Bạn đọc - Pháp luật

Long đong “phận Sứa” trên đảo Cô Tô

Doãn Xuân - Phạm Hoạch 24/04/2024 14:09

Đánh bắt, chế biến sứa từng giữ ngôi vị số 1 trong ngành khai thác và chế biến thủy sản ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh suốt thời gian dài. Thế nhưng, những năm gần đây, con sứa đang đánh mất dần ngôi vị và có nguy cơ bị "xóa sổ". Nguyên nhân là do huyện Cô Tô chưa mặn mà với việc quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung.

anh-4.1-ky-2(1).jpg

Kỳ 1: Nghịch cảnh nghề từng giữ ngôi vị số 1

Cô Tô được ví là "rốn sứa" của ngư trường miền Bắc, doanh thu từ sứa luôn đứng đầu ngành khai thác, chế biến thủy sản của địa phương. Sứa đã đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm ngư dân, đồng thời giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động... Sứa cũng góp phần quan trọng vào công cuộc bám biển, bám đảo, giữ vững phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy mà, một nghịch cảnh có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần, đó là nghề khai thác và chế biến sứa sẽ không còn tồn tại ở huyện đảo Cô Tô!

"Con đường đau khổ"

Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi được một người dân bản địa đồng ý dẫn tới thăm vùng chế biến, sản xuất sứa ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Mất hơn 1 giờ ngồi tàu cao tốc từ cảng tàu quốc tế Ao Tiên, huyện Vân Đồn, chúng tôi cập bến cảng Cô Tô. Từng đến với Cô Tô nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, Cô Tô luôn hiện ra trong vẻ đẹp lãng mạn, nguyên sơ và mới mẻ! Trước mắt tôi là một bức tranh khổng lồ giữa đại dương bao la.

Từ cảng tàu Cô Tô, chúng tôi di chuyển bằng xe điện khoảng 2km, sau đó nhập vào "con đường đau khổ" chạy dọc mép nước biển, đá cứng và mấp mô. Anh bạn dẫn đường "hù": “Nhà báo "chân yếu tay mềm" nên đi cẩn trọng nhé. Nhiều người từng gãy chân, đứt dây chằng và thương tích đầy mình khi đi lại trên cung đường này rồi”.

Quả không sai, vừa chạm chân tới "con đường đau khổ", cảm giác lạnh sống lưng đã dậy lên trong tôi. Những mỏm đá nhô lên như xương sống khủng long, sắc lẹm như lưỡi dao vậy, hình dung chỉ một chút sơ sểnh ngã xuống thì đứt tay, đứt chân là chuyện bình thường.

Anh bạn dẫn đường tâm sự: “Đây là con đường bộ duy nhất dẫn vào vùng sản xuất sứa ở thị trấn Cô Tô. Hằng ngày, chúng tôi vẫn phải đi ra, vào trên con đường đầy nguy hiểm này, nhưng đi mãi thành quen, thành chai lì rồi. Trước đây, từng có chủ xưởng chế biến sứa đi qua đây bị ngã và đứt dây chằng chéo chân. Còn người bị xước chân, tay, bầm tím cơ thể thì không đếm hết được”.

anh-1-ky-1.jpg
Phóng viên đi vào khu vực chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô

"Tại sao bà con không tự mở đường vào khu sản xuất sứa hả anh?", "Rất muốn chú ạ, nhưng để mình dân tự làm thì không đủ kinh phí, phải có chủ trương của chính quyền mới làm được. Không chỉ đường đi khó khăn mà điện lưới và nước ngọt cũng chưa được "phủ sóng" tại đây. Để có điện, các chủ xưởng phải chạy máy phát, nước ngọt thì mua theo tàu hoặc khoan giếng để lấy nước lợ dùng cho sinh hoạt".

Trên đường vào xưởng, thi thoảng chúng tôi bắt gặp người lao động và một vài chủ xưởng sản xuất sứa, họ chủ yếu ra thị trấn mua sắm hoặc giải quyết công việc riêng. Khi biết có nhà báo vào thăm khu sản xuất sứa, họ vui lắm, ai nấy đều bắt tay và nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận vì đường đá rất hiểm trở.

img_7521.jpg
“Con đường đau khổ” hàng ngày người lao động và chủ xưởng sứa phải đi qua

Sắp đi qua cung đường đá hiểm trở dài gần 2,5km, khu sản xuất sứa bãi triều 1 đã ở trong tầm mắt chúng tôi. Đây là khu vực mà chính quyền đã yêu cầu các chủ xưởng sản xuất sứa dừng hoạt động. Hiện tại hàng trăm bể chứa sứa, nhà ở bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm! Mải mê quan sát, thật không may, anh bạn đồng nghiệp trượt chân đập vào phiến đá khiến máu chảy ròng ròng. Rất may nhờ có lớp quần bò dày nên vết thương không quá lớn. Băng bó tạm, chúng tôi tiếp tục hành trình vào vùng sản xuất sứa.

Hai đảo sứa mang chung số phận

Ông Lê Bá Tùng - một chủ cơ sở chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô cho biết: “Nhà tôi có 2 xưởng sản xuất sứa tại bãi triều 2 và bãi triều 3, thuộc khu 4 của Thị trấn. Quy mô 2 xưởng trên 6.000m2, tuy nhiên từ năm 2023, một xưởng đã hết thời hạn thuê đất, một xưởng đến năm 2026 sẽ hết hạn. Tôi cũng rất hoang mang vì nghe tin huyện Cô Tô không có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung”.

Chung nỗi niềm, chị Trần Thị Thủy - một chủ xưởng sản xuất sứa ở thị trấn Cô Tô tâm sự: “Chúng tôi đã đầu tư gần chục tỷ đồng vào đây. Trước đây, vùng này là một bãi triều hoang vắng, sau đầu tư đã thành khu sản xuất sứa tập trung. Chúng tôi đã bỏ biết bao mồ hôi công sức, trong khi vốn chưa thu hồi hết thì thời hạn thuê đất đã hết, chính quyền lại không có chủ trương gia hạn và thông tin sẽ thu hồi lại đất khiến chúng tôi rất hoang mang, không biết tương lai sẽ đi về đâu".

Huyện Cô Tô hiện có thị trấn Cô Tô và xã đảo Thanh Lân sản xuất sứa, trước đây, thời hoàng kim, có tới 35 cơ sở sản xuất sứa, từ sau đại dịch Covid-19, hiện thị trấn Cô Tô còn 15 cơ sở và xã đảo Thanh Lân còn 6 cơ sở hoạt động.

Theo khảo sát của phóng viên, tất cả các xưởng sản xuất sứa ở thị trấn Cô Tô đều đã hết thời hạn thuê đất, có nhiều xưởng đã hết hạn vài năm, có xưởng vừa hết hạn vào tháng 12/2023. Chỉ duy nhất một xưởng chế biến sứa của ông Lê Bá Tùng còn thời hạn thuê đất đến năm 2026. Được biết, hiện tại các chủ xưởng sứa được huyện Cô Tô tạo điều kiện cho tiếp tục sản xuất, tuy nhiên, không biết khi nào huyện yêu cầu dừng hoạt động?!

anh-3-ky-1.jpg
Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng chủ xưởng sản xuất sứa có nguy cơ trắng tay bất cứ lúc nào

Để tránh rủi ro trong đầu tư, nhiều chủ xưởng sứa ở bãi triều 1, khu 4, thị trấn Cô Tô đã chủ động ngừng mọi hoạt động thu mua và sản xuất sứa, đồng thời chủ động di dời tài sản đi nơi khác hoặc di chuyển sang bãi triều 2 và bãi triều 3 để sản xuất. Lý do được họ đưa ra là tập trung sản xuất một chỗ để giảm bớt chi phí sản xuất, nhân công và quan trọng hơn là để không phải đóng thuế môn bài, thuế phí khác năm 2024.

Anh Nguyễn Văn Kỳ - một chủ xưởng sứa cho biết: "Nếu như các năm trước, khoản thuế chúng tôi phải đóng 30 triệu đồng/năm/xưởng thì năm 2024, chúng tôi được cơ quan thuế Cô Tô thông báo 50 triệu đồng/năm/xưởng và được đóng thành 2 đợt. Ngoại lệ, có xưởng sản xuất sứa phải đóng thuế lên đến 60 triệu đồng/năm". Khi được hỏi cơ sở nào để cơ quan thuế tính tiền như vậy, anh Kỳ cho biết: "Chúng tôi không rõ, chỉ biết họ bảo thu tăng thêm và thu theo đầu sản lượng sứa hoặc diện tích xưởng sản xuất gì đó. Chúng tôi có kiến nghị rồi, đơn vị liên ngành của huyện Cô Tô đã xuống khảo sát thực tế tại các xưởng, tuy nhiên tiền đóng thuế năm 2024 vẫn không giảm mà vẫn giữ nguyên như ban đầu, để tiếp tục được hoạt động, không còn cách nào khác, chúng tôi phải đóng thuế theo chỉ đạo".

anh-5-ky-1.jpg
Cảng nhận sứa nguyên liệu từ tàu thuyền đi vớt về

Một chủ xưởng bộc bạch: "Giá như có quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung, chúng tôi sẽ thành lập doanh nghiệp ngay, vì vừa chính danh để làm ăn và mở rộng đối tác thương mại, vừa có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ sứa chính ngạch sang nước ngoài, khi đó thuế đóng dựa trên doanh thu, sản lượng, lên cả tỷ đồng chúng tôi cũng đóng".

Trong khi đó, bên xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô có 6 xưởng sản xuất sứa đang hoạt động, trong đó có 2 xưởng sản xuất sứa nằm ở đảo Dê (chủ xưởng Nguyễn Đức Quảng) và đảo Ăng ten (chủ xưởng Nguyễn Duy Quý), còn lại các xưởng sản xuất sứa nằm ở thôn 1, xã đảo Thanh Lân. Quy mô và đầu tư bài bản nhất thuộc về gia đình chị Bùi Thị Ngát (dân xã Thanh Lân thường gọi chị Mai Đàm). Được biết, chị Mai Đàm đã đầu tư xưởng sản xuất và hệ thống bờ kè, đường bê tông chống sóng biển của 3 xưởng sản xuất sứa lên đến vài chục tỷ đồng (phóng viên sẽ làm rõ nội dung này ở Kỳ 2 - Nguy cơ phá sản diện rộng).

Ngoài ra, để chủ động cho việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sứa đi nước ngoài, chị Mai Đàm đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển nghề cá Thanh Lân từ năm 2019, đồng thời mời chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tư vấn xây dựng nhà xưởng, khu đóng thành phẩm, khu sản xuất, mái che nắng mưa...

anh-2-ky-1.jpg
Cảnh thu mua, sơ chế và đóng gói sứa

Trong khi một số chủ xưởng đã chủ động thành lập doanh nghiệp để sẵn sàng làm ăn lớn và xác định gắn bó với nghề thì niềm vui ngắn chẳng tày gang, họ đã đón nhận thông tin buồn. Đó là, chưa biết đến bao giờ, chính quyền mới gia hạn tiếp tục cho thuê đất và cũng không biết đến khi nào tỉnh Quảng Ninh quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung?! Chứng kiến những chủ cơ sở vẫn tâm huyết với nghề, tôi có cảm giác họ đang đánh liều với "canh bạc" con sứa, vì không biết khi nào, huyện Cô Tô ra "tối hậu thư" dừng mọi hoạt động sản xuất sứa.

Sức ép về môi trường

Có mặt tại bãi triều 2 và bãi triều 3, thị trấn Cô Tô, chúng tôi tận mắt chứng kiến các bể chứa, bể lắng mặc dù được chủ xưởng chế biến sứa xây dựng bằng bê tông khá kiên cố nhưng hầu như có diện tích khá khiêm tốn và có dấu hiệu xuống cấp.

Một chủ xưởng chế biến sứa ở bãi triều 2 cho biết: "Nói thật bể lắng được đầu tư xây dựng từ những ngày đầu, hiện đang có dấu hiệu xuống cấp do nhiều chủ xưởng hết thời hạn thuê đất nên không muốn đầu tư tiền của vào hệ thống thu gom và xử lý môi trường. Nếu như chúng tôi được gia hạn thuê đất và biết được tương lai của mình trong nhiều năm tới ra sao thì chắc chắn, để tồn tại với nghề, chúng tôi sẽ đầu tư thỏa đáng cho việc xử lý môi trường".

anh-5.-1-ky-1.jpg
Nguy cơ ô nhiễm môi trường do các bể lắng thu gom và xử lý nước thải từ hoạt động chế biến Sứa đang xuống cấp nghiêm trọng

Chị Nguyễn Thị Mười - một chủ xưởng chế biến sứa lâu năm ở Cô Tô tâm sự: "Chúng tôi biết việc thu gom nước trong quá trình sản xuất sứa nguyên liệu và xử lý nhớt của con sứa có gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên các chủ xưởng đã cố gắng khắc phục hết mức có thể, tất cả các công đoạn thu hồi nước, xử lý vi sinh... chúng tôi đều làm theo hướng dẫn của phòng chuyên môn. Vấn đề lớn hiện nay, đó là chúng tôi đang bị tâm lý hoang mang khi biết tin huyện Cô Tô không có ý định quy hoạch vùng chế biến sứa tập trung, không có ý định gia hạn thuê đất cho các chủ xưởng, điều đó có nghĩa chúng tôi có nguy cơ bị đẩy ra khỏi khu vực sản xuất sứa bất cứ lúc nào! Anh biết đấy, cả nhà tôi hơn 10 năm nay gắn bó với con sứa, nếu như bỏ nghề chế biến sứa, chúng tôi không biết làm nghề gì để trụ lại trên đảo và trả nợ vay ngân hàng vì chúng tôi đã "ném" hàng chục tỷ đồng vào đây".

Ông Lê Bá Tùng - một chủ xưởng sứa thừa nhận: "Nước muối hoặc nước kiềm trong quá trình ngâm sứa, chế biến sứa quả thật rất quý đối với nghề này, chúng tôi tận dụng hết công năng chứ có thải ra biển đâu vì muối dùng để sản xuất sứa nhập từ Ấn Độ rất đắt đỏ. Chỉ có nước rửa sứa, nước nhớt từ con sứa là được thu gom vào bể lắng, sau đó được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, việc dùng chế phẩm sinh học ở đây là thường xuyên, còn mùi hôi và thối thì không thể tránh được vì trong quá trình sàng lọc, phân loại các bộ phận của con sứa vẫn phải bỏ đi một số bộ phận không dùng tới nên tích tụ lâu ngày trong bể chứa sẽ sinh ra mùi hôi thối là chuyện bình thường".

Theo quan sát của chúng tôi, nước biển xung quanh khu vực sản xuất sứa đều trong xanh, thi thoảng có mùi hôi, thối từ hoạt động chế biến sứa. Tuy nhiên, vùng quy hoạch tạm thời cho sản xuất sứa ở thị trấn Cô Tô hiện nay cách khá xa bãi tắm du lịch Cô Tô, nên lấy lý do sản xuất sứa ảnh hưởng đến hoạt động du lịch là chưa thỏa đáng. Ngoài ra, đi dọc từ bãi triều 1 đến hết bãi triều 3, chúng tôi chứng kiến hệ thống nhà xưởng, bể bê tông, kho bãi... đều nằm sát mép nước biển, không xâm lấn sang diện tích rừng phòng hộ Cô Tô.

Chị Trần Thị Thủy cho hay: "Các anh đi dọc bãi triều, nếu phát hiện một chủ xưởng nào xâm phạm vào rừng phòng hộ hay chặt phá một cây rừng thì tôi sẽ thưởng tiền. Thú thật, ngoài đảo nếu không có núi, cây rừng che chở thì nghề sản xuất sứa của chúng tôi tồn tại làm sao? Do đó, bản thân tôi và nhiều chủ xưởng đều thường xuyên nhắc nhở công nhân không được chặt phá rừng hay xâm lấn vào diện tích rừng phòng hộ". Rồi chị chỉ về phía khu vực nhà xưởng quả quyết: "Tất cả các công trình phục vụ sản xuất sứa đều "mọc lên" từ bãi triều. Mồ hôi và tiền của của chúng tôi “đổ” xuống đây rất nhiều. Chúng tôi biết vậy nên luôn cố gắng chấp hành quy định về bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường để duy trì, bảo vệ nghề của chúng tôi".

anh-4-ky-1(1).jpg
Bãi triều 1, Thị trấn Cô Tô tan hoang do UBND huyện Cô Tô không gia hạn thuê đất cho chủ xưởng sản xuất sứa

Ông Ngô Văn Liệu - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND Thị trấn Cô Tô cho biết: "Việc sản xuất sứa ít nhiều gây ra tác động tới môi trường, nước biển nhưng thú thật, Cô Tô ngàn đời nay là "rốn sứa" của ngư trường miền Bắc, nổi tiếng khắp cả nước là sứa Cô Tô ăn ngọt, giòn, thậm chí con sứa còn được xuất khẩu đi nhiều nước. Tuổi thọ của sứa khá ngắn, thường chỉ từ vài tháng đến một vài năm, thậm chí có loài sứa kích thước nhỏ chỉ tồn tại vài ngày. Ngoài ra, sứa là loài dễ bị tác động bởi nhiệt độ nước biển và biến đổi môi trường nên chúng thường chết sau mùa sinh sản. Nếu không đánh bắt và chế biến sứa thì việc con sứa chết dạt vào bãi biển sẽ khó kiểm soát, trong khi sứa là sinh vật thân mềm rất dễ thối, khi đó sức ép về ô nhiễm môi trường ở bãi biển Cô Tô có thể sẽ rất nặng nề".

Ông Liệu cho biết thêm: "Quan điểm của Thị trấn là ủng hộ ngành khai thác và chế biến sứa, tôi hy vọng huyện Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm có quyết định quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung để vừa tận thu được thế mạnh của địa phương, vừa giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường biển Cô Tô khi con sứa chết dạt vào bờ".

Ngoài nỗi lo sứa chết dạt vào bãi biển gây ô nhiễm môi trường, còn nỗi lo lớn hơn mà phóng viên và người dân Cô Tô nhận thấy đó là vấn nạn nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn... đang được đổ thẳng ra bãi tắm Cô Tô mà không hề được xử lý. Theo quan sát của chúng tôi khi đi dọc bãi biển Cô Tô, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gắp đường ống nước thải dẫn thẳng ra biển, nước nhờ nhờ trắng đục, mùi hôi thối nồng nặc.

Chị Nguyễn Thị Bé - một khách du lịch từ TP. HCM đến Cô Tô du lịch cho biết: "Tôi thấy kỳ, bãi cát trắng đẹp và thơ mộng nhưng đi dạo dọc bãi biển thi thoảng lại bắt gặp đường ống dẫn nước thải nằm chình ình, mất thẩm mỹ và phản cảm vô cùng".
Trong khi đó, anh Bình - một người dân sinh sống trên đảo Cô Tô bức xúc: "Ban ngày nhìn vào các "vòi rồng" thấy mất thẩm mỹ vô cùng, ban đêm thì nước thải và bao xú uế được thải thẳng ra biển. Người dân thấy bức xúc, có góp ý với chính quyền trong các đợt tiếp xúc cử tri nhưng
có thấy thay đổi gì đâu, cách đây hơn một tháng lại xuất hiện thêm "vòi rồng", anh đi dọc về hướng cảng tàu Cô Tô sẽ thấy".

Kỳ 2: Nguy cơ phá sản diện rộng

Doãn Xuân - Phạm Hoạch