cát, gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Hải Đăng, Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP. Tổng nhu cầu nguồn cát để phục vụ các gói thầu dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 của 4 nhà thầu thi công này là hơn 6,5 triệu m3 cát.

Sau khi bàn giao hồ sơ các mỏ cát, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp cùng với các nhà thầu khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác cát phục vụ dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Hiện tại, 01 nhà thầu đã hoàn thành cam kết bảo vệ môi trường cũng như đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và gửi đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù. Còn 03 nhà thầu khác hiện đang khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục cam kết bảo vệ môi trường và đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông.

a2-st.jpg
Hiện nay các nhà thầu đã được UBND tỉnh Sóc Trăng giao mỏ cát sông đang khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục theo quy định để tiến hành khai thác cát

PV: Vậy còn việc khai thác cát biển để góp phần đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án đường cao tốc và phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL đã được địa phương triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Vương Quốc Nam:

Tháng 12/2023, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức cuộc họp bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng thuộc Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” cho UBND tỉnh Sóc Trăng - Sở TN&MT tiếp nhận bàn giao tài liệu vào tháng 3/2024. Để khai thác, cung ứng vật liệu cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp cận, khảo sát cát biển để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác phục vụ các dự án theo cơ chế đặc thù. Cụ thể , hỗ trợ, hướng dẫn Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn khảo sát khoanh định vị trí, diện tích mỏ cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng.

Về trình tự, thủ tục khai thác cát biển được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cũng giống như khai thác cát sông được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; và khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27/01/2024 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

a3-st.jpg
Các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công tiếp cận, khảo sát các mỏ cát biển trong khu B1 đã được Bộ TN&MT bàn giao kết quả đánh giá

PV: Để sớm tiến hành khai thác cát biển góp phần phục vụ các dự án đường cao tốc và xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL, Sóc Trăng tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng nào, thưa ông?

Ông Vương Quốc Nam:

Hiện nay, theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ thì các dự án nằm trong Phụ lục IV kèm theo Nghị quyết này được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản. Để đảm bảo việc khai thác, cung ứng vật liệu cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã có Văn bản kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan hỗ trợ rà soát, xác định nhu cầu sử dụng vật liệu cát biển cụ thể đối với từng gói thầu hiện tại, gói thầu nào còn thiếu và sử dụng được cát biển, để làm cơ sở cho tỉnh Sóc Trăng thực hiện các bước tiếp theo.

Song song đó, tỉnh Sóc Trăng còn chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu thi công - hiện nay có 02 đơn vị là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn xin khảo sát - tiếp cận, khảo sát các mỏ cát biển trong khu B1 đã được Bộ TN&MT đánh giá. Sau đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ xin ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ GTVT đối với các thủ tục có liên quan để cho phép nhà thầu đăng ký khai thác theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)