Biến đổi khí hậu

Sơn La: Triển khai đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Nguyễn Nga 23/04/2024 - 17:35

(TN&MT) - Ngày 23/4, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị triển khai Đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Dự họp có Lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện Mường La, Bắc Yên; nhà tài trợ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC); lãnh đạo 12 công ty, doanh nghiệp thủy điện tham gia thực hiện Đề án điểm và đại diện 4 chủ rừng là cộng đồng bản có diện tích rừng quy mô, tập trung trên địa bàn 2 huyện Mường La, Bắc Yên.

z5375421346953_dfefe3005e9219c31c9e16015459357d.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Theo Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, toàn tỉnh đã quy hoạch trên 694.700 ha đất lâm nghiệp, chiếm 49,27% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2023 là 669.797 ha, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 47,5%.

Với quy mô diện tích rừng lớn, rừng trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc chống rửa trôi, xói mòn, điều hòa nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện. Cùng với đó, nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà, sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn và hệ thống sông suối khá dày đặc, Sơn La có tiềm năng xây dựng thủy điện vừa và nhỏ.

Tính đến tháng 11/2023, Sơn La có 76 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó, 56 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 665,5 MW. Hàng năm, các thủy điện vừa và nhỏ đã góp 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn; góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn thông qua chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới tác động biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng rừng suy giảm dẫn đến sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện sụt giảm nhiều so với thiết kế, giảm tuổi thọ các công trình thủy điện.

Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện nhỏ chưa giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích gắn với ổn định đời sống dân cư và phát triển rừng bền vững. Đời sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tạo áp lực lên rừng.

Để từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân tại các lưu vực thủy điện, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT xây dựng Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ, được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 15/8/2023.

img_4608.jpg
Đại diện các doanh nghiệp thủy điện ký cam kết hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình điểm theo Đề án.

Phạm vi xây dựng Đề án điểm tại 4 lưu vực thủy điện nhỏ, gồm 12 thủy điện: Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Chiềng Muôn, Pá Chiến; lưu vực suối Nậm Hồng, huyện Mường La: thủy điện Chiềng Công 1, Nậm Pia; lưu vực suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: thủy điện Nậm Chim 1, Nậm Chim 2, Xím Vàng 2; lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3. Thời gian triển khai thí điểm từ năm 2023 - 2025.

Đề án cũng xây dựng 5 mô hình điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại các lưu vực thủy điện nhỏ, gồm: mô hình về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững với việc thí điểm hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng; mô hình tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao sinh kế cộng đồng lưu vực thủy điện nhỏ, quy mô trên 6.700 ha;

Mô hình trồng, khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo vệ môi trường tại các lưu vực thủy điện nhỏ, quy mô 556 ha; thí điểm chuyển đổi từ đất canh tác nương sang trồng các loài cây lâm nghiệp bản địa lâu năm có tác dụng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ, số lượng 20.000 cây xanh; thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng theo các chương trình, dự án được UBND tỉnh phê duyệt, quy mô gần 64.500 ha rừng.

Tại cuộc họp, đại diện Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học, Nhà tài trợ USAID, 12 doanh nghiệp thủy điện cam kết hỗ trợ nguồn kinh phí, đồng hành với tỉnh triển khai thực hiện Đề án nhằm góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, điều hòa nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện nhỏ.

z5375421117569_03854f25d3a1c6c29303d19da473a6d3.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định phê duyệt Đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ.

Giao Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chủ trì, thí điểm hình thức chi trả trực tiếp dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng, chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Giao UBND huyện Mường La, Bắc Yên chủ trì triển khai xây dựng các mô hình điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các công ty, doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng các mô hình điểm, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đã đề ra.

Tỉnh Sơn La cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp thủy điện thuộc 4 lưu vực triển khai hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hoạt động xây dựng mô hình điểm theo nội dung cam kết. Chấp hành đúng, đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn đập, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự và các quy định liên quan đến phát triển thủy điện an toàn, bền vững.

Nguyễn Nga