Sụt lún đất bất thường tại Mai Sơn, Sơn La:Khoanh vùng ảnh hưởng, xác định nguyên nhân
(TN&MT) - Ngày 23/4, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Sơn La đã kiểm tra, khảo sát thực địa, xác định nguyên nhân, khoanh vùng và đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục sụt lún đất tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.
Xuất hiện 4 hố sụt, 2 vị trí nứt
Như Báo TN&MT đã thông tin, ngày 2/4/2024, tại khu vực ao cá nhà ông Lò Văn Điện, bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung giáp đường bê tông nội bản có tiếng nổ lớn, xuất hiện cột nước phun từ ao với chiều cao khoảng 3m, sau đó toàn bộ nước trong ao bị rút xuống 1 hố dạng hàm ếch, chiều sâu khoảng 3m, chiều rộng khoảng 6m.
Đến khoảng 5h sáng ngày 17/4, tại đoạn rãnh thoát nước sát đường bê tông nội bản, cách hố sụt trước khoảng 150m tiếp tục xuất hiện thêm một hố sụt lún với kích thước miệng hố rộng khoảng 2m, độ sâu khoảng 7m.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin có hiện tượng sụt lún đất, UBND huyện Mai Sơn đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế và chỉ đạo triển khai ngay một số giải pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân trong phạm vi bị ảnh hưởng.
Qua đánh giá sơ bộ, 2 điểm sụt lún tại bản Nong Sơn đều nằm cạnh đường bê tông nội bản, lượng người qua lại chủ yếu là người dân trong bản và xe vận chuyển hàng nông sản, hàng tiêu dùng đi lại ít.
Cách điểm sụt đầu tiên (ao cá của ông Lò Văn Điện) khoảng 100m xuất hiện vết nứt rộng khoảng 2cm tại sân bê tông, chân tường nhà vệ sinh của ông Quàng Văn Inh và 1 vết nứt (ngay cạnh vị trí sụt nhà ông Điện) rộng khoảng 1,5cm dài 30m chạy dọc mép đường bê tông nội bản.
Rà soát xung quanh 2 vị trí bị sụt lún, đều có tác động địa chất xung quanh, cụ thể, toàn bản có 45 giếng khoan đang khai thác, sử dụng và quanh khu vực các điểm sụt lún có 16 giếng khoan của các hộ dân.
Được biết, bản Nong Sơn có 137 hộ với 618 nhân khẩu, do chưa có công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung nên 137/137 hộ dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong phạm vi bán kính 100m từ 2 điểm sụt lún có 25 hộ gia đình bị ảnh hưởng như đục nước giếng, nứt sân, nhà vệ sinh, ao cá bị sụt lún.
Trước mắt, huyện Mai Sơn đã đánh giá lượng người, phương tiện đi lại trong khu vực sụt lún; giám sát chặt chẽ an toàn tại 2 vị trí sụt lún và địa bàn xã Chiềng Sung. Cắm biển, căng dây cảnh báo nguy hiểm; thông báo bằng văn bản và trên loa phát thanh của bản đến toàn thể nhân dân trong xã được biết, không đi lại tại các điểm sụt lún.
Rà soát các hộ sử dụng nước giếng khoan, nước mó; tuyên truyền, vận động ngưới dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp khoan giếng và hành nghề khoan giếng trái phép (nếu có) để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định, đặc biệt tại địa bàn bản Nong Sơn và các bản giáp ranh.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sụt lún đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tham gia đoàn kiểm tra, khảo sát, để khoanh vùng sụt lún, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục.
Trong ngày 23/4, Đoàn liên ngành đã đi khảo sát tại 4 vị trí hố sụt và 2 vị trí nhà dân có xuất hiện các vết nứt tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung.
Theo Tổ chuyên gia Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung nằm trên khu vực phân bố đá vôi của hệ tầng Đồng Giao. Ngoài ra, khu vực này còn chịu ảnh hưởng của đới đứt gãy Sông Đà làm cho đá bị dập vỡ, nứt nẻ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hiện tượng karst hóa phát triển mạnh.
Tác nhân chính gây ra hiện tượng karst hóa là nước mưa chứa CO2 hòa tan ngấm vào đất đá, dẫn đến làm ăn mòn hóa học các khối đá vôi tạo ra các hệ thống hang động karst ngầm.
Khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như mưa lớn kéo dài, thời tiết khô hạn hoặc do khai thác nước dưới đất quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp, tạo ra các lỗ hổng trong kết cấu đất, tăng tải trọng lên trần hang dẫn đến sụt lún. Do đó, trên các vùng đá vôi, việc xảy ra hiện tượng sụt lún, xuất hiện hố (còn được gọi là “hố tử thần”) là hết sức phổ biến.
Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, đây là hiện tượng sập sụt karst ngầm điển hình với các hố sụt miệng tròn, đường kính từ 4-7m, sâu từ 2-7m.
Hiện tượng này được kích hoạt sau khi điểm sụt lún tại ao cá nhà ông Điện bị mất nước, tiếp theo đó xuất hiện thêm 2 hố sụt và một số điểm có nguy cơ sụt lún kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam trên diện tích khoảng 1,5-2 ha (rộng 100m, dài 150-200m). Phương phát triển của các hố sụt trùng với phương phát triển các đứt gãy địa chất đã xác định được trong công tác đo vẽ trước đây.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực địa sơ bộ nêu trên chưa đủ cơ sở để xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún, cũng như diện phân bố của hệ thống karst ngầm tại bản Nong Sơn. Hiện tượng sụt lún có thể còn tiếp tục diễn ra trên khu vực này trong thời gian tới.
Do đó, để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra được giải pháp khắc phục, cần triển khai thêm những phương pháp điều tra, khảo sát chi tiết, trực tiếp, đánh giá, phân tích chuyên sâu hơn nữa nhằm khoanh định chính xác độ sâu, diện phân bố, phát triển của các hệ thống hang động karst ngầm.
Kết luận buổi làm việc với huyện Mai Sơn, xã Chiềng Sung và bản Nong Sơn, Đoàn liên ngành đã thống nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan có đủ năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ Điều tra, khảo sát, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục sụt lún đất tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trình UBND tỉnh xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện Mai Sơn chỉ đạo UBND xã Chiềng Sung làm lại rào chắn, cắm biển cảnh báo tại 2 vị trí sụt lún lớn và các điểm có hiện tượng tiếp tục xảy ra sụt lún. Thường xuyên theo dõi diễn biến tại các điểm sụt lún, khoanh vùng các điểm có hiện tượng tiếp tục xảy ra sụt lún, rạn nứt.
Trước mắt, khi chưa có kết quả điều tra, đánh giá chính xác nguyên nhân sụt lún, để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, tạm thời tổ chức trám lấp đối 2 hố sụt lún lớn. Sau khi xác định chính xác nguyên nhân, sẽ có giải pháp khắc phục cụ thể đối với các điểm sụt lún này.
Cùng với đó, xây dựng phương án di dời dân cư trong trường hợp cấp thiết, nếu còn tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lút; đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Tiếp tục hạn chế người dân lưu thông quanh các điểm sụt lún, nhất là xe cơ giới. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân quanh khu vực sụt lún về nguyên nhân hiện tượng sụt lún, tránh gây hoang mang dư luận, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khoan giếng trái phép trên địa bàn.